Hành loạt dự án “bánh vẽ”
Cách đây không lâu, dư luận đã khá xôn xao trước sự việc bà Châu Thị Thu Nga, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch tập đoàn Housing Group bị bắt vì có hành vi lừa đảo tại 2 dự án bất động sản. Bà Nga đã huy động vốn số vốn gần 400 tỷ đồng của nhà đầu tư tại dự án B5 Cầu Diễn dưới hình thức nhà ở thương mại và Dự án nhà ở tái định cư và kinh doanh trên địa bàn phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội. Tuy nhiên, thực tế dự án B5 Cầu Diễn không thuộc diện nhà ở thương mại mà được sử dụng vào quỹ nhà tái định cư của thành phố Hà Nội. Còn với Dự án nhà ở và kinh doanh trên địa bàn phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Housing Group đã cam kết với khách hàng sẽ đầu tư đồng bộ một tòa chung cư 12 tầng, tuy nhiên cho đến nay dự án vẫn chỉ là bãi đất trống.
Tiếp sau vụ việc của bà Nga, dư luận lại tiếp tục bức xúc với dự án Tincom Pháp Vân do Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Thăng Long làm chủ đầu tư. Cụ thể, theo như tiến độ cam kết với khách hàng thì chủ đầu tư dự án chung cư Tincom Pháp Vân sẽ phải bàn giao nhà vào năm 2015. Tuy nhiên, cho đến nay, sau 4 năm thi công, dự án này thậm chí vẫn chưa xong phần móng. Nhiều khách hàng đã phản ánh và gửi đơn xin rút tiền góp vốn nhưng chỉ nhận được những lời hứa hão và những con số trên giấy.
Còn tại TP.HCM, một dự án khác cũng khá tai tiếng trong thời gian vừa qua là Petrolandmark do PVC Land làm chủ đầu tư. Cụ thể, vào khoảng đầu quý II/2011, nhiều khách hàng đã ký hợp đồng mua bán và được PVC Land cam kết sẽ bàn giao nhà vào cuối năm 2011. Tuy nhiên, mới đây chủ đầu tư thông báo Dự án mới được hoàn thiện 85% và đang phải ngưng thi công vì lí do thiếu vốn. Nhiều khách hàng của Petrolandmark đã đội đơn tố cáo và yêu cầu chủ đầu tư bồi thường, tuy nhiên cho đến nay vẫn không có chuyển biến gì khả quan.
Dự án Petrolandmark vẫn còn dang dở vì chủ đầu tư thiếu vốn
Thực tế còn hàng chục dự án mà chủ đầu tư thực hiện theo kiểu huy động vốn của khách hàng xong thì bỏ bê dự án như trên. Theo báo cáo của HoREA, hiện số lượng dự án đang xây dựng tại TP.HCM tính đến tháng 12/2014 là 281 dự án (chiếm 14,32%). Còn lại có tới 689 dự án (49,1%) đang nằm đắp chiếu. Có tới 85 dự án bị thu hồi hoặc buộc phải hủy bỏ chủ trương đầu tư. Và số dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng chiếm 30,36% (khoảng 426 dự án).
Tại Hà Nội, theo kết quả rà soát, phân loại mà UBND thành phố đã báo cáo vào kỳ họp thứ 10 vừa qua, trong số 859 dự án được rà soát, có đến 352 dự án với diện tích hơn 1.400ha có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai, chưa hoặc chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất, thuê đất… Trong đó có 157 dự án có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai như không sử dụng đất trong 12 tháng liền, sử dụng sai mục đích hoặc cho thuê, chuyển nhượng trái quy định; 53 dự án chậm tiến độ 24 tháng; có 35 dự án vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng…
Huy động vốn hay bán nhà hình thành trong tương lai trong thời gian qua đều có cả ưu và nhược điểm. Về phía chủ đầu tư, họ có thể huy động vốn triển khai dự án và xác định được nhu cầu của người mua, bản thân người mua cũng có thể lựa chọn được sản phẩm phù hơp và thanh toán theo thời gian dài. Tuy nhiên, mua bán nhà hình thành trong tương lai cũng bộc lộ nhiều rủi ro, trong đó, rõ ràng nhất là việc huy động vốn trong thời gian dài khiến doanh nghiệp không thể lường trước được những biến động của thị trường và tiến độ dự án như đã cam kết với khách hàng trước đó.
Để giải quyểt vấn đề này, mới đây Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi đã quy định chủ đầu tư dự án nhà ở hình thành trong tương lai bắt buộc phải có ngân hàng đứng ra bảo lãnh. Cụ thể nếu dự án không đạt yêu cầu thì ngân hàng có nghĩa vụ hoàn tiền cho người mua nhà. Đây được xem là giải pháp hiệu quả để bảo vệ nhà đầu tư cũng như người mua nhà trong bối cảnh thị trường nhà ở hình thành trong tương lai còn khá nhiễu nhương như trên.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng ngân hàng mặc dù đã có nghiệp vụ bảo lãnh bất động sản nhưng họ sẽ gặp nhiều khó khăn để thẩm định và giám sát dự án. Phải chăng, để người dân có thể an tâm khi mua nhà trên giấy vẫn còn là câu chuyện dài và liệu việc mua nhà ở hình thành trong tương lai có tìm ra cơ chế hợp lí?
Phần 2: Lối ra nào hợp lí?