Dù các doanh nghiệp bán lẻ đang không ngừng lớn mạnh nhưng thống trị thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam hiện nay vẫn đang là những cửa hiệu gia đình nhỏ.
Triệt để khai thác internet

Tổng giám đốc Thế giới di động Nguyễn Đức Tài tỏ ra không mấy lo ngại trước sức ép cạnh tranh từ các doanh nghiệp nước ngoài. Nhưng ông vẫn cố gắng tận dụng các tiến bộ công nghệ và khai thác triệt để mạng Internet nhằm giữ vững vị trí của công ty.

Khi cùng bốn người bạn sáng lập nên công ty, Nguyễn Đức Tài biết rằng sẽ phải giải quyết vấn đề đã gây đau đầu cho mình trong lần đi mua điện thoại tặng vợ. Ông phát hiện ra người tiêu dùng rất cần thông tin, do đó trước khi mở cửa hàng đầu tiên, ông lập một trang web cung cấp chi tiết về giá cả và đặc điểm của các loại điện thoại sẽ bán.

Thế giới di động chính là công ty đầu tiên ở Việt Nam triển khai mô hình này và đánh dấu một bước đột phá mới. Nhưng chính điều đó lại dẫn tới vấn đề khác: làm thế nào để giá ghi trên website và giá ở hệ thống cửa hàng của công ty luôn khớp với nhau, đặc biệt khi sức cầu thị trường ngày càng tăng cùng với biến động thất thường của tiền tệ.

Giải pháp được đưa ra là: sử dụng thẻ ghi giá kỹ thuật số cập nhật hai lần một ngày và liên kết thẳng tới website. Đó chính là nền tảng đầu tiên làm nên hệ thống thương mại điện tử sơ khai của công ty, trong đó khách hàng đặt mua bằng cách nhập số điện thoại của họ. Trong vòng 30 phút, nhân viên của Thế giới di động sẽ gọi lại, tiếp nhận đặt hàng và điều một nhân viên chuyên chở mang sản phẩm tới tận nơi giao dịch với khách hàng bằng xe máy.

Website này mang lại cho công ty doanh thu 1 triệu USD/tháng, đủ để biến Thế giới di động trở thành doanh nghiệp đứng đầu trong ngành thương mại điện tử - một lĩnh vực mới mẻ tại đất nước mà phần lớn người dân chưa có thẻ tín dụng và sử dụng tiền mặt trong đa số giao dịch.

Tài nhận xét: “Đây là vũ khí lợi hại giúp chúng tôi cạnh tranh với những nhà bán lẻ khác.”

Một “vũ khí” khác của công ty là doanh nhân trẻ Đinh Anh Huân, hiện giữ chức vụ giám đốc kinh doanh. Mỗi tháng một lần, anh Huân có một chuyến công tác sang Trung Quốc để học tập cách vận hành của các công ty ở đây: “Văn hóa và kinh tế Việt Nam có nhiều điểm hết sức tương đồng với Trung Quốc. Do đó, mỗi tháng tôi lại đến Trung Quốc, dạo qua các cửa hàng. Tôi gặp những nhà cung cấp, nhà sản xuất, thăm nhà máy của họ. Sau đó, tôi mua sản phẩm, quan sát chúng và học tập. Khi về nhà, hàng ngày tôi vẫn học tiếng Trung.”

Tại thủ đô Hà Nội cũng có một người rất hứng thú với đất nước Trung Quốc, đó là ông Đào Thế Vinh, giám đốc công ty thương mại và dịch vụ Cổng Vàng sở hữu chuỗi nhà hàng (Lẩu Ashima) đang tăng trưởng nhanh chóng. Công ty của ông Vinh hoạt động dựa trên mô hình Little Sheep tại Trung Quốc, tập đoàn đang sở hữu 350 cửa hàng trên toàn thế giới.

“Đó là tấm gương cho chúng tôi. Nhưng tất nhiên văn hóa Việt Nam vẫn có những điểm khác biệt, do đó chúng tôi phải tìm ra phương pháp của riêng mình.”

Năm năm trước, Vinh cùng hai người bạn chung nhau mở một nhà hàng chuyên phục vụ lẩu nấm. Hai năm sau, họ có sáu cửa tiệm, và năm ngoái con số này đã lên đến 34.

Đào Thế Vinh chia sẻ: “Mục tiêu của chúng tôi là tăng lợi nhuận từ 40% – 50%/năm trong vòng 3 năm tới, mở rộng chuỗi nhà hàng lên từ 90 – 100 cơ sở vào cuối năm 2013”.

Là 1 đối thủ có nhiều nét tương đồng của Cổng Vàng, Phở 24 đã có bảy năm hoạt động. Hiện nay họ sở hữu mạng lưới nhà hàng lớn nhất Việt Nam với 60 địa điểm cùng với 19 cửa hàng ở nước ngoài. Người sáng lập kiêm giám đốc Phở 24 Lý Quí Trung nói ông hy vọng con số nhà hàng được công ty nhượng quyền thương mại sẽ tăng từ hai đến ba lần trong 5 năm tới.

Tuy nhiên, thống trị thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam hiện nay vẫn đang là những cửa hiệu gia đình nhỏ.

Tại thành phố Hồ Chí Minh – một đô thị lớn với 8 triệu dân, thường xuyên trông thấy cảnh những người mua hàng chen nhau đông đặc trong Saigon Plaza, trung tâm mua sắm gồm hai tầng với vô số gian hàng nhỏ bán đủ thứ từ quần áo, trang sức cho đến túi xách và đồ chơi.

“Ở đây có đủ thứ thượng vàng hạ cám, giá cả cũng vậy. Tuyệt nhất là bạn có thể mặc cả. Đôi lúc tôi cũng đến những cửa hàng cao cấp, nhưng ở đó không có mặt hàng phù hợp nên tôi lại tới đây” – anh Tề Vĩnh Lộc, nhà thiết kế 34 tuổi nói trong khi lách qua một mê cung các gian hàng trên tầng hai.

Cách đó vài gian hàng, chị Quỳnh Thị Bích Lai đang bán một chiếc áo bóng đá in logo của Adidas với giá chỉ 6 USD.

“Công việc buôn bán rất tốt” – người phụ nữ này chia sẻ. Chị bán được khoảng 200-300 chiếc một ngày trong cửa hàng rộng không quá 2 mét vuông. Một tháng mỗi tiểu thương ở Saigon Plaza phải trả tiền thuê gian hàng khoảng 600 USD, với doanh thu 2.000 USD và lợi nhuận khoảng 500 USD.

Tiến vào khu phố chính, trung tâm thương mại Vincom xa hoa mới đi vào hoạt động, phần lớn nhân viên bán hàng ngồi im lặng trong những cửa hiệu vắng khách, một vài người đang cầm điện thoại chăm chú nhắn tin. Tại gian hàng của Versace, giá một chiếc túi xách của phụ nữ vào khoảng 2.600 USD – gấp đôi tiền lương cả năm của một công nhân Việt Nam bình thường. Nguyễn Anh Tuấn, một người bán hàng, cho biết việc kinh doanh hiện “không thuận lợi nhưng cũng được”. Chỗ của anh có khoảng 50 khách đến mỗi ngày nhưng chỉ 5 người thực sự mua.

Tuy nhiên tiềm năng tăng trưởng trong tương lai khiến cho những thương hiệu xa xỉ không thể không gia nhập thị trường Việt Nam.

Tháng 9 năm ngoái tại Hà Nội, rất nhiều minh tinh đã tụ họp trong lễ khai trương cửa hàng Gucci nằm đối diện Nhà hát lớn có tuổi đời trăm năm và Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội. Nhưng hiện tại thật hiếm khách hàng tới đây.

Một buổi chiều thứ hai, Nguyễn Trọng Minh đang dạo qua những cửa hiệu xa xỉ trong lúc tìm mua một kính râm tặng mẹ. Chàng trai 24 tuổi này vừa trở về sau 5 năm học ở Minnesota. Khi được hỏi phải mất bao lâu thì những cửa hiệu như Gucci mới trở nên phát đạt, anh ngập ngừng rồi trả lời: “Một thời gian nữa”.

Cafeland.vn - Theo Cafef/Reuters
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland