Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3, theo tính toán của Bộ KH-ĐT là 2,2%. Như vậy, 3 tháng đầu năm CPI đã tăng tới 6,1% - tiệm cận với mức 7% mà Quốc hội giao chỉ tiêu cho Chính phủ trong năm nay. Đến giờ, hầu như các biện pháp mạnh nhất đã được Chính phủ đưa ra như thắt chặt chính sách tiền tệ (tốc độ tăng trưởng tín dụng dưới 20%); tổng phương tiện thanh toán khoảng 15%-16%; tiết kiệm chi thường xuyên 10%; rà soát, sắp xếp lại các khoản đầu tư công…
Bất khả thi
alt
Vàng miếng sẽ không còn được mua bán trên thị trường tự do.

Năm nay, theo lộ trình nhiều mặt hàng sẽ phải trả lại theo giá thị trường. Theo Bộ Tài chính, đến nay, nhiều mặt hàng về cơ bản đã theo nguyên tắc thị trường, tuy nhiên vẫn còn một số mặt hàng như điện, xăng dầu các doanh nghiệp chưa được phép tính đủ các chi phí đầu vào, vẫn còn bao cấp qua giá cho toàn xã hội khiến các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này còn gặp khó khăn, làm méo mó hệ thống giá chung và hạch toán kinh tế của các ngành. Dù giá điện, xăng dầu đã được điều chỉnh nhưng thực tế giá các mặt hàng nguyên liệu đầu vào này vẫn chưa đủ bù đắp những chi phí thực tế. Chính vì vậy, theo các chuyên gia, chỉ tiêu kiềm chế lạm phát 7% năm nay là mục tiêu bất khả thi.

alt
Chương trình bình ổn giá của TPHCM giúp thị trường Tết Tân Mão ổn định

Theo ông Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, việc điều chỉnh tỷ giá hối đoái trong năm nay có thể làm cho CPI tăng lên khoảng 1,1%/năm, từ điều chỉnh giá xăng có thể làm cho CPI tăng khoảng 0,54%/năm tính nhiều vòng, giá điện tăng làm cho CPI tăng thêm 0,71%. Nếu cộng lại, CPI sẽ tăng thêm khoảng 2,35%/năm… Cộng các yếu tố tăng giá đầu vào, giảm giá lương thực thực phẩm, dự báo lạm phát năm nay chỉ vào khoảng 9%.

Theo TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR), kết quả nghiên cứu từ VEPR đã chỉ ra, lạm phát ở Việt Nam có nguyên nhân chủ yếu từ nội địa. Các phát hiện cho thấy mức giá cả thế giới có khuynh hướng gây ảnh hưởng lên mức giá thấp hơn các nhân tố khác trong nền kinh tế. Giá thế giới thực sự có ảnh hưởng lên giá sản xuất nhưng theo kênh lan truyền từ giá sản xuất đến giá tiêu dùng thì hiệu ứng gây lạm phát này phải mất vài tháng mới phát huy tác dụng.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, kịch bản cho tăng giá một số mặt hàng cơ bản vào đầu năm để hy vọng ổn định vào cuối năm cũng từng được sử dụng vào năm 2010 nhưng nền kinh tế vẫn kết thúc năm với mức lạm phát 2 con số. Năm 2011, mức tăng giá các mặt hàng nêu trên đều cao hơn nhiều so với năm ngoái. Cộng với sức ép từ bên ngoài, việc giữ lạm phát ổn định là rất khó khăn.

Hạn chế tăng giá đến đâu?

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), mục tiêu kiểm soát CPI tăng không quá 7% là mục tiêu phấn đấu rất khó khăn. Tính khả thi không vững chắc do nhiều nhân tố tác động bất lợi, khó kiểm soát. Để kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý, chúng ta phải cụ thể hóa và thực hiện ngay các giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng trên cơ sở hiệu quả và tăng khả năng cạnh tranh.

Thực hiện các biện pháp khống chế tổng cầu của nền kinh tế thông qua việc giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng, giảm bội chi ngân sách, giảm nhập siêu xuống dưới mục tiêu Quốc hội đề ra; áp dụng các giải pháp kinh tế tăng tính ổn định của thị trường vàng, ngoại tệ, tỷ giá, lãi suất; thực hiện cơ chế giá thị trường, đẩy mạnh cạnh tranh về giá; kiểm soát độc quyền và liên minh độc quyền…

Còn theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, bên cạnh việc đưa một số mặt hàng đầu vào quan trọng theo giá thị trường như điện, xăng dầu… Chính phủ cũng sẽ có các biện pháp để hạn chế tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân. Để kiềm chế lạm phát năm nay, bên cạnh việc tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp về kinh tế vĩ mô như: thực hiện ngay các giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tái cấu trúc nền kinh tế, đẩy mạnh phát triển sản xuất; điều hành bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng; áp dụng tỷ giá, lãi suất phù hợp theo nguyên tắc thị trường…

Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện các giải pháp từ gốc để bình ổn giá như nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm; kiểm soát độc quyền, tăng khả năng cạnh tranh; hoàn thiện hệ thống lưu thông phân phối. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục điều hành chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ hơn nữa thông qua các biện pháp quản lý thu chi ngân sách theo đúng quy định của Luật Ngân sách; nâng cao hiệu quả vốn đầu tư, phấn đấu giảm bội chi ngân sách theo mục tiêu Quốc hội đề ra.

Về chính sách giá theo Bộ Tài chính, cơ quan này sẽ triển khai đồng bộ nhiều biện pháp như: tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý giá theo hướng thị trường, tôn trọng quyền tự định giá và cạnh tranh về giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, thông qua việc xây dựng Luật Giá thay cho Pháp lệnh Giá; chủ động thực hiện tốt công tác dự báo thị trường, giá cả trong và ngoài nước; chủ động thực hiện lộ trình điều chỉnh giá theo cơ chế giá thị trường vào thời điểm thích hợp trong năm đối với giá cả một số hàng hóa, dịch vụ Nhà nước còn định giá, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các chương trình khuyến mại, giảm giá; tăng cường quản lý giá…

Theo các chuyên gia, các biện pháp đã được Chính phủ đưa ra trong việc kiềm chế lạm phát trong năm nay như hạn chế bội chi ngân sách, cắt giảm đầu tư công… sẽ có tác dụng nhất định trong việc kiềm chế giá cả tăng cao. Tuy nhiên, những chính sách này có phát huy hiệu quả hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện, bởi bắt bệnh, bốc thuốc nhưng uống không đủ liều vẫn là vấn đề nan giải hiện nay.


Cafeland.vn - Theo SGGP
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland