Thời gian gần đây, điểm nóng của thị trường bất động sản xoay quanh vấn đề sở hữu chung cư có thời hạn. Theo đó, đề xuất này đã vấp phải không ít khó khăn và phản ứng từ nhiều phía. Có ý kiến cho rằng sở hữu nhà ở có thời hạn là không khả thi nhưng cũng có quan điểm hoàn toàn ngược lại.

Lợi thì có lợi

Theo quan điểm của Bộ Xây dựng đề xuất sở hữu nhà chung cư có thời hạn có nhiều ưu điểm. Thứ nhất, tạo điều kiện thuận tiện cho việc nâng cấp, cải tạo lại nhà chung cư cũ, góp phần làm giảm giá nhà đất.

Thứ hai đề xuất này sẽ góp phần làm giảm giá nhà đất, tạo cơ hội cho các đối tượng thu nhập trung bình và thu nhập thấp có cơ hội mua nhà.

Thứ ba, xuất phát từ thực tế Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách để làm tăng nguồn cung về nhà ở cho thị trường, góp phần làm giảm giá nhà ở nhằm tạo điều kiện cho những người thu nhập trung bình có khả năng tạo lập chỗ ở. Bởi giới đầu cơ sẽ hết cơ hội “ôm hàng” vì càng ôm chung cư lâu thì càng bị mất giá, thị trường chỉ còn lại những người có nhu cầu thực và sẽ không còn việc thổi giá.

Nhiều nhà nghiên cứu đầu tư bất động sản cho rằng, đề xuất trên sẽ góp phần làm hạ nhiệt giá thành của các căn hộ chung cư, nhất là các căn hộ cao cấp. Chắc chắn sẽ giảm bớt tình trạng đầu cơ căn hộ chung cư.

alt

Sở hữu chung cư có thời hạn luôn là điểm nóng của thị trường bất động sản trong nhiều tuần qua. Ảnh: Nguồn internet

Nhưng…

Xét về mặt lý thuyết đề xuất này sẽ góp phần làm giảm giá nhà đất, mở ra nhiều cơ hội cho người thu nhập thấp. Tuy nhiên, nếu đề xuất này đi vào thực tế sẽ khiến các nhà đầu cơ không đầu tư vào nhà chung cư mà sẽ đầu cơ vào quỹ đất ở. Giá đất sẽ ngày càng tăng cao, cơ hội cho những người dân có thu nhập trung bình được sử dụng đất ở tiếp tục đối mặt với khó khăn, thậm chí còn khó khăn hơn thời điểm chưa áp dụng.

Một thực tế cần nhìn nhận rằng, khi có thông tin đề xuất sở hữu chung cư có thời hạn, người dân có xu hướng dịch chuyển sang mua bất động sản gắn liền với đất như: Đất nền nhà phố, biệt thự hoặc bất động sản nghỉ dưỡng,... Như vậy, hành động này được xem là cách phản ứng của người dân khi có thông tin đề xuất nhà chung cư có thời hạn.

Theo dự báo của Bộ Xây dựng đến năm 2015, dân số Việt Nam sẽ lên tới 91,5 triệu người, nhu cầu về nhà ở lúc đó là gần 2 tỷ m2 sàn và tương đương với nhu cầu vốn đầu tư là 2.205.000 tỷ đồng. Đến năm 2020, con số ấy lần lượt là 96,4 triệu người và 2,4 tỷ m2 sàn và 1.767.000 tỷ đồng. Do đó, trong thời gian tới, phân khúc căn hộ chung cư sẽ đi về đâu khi tình trạng mua bất động sản có đất còn tiếp diễn? Phải chăng, người dân lại tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu chốn an cư trong khi phân khúc chung cư đang dư thừa. Nhà nước lại đưa ra chính sách mới để giải quyết vấn đề chỗ ở. Đó là chưa kể đến nạn đầu cơ làm giá khi đa số người dân dịch chuyển sang mua bất động sản gắn liền với đất.

Trả lời báo chí, đại diện Tổng cục Quản lý đất đai cho rằng, “mặc dù đề xuất này đã áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới, tuy nhiên theo ông nếu áp dụng ở Việt Nam là không khả thi. Bởi nếu bán nhà sở hữu có thời hạn thì không ai mua. Theo đó, mục tiêu tiết kiệm quỹ đất cũng như vốn đầu tư xây dựng đặt ra khi nêu đề xuất không thể thực hiện được. Nếu đề xuất này được thực hiện thì 50 năm sau, nó sẽ tái diễn tình trạng nhà của Nhà nước đã cho thuê trong thời gian qua. Nhà của Nhà nước nhưng Nhà nước không thu hồi lại được để xây mới, nói gì đến nhà đã bán cho người dân, dù là bán có thời hạn”.

Dẫu biết rằng đề xuất trên nhằm giúp hạ nhiệt giá nhà chung cư, tạo điều kiện cho những người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, tâm lý ở nhà thuê vẫn trĩu nặng trên vai những người đang muốn tìm kiếm cho mình một căn hộ chung cư.

Mặt khác, nếu quy định nhà chung cư chỉ được sở hữu có thời hạn thì dân sẽ không mua nhà chung cư và các doanh nghiệp sẽ không đầu tư xây dựng nhà chung cư nữa. Thành phố sẽ không có nhiều khu nhà cao tầng có quy hoạch đẹp và khi không có quỹ nhà cho người dân thì hiện tượng xây nhà ống, nhà tự phát sẽ bùng phát làm cảnh quan đô thị lộn xộn.

Trên một diễn đàn bất động sản, một thành viên chia sẻ, “Trên góc độ tài chính cho thấy việc sở hữu chung cư có thời hạn ở Việt Nam trong điều kiện hiện nay là không khả thi. Ví dụ một căn hộ trung bình có giá 2 tỷ, thời hạn sử dụng là 50 năm. Như vậy chi phí sử dụng một tháng là 2 tỷ/50/12 = 3,333,000 đồng/tháng. Nếu đem số tiền 2 tỷ đồng gửi ngân hàng, trung bình một tháng có thể mang lại thu nhập là 2 tỷ x 12%/12 = 20 triệu đồng/tháng. Rõ ràng, người tiêu dùng sẽ có sự lựa chọn hoặc là gửi tiền ngân hàng đi thuê nhà trong khi vẫn bảo toàn vốn gốc thay vì việc mua nhà để 50 năm sau mất hết tất cả hoặc là đầu tư mua đất để đảm bảo quyền sử dụng chắc chắn hơn.”

CafeLand cho rằng, sở hữu chung cư có thời hạn là giải pháp tốt để hạ nhiệt nhà chung cư, vì vấn đề mấu chốt là giải quyết được nhà ở cho người dân, tạo điều kiện cho họ an cư lạc nghiệp. Tuy nhiên, ở Việt Nam, với tập quán sở hữu lâu dài, nếu quy định thời hạn sử dụng chung cư chỉ 50 năm thì người có nhu cầu mua sẽ không còn nhiều, trừ khi giá bán phải rất rẻ, trong khi thực tế hiện nay điều đó khó xảy ra. Do vậy, giải pháp hiện nay là cần phải cho người dân thấy được lợi ích của họ khi sở hữu nhà chung cư có thời hạn.

tag: co nen gan tuoi chung cu

Thảo Dân
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland