Ngày càng có nhiều sàn giao dịch bất động sản (SGD BĐS) mọc lên với kỳ vọng sẽ làm cho thị trường BĐS ngày càng minh bạch hơn. Tuy nhiên, người dân lại đang rất “e ngại” giao dịch qua sàn…

Thông tin từ sàn thiếu thuyết phục

Hiện nay cả nước có khoảng 600 SGD BĐS đang hoạt động. Theo thống kê của Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, giao dịch qua sàn chỉ chiếm khoảng 30% tại Hà Nội, 50% tại TP Hồ Chí Minh và cả nước chỉ khoảng 40%. Con số này cho thấy, việc giao dịch qua sàn chưa đạt hiệu quả cao.


Thông tin ở sàn giao dịch BĐS chưa thực sự thuyết phục khách hàng. Ảnh minh họa.

Phần lớn SGD BĐS do chủ đầu tư tự thành lập để bán sản phẩm của chính mình. Vì vậy tính cạnh tranh thấp, nhu cầu chia sẻ thông tin chưa cao, các sàn không xây dựng chiến lược lâu dài và chỉ mang tính đối phó. Không chỉ vậy, nhiều trường hợp, chủ đầu tư đã bán hết các căn hộ cho khách hàng rồi mới thuê SGD BĐS bán lại cho chính những khách hàng đó.

Bên cạnh đó, còn một điều ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý chung của khách hàng khiến họ “ngại” đến sàn là bởi sự nghi ngờ thông tin ở sàn có thực sự tin cậy và chính xác? Điều này có thể dẫn chứng khi tiếp xúc với một số sàn ở Trung Hòa (Hà Nội) để tìm hiểu về dự án chung cư Hesco Dominium ở Văn Quán, Hà Đông, nhân viên môi giới chỉ giới thiệu chung chung về dự án bằng lời mà chẳng có đủ giấy tờ minh chứng cho dự án này đã được cấp phép xây dựng và thời gian khởi công chính xác.


Những hợp đồng “mẫu” đưa cho khách hàng xem thể hiện dự án này đã được mua đi bán lại qua nhiều nhà đầu tư, tập thể, cá nhân. Liệu rằng, nếu có khách hàng nào sơ xảy mua phải thì liệu họ có được đảm bảo hoàn đủ số tiền bỏ ra nếu như dự án không được triển khai?


Mặt khác, khách hàng còn bị mua “hàng” với giá đội lên rất cao so với giá thành của chủ đầu tư khi mà các sàn đua nhau gom hàng sỉ để bán cho khách có nhu cầu miễn là kiếm được giá “chênh” cao. Chính điều này đã tạo ra một thị trường nhà đất không minh bạch về giá.


Đánh mất uy tín


Hầu hết chủ đầu tư “né” giao dịch qua sàn bằng cách thực hiện các hợp đồng vay vốn, góp vốn, phát hành trái phiếu công trình kèm quyền mua BĐS và họ mở sàn chỉ để bán sản phẩm của chính mình. Điều này khiến các giao dịch qua sàn chỉ mang tính hình thức, làm hạn chế việc đầu tư qua sàn.


Trên thực tế, luật kinh doanh BĐS không cho phép các SGD kinh doanh BĐS. Thế nên, để lách chuyện này và tham gia kinh doanh, các sàn thường nằm lẫn trong một doanh nghiệp có chức năng về kinh doanh BĐS. Hiện nay, quy định lập sàn khá đơn giản, chỉ cần lập doanh nghiệp có chức năng kinh doanh trong lĩnh vực này, và trong giấy phép kinh doanh có đăng ký ngành nghề dịch vụ môi giới, tư vấn, định giá bất động sản… cùng với việc đáp ứng về diện tích sử dụng để giao dịch môi giới, giao dịch tối thiểu 50 m2 là được cấp phép vĩnh viễn. Còn công tác hậu kiểm hoạt động các sàn này vẫn đang bị buông lỏng. Nhiều sàn giao dịch không thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ cho ngành chức năng. Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, mặc dù cả nước có khoảng 600 sàn BĐS nhưng chỉ có 20% sàn thực hiện báo cáo hoạt động về Bộ.


Hiện tỷ lệ giao dịch BĐS thông qua hệ thống sàn giao dịch mới chiếm 15% tổng giao dịch của thị trường. Câu hỏi đặt ra là cần phải làm sao để người dân, những khách hàng cần giao dịch BĐS sẽ tin tưởng vào sàn hơn và không còn “ngại” khi đến sàn nữa?

Cafeland.vn - Theo Lao Động
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland