Sau gần hai tuần âm thầm điều chỉnh, lãi suất huy động USD đến cuối tuần qua bất ngờ được nâng lên sát mức 6,25%/năm và mức cao nhất trong suốt nhiều tháng qua.
Động thái này phần nào cho thấy sự dịch chuyển dòng vốn vay của các doanh nghiệp trong thời điểm đầu năm mới.

Ngân hàng đua tranh

Việc đưa lãi suất huy động USD lên đỉnh điểm 6,25%/năm nói trên thực tế được khởi động ngay từ những ngày đầu năm 2011 khi các số liệu chính thức về lượng kiều hối chuyển vào trong nước được công bố. Dù có thể còn nhiều nguyên do khác, việc hàng loạt các ngân hàng nối tiếp nhau nhanh chóng điều chỉnh lãi suất huy động USD cho thấy một làn sóng tăng lãi suất đang ngày càng lớn dần. Sau động thái tăng của một số ngân hàng, Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (VietBank) chính thức dẫn đầu thị trường với việc đưa lãi suất lên mức 6%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Hàng loạt kỳ hạn gửi tiền USD khác tại VietBank cũng được ngân hàng này nâng lãi suất lên mức 5,4-5,9%/năm.

Vị trí dẫn đầu của VietBank trên mặt bằng lãi suất ngoại tệ nhanh chóng bị phá bỏ khi Navibank mạnh tay đưa lãi suất USD lên tới 6,24%/năm áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng. Thậm chí các kỳ hạn từ 3 đến 9 tháng tại NaviBank cũng được ngân hàng này đưa lên mức trên 6%/năm với mức cao nhất là 6,14%/năm tùy thuộc vào lượng tiền khách hàng gửi vào.


Các ngân hàng đang đua nhau tăng lãi suất USD. Ảnh: Hữu nghị

Song thực tế trước đó, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần quy mô nhỏ như WesternBank hay KienLongBank cũng lần lượt tiến hành các đợt điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm ngoại tệ lên mức cao nhất 5,3%/năm và 5,6%/năm. Nhiều kỳ hạn gửi ngoại tệ khác tại KienLongBank cùng lúc cũng được nâng lên mức 5,3-5,5%/năm. Sự tham gia của các NHTM cổ phần quy mô lớn vào cuộc đua tăng lãi suất huy động ngoại tệ cho thấy sức hấp dẫn thực sự của dòng vốn này trong thời điểm lãi suất huy động cũng như cho vay VND gần như đóng băng ở mức cao.

Dù không đưa lãi suất lên mức tới 6%/năm đồng thời áp dụng thêm nhiều điều kiện ngặt nghèo, nhiều ngân hàng lớn cũng tiến hành các điều chỉnh tăng cho thấy cuộc đua tăng lãi suất ngoại tệ đang nóng dần. ACB và Techcombank mới đây cũng vừa đưa lãi suất huy động USD lần lượt lên mức cao nhất 4,95%/năm và 4,8%/năm (Techcombank áp dụng lãi suất cao nhất cho kỳ hạn 12 tháng). Trong khi đó từ rất lâu, các NHTM cổ phần nhỏ như ACB, ABBank hay DaiABank sớm đưa lãi suất lên mức 5,4-5,45%/năm chưa kể hàng loạt các NHTM cổ phần khác gần như đồng loạt áp dụng lãi suất cao nhất tới 5-5,3%/năm từ rất sớm.

Chuyển dịch dòng vốn

Lượng kiều hối về trong nước đạt doanh số lớn trong năm 2010 là lý giải đầu tiên cho đợt đua tăng lãi suất ngoại tệ của hàng loạt ngân hàng trong thời điểm hiện nay. Sự gia tăng lãi suất sẽ khiến khả năng hút vốn ngoại tệ nhàn rỗi trong dân của các ngân hàng ngày càng mạnh mẽ hơn. Ở một khía cạnh khác, mặt bằng lãi vay VND đóng băng ở mức khá cao (17-18%/năm đối với các doanh nghiệp sản xuất) cũng có thể là lý do tạo nên sự dịch chuyển dòng vốn trong nhu cầu vay của các doanh nghiệp. Với mặt bằng hiện nay, lãi suất cho vay USD theo tính toán chỉ bằng 1/3 so với lãi vay tiền đồng, với mức dao động 6-8%/năm.

Chính với chênh lệch này, dù có cộng thêm yếu tố biến động tỉ giá, việc vay vốn ngoại tệ theo một số doanh nghiệp vẫn chịu áp lực thấp hơn so với vay vốn tiền đồng. Hút mạnh vốn ngoại tệ thông qua biện pháp tăng lãi suất huy động có thể coi là bước chuẩn bị của các ngân hàng nhằm đón nhận nhu cầu vốn ngoại tệ có khả năng tăng mạnh trong thời gian tới.

Những thay đổi về tỉ lệ cho vay trên tổng vốn huy động khi thông tư 13 đã có hiệu lực cũng có thể lý giải một phần điều chỉnh tăng lãi suất huy động ngoại tệ của các ngân hàng. Việc chỉ được sử dụng tối đa 80% vốn huy động để cho vay theo như thông tư 13 có thể sẽ khiến một số ngân hàng nhỏ gặp vấn đề về thanh khoản ngắn hạn. Trong khi phải trả tới 14%/năm (như đồng thuận giữa các ngân hàng với nhau) cho vốn huy động tiền đồng, việc chỉ phải trả lãi suất 5-6%/năm cho vốn huy động USD nhằm giải quyết thanh khoản ngắn hạn trước mặt có thể sẽ là lựa chọn mà các ngân hàng chấp nhận được.

Cafeland.vn - Theo Lao Động
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland