Một trong những giải pháp mạnh được Chính phủ chỉ đạo nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát trong năm 2011 là cố gắng giảm bội chi ngân sách nhà nước xuống dưới mức 5% (so với mức 5,3% theo nghị quyết của Quốc hội). Vấn đề đặt ra là giảm bội chi bằng cách nào?

Theo nghị quyết của Chính phủ thì việc giảm bội chi chủ yếu sẽ thực hiện bằng việc cắt giảm các dự án đầu tư công (đầu tư bằng vốn ngân sách và trái phiếu chính phủ). Theo một quan chức của bộ Kế hoạch và đầu tư, việc cắt giảm này sẽ không đơn giản – nhất là ở các địa phương – bởi từ đầu năm 2011, hầu hết các nơi đã lên kế hoạch và triển khai kế hoạch sử dụng các nguồn vốn được phân bổ từ ngân sách hoặc trái phiếu Chính phủ. Dĩ nhiên, với quyết tâm thực hiện của Chính phủ, những công trình, dự án – dù đã lên kế hoạch triển khai – vẫn có thể dừng lại nếu chưa thực sự cấp thiết hoặc trong quá trình triển khai đang gặp nhiều vướng mắc (trong giải phóng mặt bằng, thủ tục...) Ngoài ra, nhiều hạng mục dự án theo kiểu “con nhà giàu” như mua xe công, nâng cấp, mở rộng trụ sở... mà bình quân mỗi hạng mục có thể từ vài tỉ đến hàng chục tỉ đồng cũng đều có thể được hạn chế, chấm dứt.

Việc giảm bội chi, bên cạnh cắt giảm đầu tư và chi tiêu công, là tăng thu. Những tín hiệu tốt từ việc xuất khẩu tăng mạnh (mức tăng 40 – 50%) ở nhiều ngành hàng như may mặc, nông lâm, thuỷ sản... cùng với giá xuất khẩu tăng (hai tháng đầu năm, riêng khoản tăng giá đã giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thêm 700 triệu USD) hứa hẹn khoản thuế thu được từ xuất khẩu trong năm nay sẽ khá. (Theo báo cáo của Chính phủ, thuế xuất nhập khẩu năm 2010 thu vượt 36,2% so với dự toán (34.600 tỉ đồng). Trái lại, thu nội địa (trừ thuế đất) trong năm nay, theo dự báo, nhiều khả năng sẽ không cao do việc huy động thuế từ sản xuất, kinh doanh khó tăng hơn được nữa. Năm ngoái, thu nội địa dù đạt trên 312.700 tỉ đồng nhưng chỉ vượt 15% so với dự toán.

Trong bối cảnh như vậy, nếu xem xét lại cơ cấu thu, chi ngân sách năm 2010 và kế hoạch năm 2011, có thể thấy một khoản mục hứa hẹn tăng thu rất cao, đó là thuế đất. Đây cũng là nguồn được kỳ vọng là cơ sở giảm bội chi xuống thấp hơn cả mức 5% mà Chính phủ đặt quyết tâm thực hiện. Một con số rất ấn tượng mới được Chính phủ báo cáo với uỷ ban thường vụ Quốc hội là năm 2010, thu tiền sử dụng đất tăng 81,3% (tương đương 18.691 tỉ đồng) so với dự toán và tăng 6.691 tỉ đồng so với báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2010.

Theo ông Vương Đình Huệ, tổng Kiểm toán Nhà nước, thời gian qua, qua kiểm toán, cơ quan Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện nhiều vấn đề trong khâu quản lý đất đai và đã kiến nghị tăng thu thêm hàng ngàn tỉ đồng cho ngân sách. Một báo cáo khác của ngành thanh tra cũng cho thấy hàng năm, cơ quan này qua thanh tra đã phát hiện, kiến nghị tăng thu hàng ngàn tỉ đồng từ việc thu thuế sử dụng đất. Trong chuyên đề thanh tra về quản lý đất đai ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2010, thanh tra phát hiện có nhiều nơi tính thiếu thuế, để chậm nộp tiền thuế hàng trăm tỉ đồng. Ví dụ như tại tỉnh Bình Thuận, Thanh tra Chính phủ đã làm rõ sai phạm gần 80 tỉ đồng và 382.616 USD do tính toán sai tiền sử dụng đất, do để tồn đọng, nợ tiền sử dụng đất. Tình hình tương tự cũng xảy ra ở Quảng Nam mà báo Sài Gòn Tiếp Thị đã từng phản ánh.

Do vậy, theo ông Huệ, nếu Nhà nước tính lại giá cho đúng, thời điểm thu cho chuẩn, quản lý chặt chẽ các diện tích đất giao cho nhà đầu tư thì nguồn thu từ đây sẽ tiếp tục tăng cao trong năm nay. Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn thu từ thuế đất này vào việc tăng chi tiêu công hay giảm bội chi, theo ông Huệ, là vấn đề cần cân nhắc. Ông cho rằng nếu giảm bội chi đột ngột sẽ ảnh hưởng nhất định đến tăng trưởng kinh tế và không có nguồn giải quyết các vấn đề an sinh xã hội. Theo đề xuất của ông Huệ, ngoài phần tiền dành cho giảm bội chi, Chính phủ nên dành một phần dự phòng cho cải cách tiền lương và có thể chi thêm để hoàn thành nhanh các công trình quan trọng.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nguồn thu từ việc bán đất, cho thuê đất... tuy lớn nhưng nếu tăng thu bằng cách bán, cho thuê bừa bãi... mà không tính và đảm bảo lợi ích của người dân (ở các vùng bị lấy đất làm dự án) sẽ dễ dẫn đến những bất ổn xã hội. Con số khoảng 70 – 80% khiếu nại, tố cáo của người dân dính líu đến đất đai phần nào cho thấy hệ luỵ này. Đây chính là cảnh báo hết sức quan trọng mà chính quyền các cấp phải lưu ý một khi xác định nguồn tăng thu chủ yếu từ đất! Và vì lẽ đó, giảm bội chi có lẽ không nên quá dựa vào tăng thu từ đất mà cần quyết liệt giảm đầu tư và chi tiêu công lớn, kém hiệu quả. Việc này đương nhiên sẽ khó khăn hơn rất nhiều nhưng đổi lại, xã hội ổn định hơn và niềm tin của dân vào Nhà nước cũng sẽ được củng cố hơn.

Chọn cách làm nào để giảm chi đang là một thách thức với Chính phủ.

Cafeland.vn -Theo SGTT
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland