Những lần điều chỉnh tỷ giá trước đây của Ngân hàng Nhà nước, tuy nhằm để hỗ trợ sản xuất kinh doanh và ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng lại thường được ví là “cú sốc”. Điều chỉnh tỷ giá là chuyện không thể không làm, nhưng cách làm như từ trước đến nay luôn khiến DN và người dân nhiều phen lao đao.
Những quả đắng

Đầu năm 2010, khi nhiều DN niêm yết trên sàn chứng khoán công bố kiểm toán quý IV và cả năm 2009 đã cho thấy một hiện tượng. Rất nhiều DN trước đó có lãi thì đến quý IV chuyển lỗ khiến cả năm bị lỗ; nhiều DN ba quý trước có lãi lớn thì quý IV lỗ kéo lợi nhuận cả năm giảm. Đây được xem là một hiện tượng lạ trên sàn chứng khoán.

Trước đây, trong báo cáo của các DN đã nhiều lần nhắc đến nguyên nhân điều chỉnh tỷ giá khá mạnh của Ngân hàng Nhà nước vào tháng 11/2009 khiến họ bị bất ngờ và thua lỗ.

Cụ thể, sau cả một năm giữ nguyên tỷ giá, đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng lên 17.961 (tăng từ mốc 17.034 VND) và áp dụng biên độ tỷ giá mới cho giao dịch mua bán giao ngay giữa USD và VND là ± 3% từ ngày 26/11/2009. Điều này khiến cho nhiều DN nhập khẩu nguyên liệu,vay vốn USD... bị tốn thêm một khoản chi phí lớn và ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh mà không có cách nào đỡ nổi.

Một tình huống tương tự cũng xảy ra, hồi đầu năm 2010, sau quyết định tăng tỷ giá trước Tết Nguyên đán, thị trường ngoại hối bước vào ổn định và có một sự cân bằng đáng kể giữa USD tự do và USD trong hệ thống ngân hàng. Trong khi đó, lãi suất VND lại quá cao, nỗ lực giảm lãi suất rất chậm đã khiến nhiều DN quyết định chuyển hướng sang vay USD để chuyển ra VND nhằm tân dụng lãi suất rẻ... Vì thế, tốc độ tăng trưởng tín dụng USD đã tăng rất nhanh.

Tuy nhiên, đến tháng 8, tỷ giá lại tiếp tục được điều chỉnh, và lúc này thì rất nhiều DN đã phải ăn "quả đắng" khi số nợ vay bằng USD đến khi phải trả tính bằng VND đã tăng lên rất nhiều.

Chính vì thế, ông Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ - đã cho rằng, chỉ cần điều chỉnh tỷ giá một vài trăm đồng thì số nợ DN phải đã lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Doanh nghiệp làm ăn lãi mức nào mới bù cho nổi?


Thực tế, mỗi lần tăng tỷ giá, không chỉ các DN vay USD nhập khẩu mà cả DN nhập khẩu cũng vấp phải tình trạng đột ngột tăng thêm chi phí này. Ký hợp đồng làm hàng, rồi vay ngoại tệ theo một tỷ giá khác, đến khi trả nợ theo một tỷ giá khác. Chỉ có DN sản xuất là bị thiệt vì không thể điều chỉnh giá bán theo tỷ giá.

Đặc biệt, đối với các DN nhập khẩu nhiều nguyên liệu và máy móc thì chỉ còn đứng trước lựa chọn chịu lỗ hoặc bỏ hợp đồng vì làm cũng lỗ mà không làm thì bị phạt. Chỉ cần vay khoảng 1 triệu USD, một DN ngành nhựa đã có thể bị lỗ 200-300 triệu đồng qua một lần điều chỉnh.

Điều này thể hiện rõ trong các DN nhập khẩu hàng hóa và cả những DN xuất khẩu lớn như dệt may, đồ nhựa... Nhiều doanh nghiệp đã ký hợp đồng cho cả 5 năm với các đối tác, đến khi tỷ giá tăng, họ khó có thể bù vào khoản chênh lệch và càng không thể đàm phán lại các đơn hàng. Nếu vẫn sản xuất theo đơn giá cũ, lợi nhuận càng giảm mạnh, nhiều nơi đã nghĩ đến việc hủy hợp đồng. Chính vì thế, năm 2010, xuất khầu nhiều mà nhiều DN dệt may vẫn kêu ca lợi nhuận tăng không đáng kể và buộc phải tính phương án nhận hàng theo đơn hàng ngắn hạn hơn.

Đại diện Hiệp hội Dệt may than thở, với nhập khẩu nguyên liệu 60-70% thì mỗi lần tăng tỷ giá, các DN chả biết nên mừng hay nên lo. Mừng vì USD có thể kích thích xuất khẩu nhưng đó là chuyện xa vì còn phải cạnh tranh, còn thiệt hại kép lại đến trực tiếp: một mặt chi phí vốn vay USD để làm hàng tăng lên; mặt khác nguyên liệu, nhân công cũng theo đó mà tăng. Còn giá bán thì rất khó tăng vì theo giá chung của thế giới.

Với lần điều chỉnh này, một kịch bản tương tự cũng đang de dọa lợi nhuận của rất nhiều DN. Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến 31/12, tăng trưởng tín dụng tính ước tăng 29,81% so với cuối năm 2009. Trong đó, tín dụng bằng VND tăng 25,3%; tín dụng bằng ngoại tệ tăng 49,3%. Nếu loại trừ hư số do tỷ giá và giá vàng tăng thì tổng dư nợ tăng 27,6%, trong đó, tín dụng bằng VND tăng 25,3%, tín dụng ngoại tệ tăng 37,7%.

Không tiết lộ con số cụ thể nhưng với mức tăng 9,3% vừa qua, cứ mỗi 1 tỷ USD các DN vay vốn từ ngân hàng thì sẽ phải chi phí tính theo VND tăng lên gần 2.000 tỷ đồng. Đây hẳn là một quả đắng nữa cho các DN khi vay USD.

Tránh sốc cho doanh nghiệp

Mỗi khi tỷ giá biến động, cơ quan quản lý thường trấn an DN không nên chạy theo thị trường dễ bị thiệt hai và cho rằng một phần nhiều trong các bất ổn là do yếu tố tâm lý. Tuy nhiên, với cách điều hành khá bất ngờ như từ trước đến nay thì buộc doanh nghiệp phải phòng thủ để bảo toàn lợi ích cho mình.

Trao đổi gần đây, ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch Tập đoàn Kinh Bắc - cho biết, dù DN của ông có nguồn thu lớn và có lợi khi USD tăng nhưng cũng như tâm lý chung của DN là khi nói "điều hành linh hoạt" là nhiều người đã lo phòng thủ vì cho rằng sẽ không có gì là ổn định cả.

Thừa nhận điều này, trong lần đối thoại với phóng viên, ông Lê Đức Thúy - Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tâm sự, đã có DN cho ông biết một kinh nghiệm nhận biết điều hành tỷ giá: đầu tiên là những căng thẳng trên thị trường (khó mua bán, tỷ giá USD kịch trần, chợ đen sôi động...) rồi Ngân hàng Nhà nước tuyên bố sẽ không có điều chỉnh trong một giai đoạn nào đó. Nhưng rồi sau đó lại thực hiện điều chỉnh tăng.


Ảnh: Đất Việt

Ở Việt Nam, tỷ giá thường được điều chỉnh tăng và với cách làm như trên thì luôn đặt DN và người dân vào sự nghi ngờ và đồn đoán. Cách phổ biến là người có USD thì găm giữ, người cần USD để đầu tư kinh doanh thì chờ đợi.

Thực tế, có thời điểm, USD rất căng thẳng, Ngân hàng Nhà nước tuyên bố không thiếu USD mà chủ yếu là do tác động của tâm lý găm giữ. Thậm chí, cơ quan này còn cho biết, rất nhiều DN có nguồn thu bằng USD nhưng không chịu bán cho ngân hàng vì kỳ vọng tỷ giá sẽ tăng. Tình hình đó, buộc Ngân hàng Nhà nước phải tham mưu cho Chính phủ ra quy định buộc các DN lớn bán lại USD nhàn rỗi cho ngân hàng.

TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cũng từng nhận xét, dường như chính sách tỷ giá chưa bao giờ được giải quyết một cách chủ động. Cơ quan quan lý cú cố giữ đến khi không chịu được nữa thì xử lý cho qua giai đoạn nóng bỏng trước mắt mà thiếu đi một sự ổn định và dự báo dài hạn.

Chính vì thế, đã rất nhiều lần, các chuyên gia cho rằng, các cơ quan điều hành cần có tầm nhìn xa hơn, tránh tâm lý sợ thiệt hại. Nếu ta cứ giữ cách làm cũ, có thể không thiệt hại khi tỉ giá thay đổi nhưng cái mất cho cả nền kinh tế có thể còn cao hơn.

Cách tốt nhất, theo ông Thiên, là phải công khai tất cả cơ chế điều hành, lộ trình tỷ giá để doanh nghiệp yên tâm, tránh găm giữ, tranh mua tranh bán. Chấm dứt tình trạng điều hành ngắn hạn, chắp vá để DN có thể chủ động hơn trong kinh doanh. Và như thế cũng triệt tiêu được các kỳ vọng, giảm tình trạng đầu cơ và găm giữ.

Kinh nghiệm những lần điều chỉnh gần đây cho thấy, sau mỗi lần điều chỉnh đã tức thì đem lại những tác dụng về khơi thông nguồn cung cầu trên thị trường ngoại tệ, xoa dịu căng thẳng song tất cả điều đó chỉ đạt được trọng ngắn hạn... Đi kèm đó là một nỗi lo ngại kéo dài về sự không ổn định của chính sách ngoại hối.

Vì thế, điều DN mong muốn chính sách cần phải có xem xét toàn diện hơn khi triển khai những quyết định thay đổi tỷ giá bất ngờ, không thể ra quyết định chỉ phục vụ giải quyết tình huống mà quên đi những tác động có tính dài hơi hơn.

Với quyết định điều chỉnh lần này, việc Ngân hàng Nhà nước quyết định tăng mạnh tỷ giá liên ngân hàng và thu hẹp biên độ, đưa tỷ giá chính thức đến gần tỷ giá thực có thể sẽ không gây ra biến động lớn. Điều này sẽ giúp cơ quan quản lý điều hành thuận lợi hơn trong việc điều chỉnh tỷ giá sát với thị trường. Thực tế sau một vài ngày để ở mức cao thì ngày 15/2, tỷ giá đã được điều chỉnh hạ xuống. Đó như là một biểu hiện cho một thông điệp điều hành mới, linh hoạt hơn và sát thị trường hơn.

Có thể sẽ có những biến động nhưng điều này sẽ đi gần hơn với thị trường và đặc biệt nó sẽ góp phần xóa bỏ tâm lý đầu cơ và găm giữ với kỳ vọng tăng giá như thời gian qua.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh khuyến cáo, việc điều chỉnh tỷ giá với tỷ lệ cao đột ngột 9,3% lần này, nếu muốn đạt hiệu quả cao trong việc điều tiết thị trường, thì Ngân hàng Nhà nước phải có trong tay một nguồn USD đủ lớn, kèm theo nhiều biện pháp đồng bộ khác.

Cafeland.vn - Theo VEF
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland