Bên cạnh những hình thức "lách" thông thường như "đi đêm" lãi suất đầu vào với khách, áp dụng ủy thác đầu tư..., một số nhà băng sẵn sàng tư vấn những cách tốt nhất để tiền gửi của khách sinh lời nhiều.

Nhân viên giao dịch một ngân hàng ở phố Chùa Bộc (Đống Đa, Hà Nội) thông tin, nhà băng này đang triển khai chương trình ưu đãi lãi suất đối với khách gửi tiền kiểu qua đêm. Theo đó, mức lãi bậc thang qua đêm tại nhà băng này lên tới 9-12,9%, thay vì chỉ vài phần trăm như một số đơn vị khác. Khách được tư vấn mở tài khoản, thay vì làm sổ tiết kiệm, đó gửi tiền vào và hưởng lãi qua đêm.


Nhưng ngân hàng cũng đặt ra một số điều kiện kèm theo là khách hàng cần có số dư trung bình tháng là 20 triệu đồng một ngày (với thẻ VIP). Nếu không đáp ứng số tiền này, khách hàng phải mất phí là 55.000 đồng một tháng.


Theo nhân viên giao dịch, hình thức gửi tiền "ăn" lãi suất qua đêm này phù hợp với người có nguồn tiền lớn nhưng lại muốn gửi vào, rút ra linh hoạt.



Cuộc đua vượt trần lãi suất huy động của một số ngân hàng vẫn chưa đến hồi kết. Ảnh minh họa: Tuệ Minh.

Bên cạnh loại hình ủy thác đầu tư dành cho cá nhân, một số ngân hàng quốc doanh gần đây còn tăng cường chào bán kỳ phiếu cho khách hàng với lãi suất có thể lên tới trên 18% một năm. Trước đây kỳ phiếu thường được ngân hàng triển khai theo đợt, sau khi đã được ngân hàng cấp phép với số vốn huy động nhất định, và không phải lúc nào cũng hút khách. Tuy nhiên, khi lách lãi suất tiết kiệm ngày một khó hơn trước, các ngân hàng phải tận dụng cả cách phát hành giấy tờ có giá này để để "bù đắp" lãi suất cho khách và níu chân dòng vốn. Điều kiện mua kỳ phiếu là lãi suất trả sau, không được rút gốc trước hạn và không linh hoạt chuyển đổi sang kỳ hạn mới, song khách hàng vẫn chấp nhận để được hưởng lãi cao hơn tới 4% so với tiết kiệm.


Một chiêu lách lãi suất khác được các ngân hàng áp dụng, đó là lãi suất phạt trả chậm. Vẫn là sổ tiết kiệm như vậy, nhưng ngân hàng và khách thỏa thuận thêm điều kiện nếu đến ngày đáo hạn mà ngân hàng chưa trả lãi lẫn gốc, sẽ phải "đền bù" cho khách một khoản tương đương 150% lãi suất thông thường. Và việc tất toán sổ sẽ thực hiện theo đúng kịch bản này để khách được hưởng lãi cao.


Hình thức trực tiếp cộng thêm lãi suất cho khách, hiện vẫn được vài ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ áp dụng, dù rất mạo hiểm. Chị Trang, nhân viên tín dụng một nhà băng khác trên phố Láng Hạ, Hà Nội cũng cho hay, bình thường, nếu khách lạ gọi điện đến hỏi, vẫn chỉ nhận được câu trả lời lãi suất chỉ 14% dù số tiền lên đến vài trăm triệu hoặc cả tỷ đồng. Tuy nhiên, khi nhận ra độ tin cậy, nhân viên sẵn sàng tư vấn lãi suất huy động lên tới 17-18% với mức tiền từ 100 triệu đồng trở lên.


Theo chị Trang, khách hàng gửi tiền theo hình thức này vẫn được ghi trong sổ tiết kiệm lãi chỉ 14%. Tuy nhiên, ngân hàng sẽ mở một tài khoản SMS Banking (thông báo qua điện thoại di động) để người gửi tiền kiểm tra được tài khoản. "Đến hạn tất toán sổ tiết kiệm, chúng tôi sẽ chuyển phần lãi suất vào cho khách", nhân viên này cho hay.


Một khách hàng tên Loan định gửi tiền tại nhà băng này chiều 1/7 kể, nhân viên tín dụng còn xin số điện thoại, và quả quyết: "Em sẽ nhận chị là người quen của em để chị được hưởng lãi suất cao nhất. Vì nếu khách lạ, số lãi sẽ bị giới hạn thấp hơn". Tuy nhiên, chị Loan cho hay, ngay khi vừa gọi điện đến hỏi mức lãi suất gửi tiết kiệm, nhân viên đã hỏi dò "các ngân hàng khác chào lãi suất là bao nhiêu" dù vẫn luôn miệng khẳng định "hiện tại chỗ em chỉ 14% là cao nhất". "Điều này chứng tỏ họ đã sẵn sàng để tư vấn cho khách hàng gửi tiền với lợi suất cao nhất có thể", chị Loan nhận định.


Trao đổi với VnExpress.net, đại diện ngân hàng áp dụng chương trình ưu đãi lãi suất tiền gửi qua đêm nói trên cho biết, việc áp dụng lãi suất cao so với mặt bằng chung là cách để nhà băng này thu hút khách hàng gửi tiền. Bà cho hay, trong thời buổi huy động vốn không dễ dàng, mỗi ngân hàng đều có chiến lược kinh doanh riêng.


Khẳng định không có chuyện lách trần lãi suất huy động 14%, bà này cho hay, việc tung các chương trình ưu đãi nằm trong chiến lược kinh doanh của ngân hàng, và đã được tính toán kỹ lưỡng. Về thắc mắc của một số khách hàng cho rằng mức 20 triệu đồng trong số dư tài khoản trung bình tháng quá nhiều, đại diện nhà băng này nhận định đây là mức trung bình nhất mà nhà băng này đưa ra để có thể phù hợp với nhiều khách hàng. Mặt khác, số dư trung bình tháng chỉ áp dụng với tài khoản VIP, do đó, những người có tài khoản thường nếu chấp nhận lãi ít hơn (chỉ 2-3 % một năm), sẽ không phải duy trì số dư trung bình tháng là 20 triệu đồng, bà nói.

Theo Tuệ Minh (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0