Vừa kiềm chế lạm phát, vừa bảo đảm tăng trưởng là nhu cầu tất yếu và cũng là vấn đề nan giải trong điều hành kinh tế hiện nay. Đặc biệt khi CPI hai tháng đầu năm đã tăng đến 3,79%, đe dọa trực tiếp đến sự ổn định kinh tế vĩ mô cũng như đời sống người dân... Điều này, các nhà quản lý kinh tế hiểu hơn ai hết. Nếu không tập trung thúc đẩy sản xuất, kiềm chế lạm phát, chắc chắn không tránh khỏi hậu quả tiêu cực.
Nguồn vốn tập trung cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu có ý nghĩa quan trọng trong thời điểm này. Thế nhưng chúng ta đang chấp nhận một thực tế là nhiều nguồn đầu tư đang ngưng đọng trong các khoản kinh doanh không sinh lời mà không “chảy” vào hoạt động sản xuất, xuất khẩu hay cho các dự án mang tính cấp bách đối với nền kinh tế. Do vậy, giải tỏa, vận hành hiệu quả nguồn vốn này đang là vấn đề cấp bách.

Theo con số Hội đồng Vàng thế giới cung cấp cho Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, lượng vàng dự trữ trong dân lên tới con số hàng ngàn tấn. Con số này gần gấp đôi so với "ước tính" bấy lâu nay của thị trường. Ông Lê Đức Thúy - Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, đây là nguồn vốn lớn đang nằm yên không sinh lời hoặc rơi vào khối kinh tế không chính thức. Lượng tiền ứ đọng không được đưa vào sản xuất, kinh doanh mà nằm trong tay các nhà đầu cơ đất đai, vàng, ngoại tệ, hàng hóa... là rất đáng quan ngại. Có thể nói đây là một vấn đề, một nguy cơ đã hình thành từ rất lâu và các nhà quản lý nhận thức rất rõ điều đó.

Loại trừ các tác động của thế giới, bong bóng bất động sản hình thành đã thu hút nguồn vốn rất lớn - cũng có thể nói là đầu cơ. Lượng tiền đầu cơ này không tạo ra giá trị gia tăng. Chưa kể, đất đai bị bỏ trống, đặc biệt là đất nền đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và gây ra những hiệu ứng dây chuyền. Không ít mặt hàng quá rẻ so với giá đất đã tự điều chỉnh tăng theo. Kết quả là lạm phát gia tăng, giá vàng, giá USD nhảy múa đến chóng mặt ...

Một vấn đề "nóng" của nước ta là thu nhập bình quân của người dân thì xếp ở cuối bảng nhưng giá nhà đất lại ở nhóm hàng đầu thế giới. Đây có thể xem là một nghịch lý cần giải quyết không chỉ ở khía cạnh kinh tế. Theo nhiều nhà nghiên cứu tài chính, dấu hiệu đổ vỡ bất động sản đang hình thành theo mối quan hệ tác động biện chứng với nền sản xuất. Đây là một cảnh báo đáng chú ý bởi điều này hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai, nếu so sánh với giá nhà lúc khủng hoảng tại Mỹ. Và đây thật sự là vấn đề nghiêm trọng bởi nó kéo theo hậu quả không thể cân đo đong đếm được.

Thực tế, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã đưa ra một số giải pháp để ngăn chặn tình trạng đầu cơ, lãng phí đất đai nhưng rõ ràng chúng ta chưa có những giải pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn bong bóng bất động sản. Các giải pháp tình thế chỉ ở phần bề nổi, chưa lật được tảng băng chìm nên nguy cơ bất ổn vẫn hiện hữu. Theo các nhà kinh tế, muốn giảm lạm phát phải tập trung đầu tư cho nền sản xuất hàng hóa. Song mấy năm vừa qua, lãi suất ngân hàng tăng cao đã khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất mất cơ hội phát triển. Trong khi đó, dòng tiền cung ứng ra thị trường đổ vào bất động sản, vàng, chứng khoán làm cho cung tiền tăng cao, cùng với hiệu ứng của nền kinh tế thế giới đã tạo ra những tác động xấu cho nền kinh tế.

Đặt vấn đề kiểm soát giá đất vào thời điểm này cũng đã hơi muộn nhưng đây thật sự là vấn đề cần được nhìn nhận, xem xét, giải quyết. Một trong những giải pháp cấp bách hiện nay là điều chỉnh lại chính sách và giám sát chặt chẽ nguồn vốn đầu tư của các ngân hàng, các tổng công ty, sao cho nguồn vốn được "vận chuyển" lành mạnh trong nền kinh tế. Đồng thời, Nhà nước cần có những biện pháp quyết liệt để huy động mọi nguồn lực cho phát triển sản xuất. Bởi lẽ phát triển kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, sử dụng tiết kiệm năng lượng là những yếu tố cốt lõi để kiềm chế lạm phát.
tag: nguon von dau tu, lanh manh hoa, tieu cuc, kiem che lam phat,..
Cafeland.vn - Theo Hà Nội mới
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland