24/12/2010 8:43 AM
Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định lùi thời điểm hoàn thành tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại lên 3.000 tỷ đồng đến ngày 31.12.2011. Quyết định này giúp giảm áp lực cho một số ngân hàng nhưng lại đặt ra nhiều mối lo cho cơ quan quản lý và dư luận.


Có thể thấy, việc yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng vốn theo nội dung Nghị định 141/2006/NĐ-CP về danh mục mức vốn pháp định của các tổ chức tín dụng là cần thiết. Bởi, khi hội nhập sâu với nền kinh tế - tài chính thế giới, việc nâng cao năng lực tài chính là yêu cầu cấp thiết không chỉ với các tổ chức tín dụng, mà còn đối với hệ thống tài chính - ngân hàng. Thực tế phát triển nhiều năm qua đã làm các tổ chức tín dụng bị phân hóa rõ rệt về năng lực hoạt động, tiềm lực tài chính. Điều này đòi hỏi phải có sự sàng lọc, dần loại bỏ những nhân tố yếu kém để giảm thiểu rủi ro cho hệ thống huyết mạch này, xây dựng một hệ thống tài chính - ngân hàng hoạt động ổn định và phát triển bền vững. Hơn nữa, cạnh tranh trên thị trường tài chính – ngân hàng trong những năm trở lại đây đã gay gắt hơn so với trước, nhất là khi thị trường nội địa rộng cửa hơn cho ngân hàng nước ngoài. Các ngân hàng nước ngoài đang cạnh tranh khá thuận lợi ở Việt Nam. Nếu không tăng vốn điều lệ thì các ngân hàng trong nước sẽ khó nâng cao sức cạnh tranh.

Đòi hỏi cấp thiết là vậy, nhưng sau 3 năm triển khai Nghị định 141 của Chính phủ, đến nay vẫn còn 9/23 ngân hàng chưa thể tăng vốn điều lệ lên mức 3.000 tỷ đồng. Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản đề nghị Chính phủ giảm bớt áp lực về thời gian tăng vốn cho các tổ chức tín dụng chưa thể tăng đủ ngay mức vốn pháp định. Thời gian qua, do nhiều nguyên nhân khách quan đã ảnh hưởng đến việc tăng vốn của các ngân hàng thương mại. Trong năm 2010, việc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải thoái bớt vốn và không đầu tư thêm vào lĩnh vực ngân hàng đã gây áp lực với việc tìm nguồn của tổ chức tín dụng. Để tăng vốn, các ngân hàng đã ráo riết tìm đối tác chiến lược cả trong và ngoài nước, nhưng trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn, việc tìm kiếm này không đơn giản. Việc kéo dài lộ trình tăng vốn thêm một năm sẽ tạo điều kiện hơn cho các ngân hàng, giãn biên cho thị trường chứng khoán. Nếu thúc ép các ngân hàng phải tăng vốn theo lộ trình, lượng cung cổ phiếu ngân hàng phát hành ra thị trường sẽ tăng mạnh, tạo sức ép lớn lên giá trị cổ phiếu.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, quyết định lùi thời điểm hoàn thành tăng vốn điều lệ của tổ chức tín dụng chỉ mang tính tình thế. Bởi, nếu giữ lộ trình tăng vốn như ban đầu, thì cái được là sẽ giữ kỷ cương và tránh tiền lệ xấu trong điều hành tiền tệ - tài chính. Quyết định lùi thời hạn của Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phấn đấu đến năm 2012, vốn của các ngân hàng thương mại cổ phần phải đạt tối thiểu 5.000 tỷ đồng. Ngoài ra, tiếp theo giải pháp tình thế này, cơ quan quản lý còn phải xử lý những vấn đề khác như: làm thế nào để các tổ chức tín dụng đạt mục tiêu tăng vốn trong vòng 1 năm nữa, tránh lặp lại quyết định điều hành không đạt hiệu lực thêm một lần nữa? Có giải pháp nào để bảo đảm công bằng cho những tổ chức tín dụng đã nỗ lực hoàn thành đúng thời hạn, tránh sự bất bình đẳng khi thụ hưởng chính sách hay không?

Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định sẽ tiếp tục duy trì định hướng cải thiện năng lực tài chính cho các tổ chức tín dụng, khuyến khích các ngân hàng đạt được mục tiêu 3.000 tỷ đồng trong thời gian sớm nhất có thể và theo đúng tinh thần của Nghị định 141/2006. Nhưng vấn đề cốt lõi có lẽ không chỉ là khi nào các ngân hàng sẽ tăng đủ vốn điều lệ. Quan trọng hơn là nâng cao chất lượng quản trị, điều hành của các tổ chức tín dụng. Nếu năng lực quản trị thấp, thì tổ chức tín dụng dù có quy mô lớn vẫn đối mặt với rủi ro. Thời gian qua, những tổ chức tín dụng có năng lực quản trị tốt đã tự thân nâng quy mô hoạt động, không cần sự trợ giúp từ bên ngoài. Điều này vừa tạo một điểm tựa vững chắc cho người dân vừa góp phần bảo vệ an toàn tài chính quốc gia trước những biến động của khu vực và thế giới.
Cafeland.vn - Theo Đại biểu nhân dân
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland