Các doanh nghiệp đang giữ 9 tỉ USD trên tài khoản ở các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM. Tiết kiệm ngoại tệ của người dân cũng tăng lên.
Vàng đối với người dân Việt Nam không chỉ là đồ trang sức thuần tuý, còn là sản phẩm cho “tích cốc phòng cơ”. Ảnh: Lê Quang Nhật

Tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do tiếp tục theo hướng tăng lên, giữa tuần qua lên đến 21.600 đồng/USD, cao hơn 2.100 đồng so với giá niêm yết ở các ngân hàng, và đến cuối tuần sụt giảm còn 21.350 đồng/USD. Giá vàng trong nước vào ngày cuối tuần, do đà leo thang 30 USD/ounce trên thị trường thế giới, đã lên mức 36,7 triệu đồng/lượng.

Tiếp tục găm giữ USD?

Thống đốc ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Giàu cho rằng, việc các doanh nghiệp tiếp tục nhập khẩu vàng được thực hiện trong một thời gian dài, sẽ không gây đột biến cầu ngoại tệ và không gây áp lực lên tỷ giá. Dù vậy, giá vàng và USD vẫn trong xu hướng biến động tăng. Có ý kiến cho rằng, một lượng cầu gom USD để nhập vàng, cùng với nhu cầu thanh toán nợ cuối năm đã đẩy giá USD tịnh tiến.

Trong bối cảnh không có thông tin về lượng ngoại tệ NHNN bán ra can thiệp vào thị trường, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục găm giữ USD trên tài khoản. Theo ông Hồ Hữu Hạnh, giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, hiện lượng ngoại tệ trên tài khoản doanh nghiệp gửi ở các ngân hàng thương mại trên địa bàn lên đến 9 tỉ USD.

Trong tổng số 58,5 tỉ USD mua vào trong cả năm nay của các tổ chức tín dụng ở TP.HCM, chỉ có 3%, tương đương 1,755 tỉ USD mua được từ NHNN. Các ngân hàng tự xoay xở mua lẫn nhau, hoặc mua bán nội bộ giữa hội sở và chi nhánh chiếm đến 60%. Các doanh nghiệp chỉ bán cho ngân hàng khoảng 18,7 tỉ USD, chiếm 32% lượng ngoại tệ mua được, còn lại là mua từ kiều hối…

Giám đốc khối doanh nghiệp một ngân hàng nói rằng, hiện chỉ ưu tiên bán đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cho L/C đến hạn, thanh toán nợ vay đến hạn và các khách hàng lâu năm, truyền thống. Trạng thái ngoại tệ cuối ngày của phần lớn ngân hàng thương mại luôn âm, doanh số thanh toán xuất nhập khẩu sụt giảm so với cùng kỳ năm trước.

Chính phủ đang tập trung kiểm soát lạm phát, bình ổn giá cả, trong đó có bình ổn tỷ giá và giá vàng với những biện pháp mạnh. Tuy nhiên, người dân, bị chi phối bởi chỉ số lạm phát tăng, sự lên giá của vàng và USD so với tiền đồng, đã chuyển mạnh sang gửi tiết kiệm ngoại tệ. Theo NHNN chi nhánh TP.HCM, từ tháng 8 đến nay, tiết kiệm ngoại tệ tăng cao hơn các tháng đầu năm, riêng tháng 10, tiết kiệm ngoại tệ tăng tới 5,2% so với tháng 9.

Số liệu của cục Thống kê TP.HCM: vốn huy động trên địa bàn đến cuối tháng 11 ước tăng 1,7% so tháng trước, tăng 26,9% so cùng kỳ năm 2009. Vốn huy động bằng ngoại tệ tăng mạnh hơn: tăng 1,9% so tháng trước và tăng 31,2% so cùng kỳ. Sự chênh lệch lãi suất giữa ngoại tệ và tiền đồng cũng khiến tín dụng ngoại tệ ở TP.HCM tăng mạnh. Tổng dư nợ tín dụng tăng 24,2% so cùng kỳ năm 2009, thì tín dụng bằng ngoại tệ cũng tăng cao hơn: tăng 39,3% so cùng kỳ.

Đơn xin giảm lãi suất

Ở ngân hàng A. có quy định, nếu khách hàng thấy lãi suất cao thì có thể làm đơn xin giảm, ngân hàng sẽ xem xét để giảm lãi suất. Nhân viên phụ trách tín dụng của ngân hàng cho biết, ông nhận được khá nhiều đơn xin giảm lãi suất. “Một là khách hàng chạy tiền trả nợ chịu phạt trước hạn, hai là xin giảm lãi suất. Họ không chịu nổi mức lãi suất 18 – 20%”, ông cho biết. Nhưng ngân hàng ông chưa thể giảm được cho khách hàng nào, khi lãi suất huy động đã lên đến 14,5%/năm. Với mức lãi suất này, trừ đi lạm phát 9,58% của 11 tháng, so với chênh lệch 10% giữa giá USD tự do và ngân hàng, và sự tăng giá 2,55 triệu đồng/lượng của vàng chỉ trong tháng 11, thì lãi suất tiết kiệm thực dương 2 – 4,5%/năm của ngân hàng kém hẳn. Vì vậy, ngân hàng ông có kế hoạch tăng thêm lãi suất tiết kiệm.

Bề ngoài, tình hình hiện nay có vẻ giống như hồi quý 4/2009, khi lãi suất và tỷ giá cũng tăng cao. Tuy nhiên, công ty chứng khoán TP.HCM (HSC) cho rằng, tình hình hiện tại phức tạp hơn so với thời điểm quý 4/2009 với tác động của những yếu tố bên ngoài. Theo đó, những hoài nghi xung quanh nợ quốc gia của nhiều nước, số phận những đồng tiền dự trữ quốc tế chính (cả USD và euro) đều có những bất ổn. Do đó, khi năm ngoái Việt Nam đã phải lấy lại giá trị tiền đồng so với USD, thì lần này Việt Nam sẽ phải nỗ lực lấy lại giá trị tiền đồng so với vàng.

Theo HSC, với khoản mục sai số trong cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối giảm trong hai năm qua, các biến động giao dịch vàng – USD trên thị trường tự do, thách thức với mối quan hệ tay ba USD – vàng – lãi suất trong lần này đối với NHNN lớn hơn, và có lẽ sẽ đòi hỏi lãi suất phải được nâng cao trong một khoảng thời gian dài hơn.

Cafeland.vn - Theo SGTT
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland