08/02/2011 3:16 AM
Diễn đàn Kinh tế thế giới thường niên (Davos) diễn ra ngày thứ Tư tuần này đang bị bao phủ bởi những đám mây u ám về nền kinh tế toàn cầu, với tình hình vật giá leo thang tại các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và những lo âu thường trực về cuộc khủng hoảng nợ châu Âu.

Cuộc họp thường niên kéo dài 5 ngày, từ 26 - 30/1/2011, thu hút khoảng 2.500 nhà lãnh đạo chính trị và kinh tế trên thế giới, sẽ thảo luận, trao đổi các ý kiến để tìm ra một lộ trình phát triển bền vững sau 3 năm diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu.

"Đây là lần đâu tiên tôi gọi cuộc họp này là một hội nghị sau khủng hoảng", Klaus Schwab, người sáng lập và là Chủ tịch điều hành Diễn đàn phát biểu.

"Chúng ta đã tránh được điều tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng, nhưng vẫn chưa thể sẵn sàng xây dựng tương lai của mình. Davos sẽ là nơi để nhìn vào thực tại và xem xét xem chúng ta nên xây dựng tương lai như thế nào", ông Schwab cho biết.

Danh sách những nhà lãnh đạo tham dự Diễn đàn bao gồm Tổng thống Mexico Felipe Calderon, Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Pháp Nicolas Sarkozy cùng đại diễn nhóm 20 nước phát triển nhất trên thế giới.

Các nhà lãnh đạo nhiều quốc gia lớn tập hợp lại để chia sẻ ý kiến về một giai đoạn quan trọng của kinh tế toàn cầu, nhưng nhiều người hoài nghi về việc diễn đàn này có thể đưa ra được những quyết sách hoặc thỏa thuận có tính thực tiễn cao.

Trên thực tế, phần lớn những gì đã đề cập trong diễn đàn năm ngoái đều không đề cập đến cuộc khủng hoảng nợ lây lan trên toàn châu Âu chỉ vài tháng sau đó.

Tuy nhiên, Yngve Abrehamsen, một nhà kinh tế tại Viện Kinh tế Thụy Sĩ, cho rằng, có thể đã có quá nhiều đòi hỏi được đưa ra đối với diễn đàn này.

"Xem xét và dự đoán về tương lai kinh tế luôn luôn là một việc khó khăn", ông Abrahamsen nói. "Bạn có thể thuê nhà chiêm tinh, bởi vì không ai biết điều gì sẽ xảy ra trong khoảng thời gian ba tháng tiếp theo cả".

"Dù gì đi nữa, Davos sẽ ít phản ứng nhanh với các vấn đề của toàn cầu", ông nói. "Tuy nhiên, một năm trước đây, không ai có thể biết rằng, sự phóng đại từ gói cứu trợ của các ngân hàng lại nhanh đến thế".

Cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu đã làm rung chuyển thị trường tài chính và vì thế, một số người lo ngại rằng, đồng euro thậm chí có thể bị sụp đổ.

Tuy nhiên, tại Davos, Schwab cho rằng, ông không nghĩ việc đó có thể xảy ra. "Tôi hoàn toàn chắc chắn đồng euro sẽ không sụp đổ, vì tôi vẫn cho rằng, vẫn có một sự đoàn kết mạnh mẽ trong khối châu Âu", ông nói và nhận định: "Khi mà một thế giới mới đang được định hình, châu Âu nếu muốn trở thành một nhân tố chính thì cần phải thể hiện về sự thống nhất của nó và để đảm bảo rằng đồng euro cũng sẽ được hỗ trợ bởi những nỗ lực chung của tất cả các quốc gia trong khối".

Các nhà tổ chức đang cố gắng xua tan đi những nghi ngờ về Diễn đàn Davos bằng cách đặt trọng tâm vào việc thảo luận làm thế nào để đối phó với nguy cơ không lường trước được hay còn gọi là những "ẩn số chưa biết" mà cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld đã từng đề cập.

Các chuyên gia đều cho rằng, để trở nên hữu hiệu hơn, Diễn đàn Davos cần phải chỉ ra những thách thức của kinh tế thế giới, về những chuyển biến của kinh tế toàn cầu, những thay đổi so với thời kỳ tiền khủng hoảng để tìm ra những rủi ro và biện pháp ứng phó kịp thời giai đoạn hậu khủng hoảng.

Bên cạnh vấn đề về ổn định giá cả trên thị trường nông phẩm, nguyên liệu, ông Schwab cho rằng, cần phải quan tâm đến những yếu tố như nguồn cung nước ngọt và năng lượng, tệ nạn tham nhũng và nguy cơ giảm phát tại một số quốc gia, có thể là những yếu tố cản trở đà phục hồi kinh tế và sự phát triển bền vững của toàn thế giới.

"Các cuộc biểu tình gần đây tại Algeria, Ai Cập và Tunisia là những dấu hiệu bất ổn của kinh tế, cộng thêm vấn đề về giá cả leo thang và nạn tham nhũng có thể là những quả bom gây nguy hiểm cho kinh tế thế giới, mà Diễn đàn Davos cần đặc biệt quan tâm", ông Schwab nói thêm.

Ông Schwab cũng khuyến cáo các nhà hoạch định chính sách của mỗi quốc gia cần nhìn nhận và vạch ra chiến lược phát triển lâu dài trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu chưa kết thúc và có thể nảy sinh các vấn đề về xã hội. Việc hợp tác trong bối cảnh các nước đang phát triển đang ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế toàn cầu cũng cần được đẩy mạnh hơn nữa.

Cafeland.vn - Theo Hợp Trang (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland