Liên tiếp những ngày cuối năm khá nhiều doanh nghiệp niêm yết thông báo không phát hành hết được cổ phiếu tăng vốn như kế hoạch.
Theo thông tin vừa công bố hôm nay từ Công ty chứng khoán Phố Wall – hiện đang niêm yết cổ phiếu WSS tại HNX, tổ chức này chỉ phân phối được hơn 19,5% khối lượng theo kế hoạch. Hành trình tăng vốn của WSS khá gian nan trong bối cảnh thị trường không thuận lợi.

Kế hoạch ban đầu WSS sẽ chốt ngày giao dịch không hưởng quyền mua cổ phiếu tỉ lệ 1:1,5 bằng mệnh giá vào ngày 20/9/2010. Tuy nhiên sau đó công ty đã phải lùi tới 27/9. Mặc dù đã chốt quyền nhưng đến 5/11, liệu chừng tình hình thị trường khó khăn, WSS lại đề nghị Ủy ban Chứng khoán nhà nước gia hạn thêm thời gian phân phối 30 ngày nữa, kể từ 27/11/2010.

Khối lượng phát hành thêm của WSS riêng cho cổ đông hiện hữu là khá “khủng” với 54,9 triệu cổ phiếu. Với giá phát hành đúng bằng mệnh giá, khó có thể nói là có ưu đãi gì nhiều cho cổ đông vì đến sát ngày giao dịch không hưởng quyền, giá WSS trên sàn đang loanh quanh mức 12.000 đồng-13.000 đồng/cổ phiếu.

Thời điểm tháng 9 cũng là lúc thị trường chung dao động nguội dần. Mặc dù VN-Index đi ngang nhưng đa số cổ phiếu đều giảm giá, đặc biệt là những cổ phiếu thị giá thấp. Đối với nhà đầu tư, việc mua bằng mệnh giá coi như góp vốn thành lập doanh nghiệp chứ hoạt động đầu cơ khó đem lại lợi nhuận, chưa kể đến quá trình phân phối cổ phiếu kéo dài, đọng vốn.

Trong thời gian nộp tiền mua, giá WSS thậm chí còn rớt xuống thấp nhất 9.000 đồng/cổ phiếu và dao động dưới mệnh giá hơn hai tuần lễ. Rõ ràng bài toán nộp tiền không được tính đến vì mua luôn trên sàn vừa rẻ, vừa tiện, đỡ đọng vốn.

Quãng thời gian 30 ngày được phép kéo dài thêm góp phần không nhỏ giúp WSS không phá sản kế hoạch. Cổ phiếu này có một đợt tăng khá tốt, từ 9.000 đồng lên 13.000 đồng giữa tháng 12/2010. Tuy vậy kết quả phân phối cổ phiếu phát hành thêm cũng không mấy “đẹp”: WSS chỉ bán được 13,7 triệu cổ phiếu trong tổng số 54,9 triệu cổ phiếu dự kiến phân phối cho cổ đông hiện hữu. Còn lại 1,8 triệu cổ phiếu phát hành cho người lao động ế toàn bộ. Số phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài cũng chỉ đạt 276.500 cổ phiếu, một phần nhỏ trong tổng số hơn 1,197 triệu cổ phiếu.

Những trường hợp doanh nghiệp niêm yết phải “đánh vật” với kế hoạch phát hành thêm tương tự WSS không hiếm. Công ty Cổ phần Viễn thông Thăng Long (TLC) đến 31/12/2010, kết thúc hạn nộp tiền thì cũng chỉ bán được 28,2% khối lượng, tương đương 1,1 triệu trong số 3,9 triệu cổ phiếu chào bán. Đây lại là đợt chào bán riêng lẻ - phương thức phát hành hướng tới các tổ chức có ý định đầu tư. Công ty Cổ phần Alphanam Cơ điện – tổ chức có tới 3/5 ghế trong Hội đồng quản trị và 2/3 ghế trong Ban kiểm soát - chỉ mua 1 triệu cổ phiếu.

Mặc dù giá bán cũng chỉ bằng mệnh giá nhưng trong thời gian chờ nộp tiền từ 8/11 đến 25/12/2010, TLC cũng “lao” từ mức mệnh giá xuống tít 7.600 đồng/cổ phiếu. Giá TLC hiện có hồi lại cũng chỉ loanh quanh mệnh giá.

Công ty Cổ phần Kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam (PVR) cũng phải hai lần chỉnh sửa thời gian nộp tiền. Mới đây PVR thông báo gia hạn thêm đến 7/1/2011, thay vì hạn cuối ngày 30/12/2010.

PVR dự kiến bán cho cổ đông hiện hữu 13,5 triệu cổ phiếu tại mệnh giá; bán 1,5 triệu cổ phiếu cho người lao động với giá 11.000 đồng; bán 15 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược cũng với giá 11.000 đồng. Trong tháng 11/2010, PVR cũng rơi xuống giá thấp nhất 9.500 đồng/cổ phiếu. Sau đợt tăng khá tháng 12 vừa qua, hiện PVR cũng lại về loanh quanh 11.000 đồng. Không rõ kết quả phân phối PVR sau ngày 7/1 như thế nào nhưng rõ ràng mức “ưu đãi” cho cổ đông cũng không đáng bao nhiêu.

Việc cổ đông từ chối mua cổ phiếu phát hành thêm khó có thể nói là lợi hay thiệt vì khoản đầu tư vào cổ phiếu mua thêm hoàn toàn có thể sinh lời từ các cổ phiếu khác. Thậm chí nếu chọn đúng cổ phiếu, tỉ suất lợi nhuận còn cao hơn. Ngay với nhà đầu tư không có tiền nộp thêm, việc bỏ quyền cũng xem như cắt lỗ. Chẳng hạn đến thời điểm này, với WSS, cổ phiếu đã phân phối xong nhưng còn đọng một thời gian nữa. Hiện tại giá WSS đã lại về quanh mệnh giá và cũng chưa thể biết diễn biến tới đây ra sao.

Đặc điểm chung của các đợt phát hành cổ phiếu không thành công là doanh nghiệp làm ăn không nổi bật, thậm chí có doanh nghiệp trong số kể trên lỗ khá lớn. Năm 2010 là năm đỉnh cao của hoạt động với khoảng 110 ngàn tỷ đồng được cấp phép, chỉ đứng sau mức 127 ngàn tỷ đồng năm 2007, vượt xa mức 29 ngàn tỷ đồng năm 2008 và 39 ngàn tỷ đồng năm 2009.

Một phần lớn trong số này được huy động thành công và rủi ro còn lại thuộc về các doanh nghiệp gặp khó khăn. Giá cổ phiếu niêm yết giảm quá mạnh về quanh mệnh giá khiến doanh nghiệp không biết phải bán giá nào để hấp dẫn cổ đông. Triển vọng trong tương lai khó nói trước, chênh lệch giá phát hành và thị giá quá nhỏ, thậm chí âm là lý do quá hợp lý để cổ đông cân nhắc khả năng từ bỏ quyền.

Hiện tại trên cả ba sàn, rất nhiều cổ phiếu đang giao dịch loanh quanh mệnh giá. Khả năng thành công cho đợt phát hành thêm là rất nhỏ nếu thị trường không khởi sắc hoặc doanh nghiệp chọn phương án thưởng cổ phiếu. Với những trường hợp không đủ thặng dư vốn để thưởng, doanh nghiệp chỉ mong phát hành hết tại mệnh giá chứ đừng nói “mơ” đến thặng dư!
Cafeland.vn - Theo VnEconomy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland