Thay phiên nhau giữ vị trí "người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam" trong những năm qua, đã có thời điểm họ "suýt" trở thành tỷ phú USD. Tuy nhiên, nhiều yếu tố khách quan khiến giấc mơ lọt vào danh sách 1.000 tỷ phú USD của Forbes vẫn chưa trở thành hiện thực.
Chậm nhất là 2013

Năm 2009, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) mạnh dạn tuyên bố, năm 2010 sẽ trở thành tỷ phú USD đầu tiên tại Việt Nam. Tuyên bố đầy tự tin của bầu Đức đã gây sốc cho rất nhiều doanh nhân Việt Nam vốn khá kín tiếng trong việc nói về tài sản của mình.

Nhưng tuyên bố này hoàn toàn có cơ sở. Với giá trị tài sản năm 2009 đạt 12.221 tỷ đồng, kế hoạch lợi nhuận của HAG năm 2010 đạt 3.000 tỷ đồng và tỷ giá là 18.000 đồng/USD, bầu Đức có thể trở thành tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam. Tuy nhiên, tỷ giá tăng mạnh lên 21.000 đồng/USD cùng sự sụt giảm của thị trường chứng khoán khiến giấc mơ này không thành hiện thực dù HAG vẫn đạt tăng trưởng lợi nhuận năm 2010 theo đúng kế hoạch.

d
Ông Đoàn Nguyên Đức (trái) và Ông Thành Tâm

Vẫn giữ vững vị trí người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam năm 2010 với tài sản đạt 10.559 tỷ đồng nhưng con đường trở thành tỷ phú USD của bầu Đức bị kéo xa hơn. Bất chấp những ý do trên, sự lạc quan và giấc mơ tỷ phú USD vẫn cháy bỏng trong doanh nhân này.

Ông nói, chuyến tàu đi tới giấc mơ tỷ phú USD của ông đã bị chậm nhưng chỉ là sớm hay muộn. Sớm thì trong năm 2011 còn muộn thì đến năm 2013. Và ông có những kế hoạch cụ thể cho lộ trình tỷ phú USD của mình. Ông phân tích, năm 2011, nếu VN Index đạt mức 600-650 điểm công với mức lợi nhuận của HAG là 4.000 tỷ đồng theo kế hoạch (HAG luôn hoàn thành vượt mức kế hoạch lợi nhuận trong nhiều năm qua) thì ông sẽ trở thành tỷ phú USD sớm.

Trong trường hợp VN Index không đạt con số trên thì với những tăng trưởng nội tại của HAG, đến năm 2013, ông cũng trở thành tỷ phú USD. "Chúng tôi có những kế hoạch cụ thể, không chỉ là tuyên bố suông. Tôi đơn cử như năm 2010, kế hoạch lợi nhuận của chúng tôi là 3.000 tỷ đồng. Từ năm 2011, nhiều lĩnh vực đầu tư của HAG bắt đầu có lợi nhuận như bất động sản, thủy điện, cao su... Với mức tăng trưởng lợi nhuận trung bình trong những năm qua là 50%, đến năm 2013, bất chấp chứng khoán có như thế nào, tôi sẽ vẫn trở thành tỷ phú USD" - ông nói.


Nếu GDP của Việt Nam tăng gấp đôi...


Khẳng định trở thành tỷ phú USD là niềm vinh dự, niềm tự hào của bản thân mình cũng như bất cứ doanh nhân nào tại Việt Nam, nhưng ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn đầu tư Sài Gòn, người đã vài lần giữ vị trí số 1 "Người giàu nhất trên sàn chứng khoán" lại cho rằng, chỉ khi nào GDP của Việt Nam tăng gấp đôi hiện nay, lên khoảng 200 tỷ USD thì mới nên và có thể có tỷ phú USD. Cuộc đối thoại của chúng tôi trong buổi chiều Sài Gòn mưa tầm tã, giữa bữa trưa muộn lúc 15 giờ của "Người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam" thể hiện rất rõ tính cách của người đàn ông này.


Nếu trở thành tỷ phú USD...

(cướp lời)
... Là doanh nhân thì phải có khát khao thành công. Trở thành tỷ phú USD là thành công lớn của một doanh nhân và đó là vinh dự, là niềm tự hào của tôi cũng như của bất kỳ ai. Trên thế giới, người nào lọt vào danh sách tỷ phú do tạp chí Forbes bình chọn cũng rất tự hào. Rất đơn giản, doanh nhân có hàng chục triệu người nhưng chỉ có 1.000 người được lọt vào danh sách này. Sự giàu có nói lên khả năng của họ.

Với kế hoạch phát triển của Tập đoàn Tân Tạo, khi nào ông có thể trở thành tỷ phú USD?


Nếu hoạt động tốt, đạt mức tăng trưởng như những năm qua, kinh tế thế giới vẫn hồi phục và đặc biệt, GDP của Việt Nam phải tăng gấp đôi hiện nay... Để thỏa mãn tất cả các điều kiện này tôi nghĩ cần khoảng 5 năm nữa. Khi đó, tôi có thể trở thành tỷ phú USD.


Có quá nhiều chữ nếu, quá nhiều giả thiết. Hình như ông không nhiệt tình lắm với danh hiệu này?

Tôi khẳng định, tôi rất tự hào nếu trở thành tỷ phú USD. Tuy nhiên, tôi cho rằng nền kinh tế phải đạt một ngưỡng nào đó thì mới có thể xuất hiện tỷ phú USD. Nếu không, mức chênh lệch giàu nghèo sẽ bị kéo xa hơn. Ở Việt Nam, theo tôi GDP phải tăng lên gấp đôi hiện nay, lên khoảng 200 tỷ USD thì mới lên có tỷ phú. Còn nếu may mắn đạt trước đó, tôi chắc chắn sẽ làm từ thiện nhiều hơn nữa để góp phần rút ngắn khoảng cách này.


Ông là thành viên Hội đồng tư vấn APEC, trong số đó hơn một nửa là các tỷ phú nổi tiếng trên thế giới. Họ có điểm gì chung mà ông ấn tượng?


Hầy hết họ chỉ coi giàu nghèo là chuyện nhỏ (có thể họ giàu quá rồi chăng?). Cái để họ coi trọng nhau là trí tuệ, sự hiểu biết.


Theo ông, các doanh nhân Việt Nam ngày nay đã có thể sánh vai với các doanh nhân thế giới hay chưa?


Tôi kể cho cô nghe câu chuyện này. Năm 2008, khi khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam vẫn hết sức mơ hồ về hậu quả của nó. Ngay cả tôi cũng vậy. Nhưng khi tôi gặp đối tác, cũng là một tỷ phú nổi tiếng thế giới, ông ấy bảo: "Cố gắng sống cho qua cuộc khủng hoảng này". Lúc đó tôi mới giật mình và thận trọng nhìn lại tất cả các kế hoạch kinh doanh của mình. Thực tế xảy ra sau đó đúng như dự đoán của họ. Kinh tế thế giới khó khăn, trong nước lạm phát mạnh, lãi suất cao chót vót, xuất nhập khẩu mất thị trường... Nói thế để mình thấy, khả năng dự đoán, sự thận trọng của họ những biến động kinh tế của doanh nhân Việt Nam ngày càng cao hơn, hội nhập hơn nhưng để sánh vai với các doanh nhân thế giới, theo tôi cần có một quá trình.


Nguyên Hằng
(Báo Thanh niên số Xuân Tân Mão 2011)

  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland