06/12/2010 1:25 AM
Trên diễn đàn Quốc hội vừa qua, khi trả lời chất vấn của các đại biểu, cử tri còn nhớ Bộ trưởng Bộ Công Thương nói: “Phải thẳng thắn thừa nhận hiệu quả của công tác thực thi Pháp lệnh về giá chưa đạt”. Bộ trưởng Bộ Tài chính lại cho rằng, kiểm soát giá cả khó vì nhập siêu khiến việc “nhập khẩu” lạm phát càng tăng cao. Dự báo không sai, quyết tâm cao, giải pháp không thiếu, vậy tại sao chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm nay vẫn khó “kìm cương” và khó hạ “cơn sốt” giá?

“Đến hẹn” cuối năm, giá các mặt hàng hóa tiêu dùng thiết yếu như gạo, thịt lợn, dầu ăn, đường lại liên tục tăng từ hơn một tháng qua. Người tiêu dùng lao đao, lo ngại. Các cơ quan quản lý điều hành họp bàn, “toát mồ hôi” tìm cách điều chỉnh, bình ổn thị trường. Tổ điều hành thị trường trong nước vừa họp tại Hà Nội về tình hình giá cả tháng 11 và các giải pháp kiềm chế tăng giá, “sốt giá” trong tháng 12 và đầu năm 2011. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị 2164 về việc tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ, bình ổn giá cả, thị trường dịp Tết Nguyên đán và quý I-2011.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong tháng 11 vừa qua, hàng hóa, dịch vụ thiết yếu về cơ bản đã đáp ứng đủ nhu cầu. Thế nhưng, chỉ số CPI vẫn tăng tới mức 9,58%, tác động không tốt đến sản xuất và đời sống người dân. Cụ thể giá gạo, thịt lợn, rau củ đều đồng loạt tăng giá tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM. Giá các mặt hàng như đường, sữa, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thép xây dựng vẫn đứng ở mức cao.

Để xảy ra tình trạng “sốt” giá, theo nhận định của Chính phủ là do một số bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương chưa quán triệt đầy đủ và chưa tổ chức thực hiện quyết liệt các giải pháp kiềm chế lạm phát, kiểm soát giá cả, bình ổn thị trường. Đặc biệt, tình trạng găm hàng, đầu cơ, thậm chí đưa tin thất thiệt về tình hình tài chính, tiền tệ, giá cả, khan hiếm nguồn hàng… không được kiểm soát và ngăn chặn kịp thời.

Theo số liệu thống kê, chỉ số CPI tháng 11-2010 của TP.HCM lên tới 1,7%, của Hà Nội còn lên tới 1,9%. Do vậy, CPI của cả năm 2010 sẽ không phải là 7% như mục tiêu ban đầu của Quốc hội và cũng sẽ không phải là 8% như mục tiêu điều chỉnh của Chính phủ, mà có khả năng xấp xỉ 10% hoặc cao hơn. Tự nhìn nhận về trách nhiệm kiểm soát giá cả, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã điểm lại trên các lĩnh vực như đảm bảo cung cầu hàng hóa, hệ thống phân phối lưu thông…, lĩnh vực nào cũng được thực hiện khá “tròn vai”.

Theo ông Bộ trưởng, về cơ bản đã giữ được cân đối cung cầu và “có cơ sở để yên tâm là việc cung ứng các hàng hóa thiết yếu sẽ được đảm bảo”. Còn Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng nói rằng, Bộ đã triển khai những giải pháp quyết liệt nhất, “việc giá vẫn tăng là vì những nguyên nhân không thể cưỡng được. Nguyên nhân đó là gì? Là nhập siêu nên giá cả thế giới tăng kéo giá cả trong nước cũng tăng theo; là thiên tai, dịch bệnh, thị trường tiền tệ, lãi suất, tỷ giá, giá vàng, giá USD tăng, tác động một cách tổng hợp lên giá cả.

Nói cho gọn, khó có thể quy kết trách nhiệm thuộc về ai khi chỉ số CPI trở nên “bất kham” như vậy. Theo Thủ tướng Chính phủ: “Về lâu dài phải thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, giảm mạnh nhập siêu; tạo cơ sở vững chắc để kiềm chế lạm phát”. Như vậy, giá cả, chỉ số CPI tăng chỉ là bề nổi của lạm phát. Theo ý kiến của giới chuyên gia, nước ta vẫn đang diễn ra cuộc “giằng co” giữa mục tiêu tăng trưởng và lạm phát. Ở nhiều nước, người ta không “trói chặt” chỉ số CPI vào tăng trưởng mà chỉ coi đó là định hướng để điều hành, tất nhiên đừng để lạm phát “bất kham”.

Cafeland.vn - Theo ANTĐ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland