Theo Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài TP HCM, hiện thành phố có hơn hai triệu kiều bào. Trong số đó, người về nước tìm cơ hội đầu tư, kinh doanh tăng đáng kể.

Cả nước hiện có hơn 3.000 dự án của kiều bào đầu tư, với tổng vốn gần hai tỷ USD. Tại TP HCM, riêng trong năm 2009, có 2.795 doanh nghiệp và 122 dự án của kiều bào thành lập, hoặc góp vốn, với số vốn đăng ký hơn 11.000 tỷ đồng. TP HCM cũng đã cấp phép 10 dự án đầu tư của kiều bào, với tổng vốn hơn 157 triệu USD tại Khu công nghệ cao.

Cơ hội trên sân nhà

Các dự án đầu tư của kiều bào tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, du lịch, thủ công mỹ nghệ, chế biến nông sản, thực phẩm xuất khẩu... Doanh nhân kiều bào cũng tham gia đầu tư hiệu quả vào các lĩnh vực thiết bị kỹ thuật, xây dựng, công nghệ cao.

Hầu hết kiều bào về nước làm việc, đầu tư đều phấn chấn trước tiềm năng phát triển của quê nhà. Anh Nguyễn Hữu Thái Hòa, kiều bào Canada, người vừa quyết định từ bỏ vị trí cao ở một công ty đa quốc gia tại Hongkong (Trung Quốc), về Việt Nam gia nhập Công ty FPT, với vai trò Giám đốc chiến lược, chia sẻ: “Việt Nam là một thị trường lớn, mảnh đất màu mỡ để người trẻ thể hiện mình”. Anh Hòa phân tích, về Việt Nam dù nhiều thách thức, nhưng cũng có không ít thời cơ. Cụ thể, các mặt hàng công nghệ mới nhất và hiện đại nhất đều tập trung bán tại châu Á, trong đó có ở Việt Nam, thị trường này đang là “miếng mồi” ngon.


Kiều bào tìm hiểu thông tin về các dự án tại TP HCM.


Còn TS Nguyễn Trí Dũng, kiều bào Nhật Bản, Giám đốc Công ty Minh Trân, cũng chia sẻ 43 năm học tập và làm việc tại Nhật, anh luôn ấp ủ hoài bão xây dựng quan hệ đối tác chiến lược giữa các doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản. Về nước, anh thành lập Công ty Minh Trân, chuyên sản xuất các linh kiện điện tử công nghệ cao xuất khẩu, và rất thành công. Anh Dũng khẳng định: “Cơ hội ngay trên sân nhà. Kiều bào nào có dự án xây dựng đất nước phát triển dựa trên cơ sở công nghiệp hiện đại, tôi xin được bắt tay, để biến giấc mơ thành hiện thực”.

Đã “an cư” để đầu tư

Theo TS Lương Bạch Vân, Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài TP HCM, thực tế một số kiều bào đã về nước đầu tư từ những năm 1990, khi Quốc hội chưa thông qua Luật Quốc tịch, chưa bổ sung Điều 121, Luật Nhà đất và Điều 156, Luật Nhà ở. Nhưng hiện nay, kiều bào đã được cho phép sở hữu nhà ở trong nước, có thể giữ quốc tịch Việt Nam, kể cả khi đã nhập tịch tại quốc gia đang sinh sống. Điều này tạo nên sự hứng khởi và niềm tin của bà con, để họ góp phần vào sự phát triển của đất nước.

TS Lương Bạch Vân cũng khẳng định, bà con kiều bào được sở hữu nhà ở đã tạo tạo tâm lý “an cư lạc nghiệp”, xu hướng đầu tư về nước ngày càng nhiều hơn, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản. Riêng trong năm 2010, có khoảng 60 - 70% nguồn vốn kiều hối tập trung vào thị trường bất động sản.

Trong buổi họp mặt kiều bào về quê ăn tết Tân Mão hôm 22/1, ông Nguyễn Anh Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến Thương mại – Đầu tư TP.HCM, thông tin: TP HCM còn rất nhiều dự án, lĩnh vực sẵn sàng đón sự đầu từ của kiều bào, đặc biệt là cơ sở hạ tầng. TP HCM cũng mong muốn kiều bào đầu tư vào lĩnh vực đô thị. Ba khu đô thị đang qui hoạch hiện nay là: khu đô thị Đông Sài Gòn; khu đô thị Tây Bắc - Thủ Thiêm; khu đô thị Hiệp Phước đang đang chờ kiều bào về để đầu tư.

Lượng kiều hối gửi về hàng năm trên địa bàn TP HCM chiếm 2/3 so với các nước. Năm 2010, lượng kiều hối chuyển về trên địa bàn trên 3,8 tỷ USD, tăng gần 20% năm ngoái. Kiều bào còn gửi trang thiết bị, đem công nghệ về nước, tạo việc làm cho gia đình, và là đầu mối giới thiệu sản phẩm của Việt Nam ra thị trường các nước.

Cafeland.vn - Theo Đất Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland