Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mua vào 1 tỉ đô la Mỹ tính đến cuối tuần trước và sẽ tiếp tục mua ngoại tệ trong tuần này cũng như tuần sau - nguồn tin có thẩm quyền từ NHNN khẳng định với TBKTSG. Cùng với lượng tiền đồng đưa ra để mua ngoại tệ, những giải pháp tiếp theo trung hòa lượng tiền này nhằm chống lạm phát đang được thị trường chờ đợi.

Cung ngoại tệ lấn lướt cầu

NHNN đã chọn thời điểm tỷ giá thấp nhất trong vòng ba tháng qua để mua. Tuần trước, có ngày giá mua đô la Mỹ tiền mặt của tổ chức tín dụng xuống dưới 20.500 đồng/đô la Mỹ, còn giá bán chuyển khoản về sát 20.610 đồng/đô la Mỹ. Giá bán ra của Sở Giao dịch NHNN vẫn được giữ ở mức kịch trần, nhưng giá mua vào đã tụt xuống 20.600 đồng/đô la Mỹ, thấp hơn hẳn mức 20.700 đồng/đô la Mỹ được duy trì nhiều tuần nay.

Đầu tuần, đặc biệt trong buổi sáng ngày 17-5-2011, giá mua bán đô la Mỹ của một số ngân hàng được đẩy lên trước thông tin mua vào của NHNN. Có lúc giá bán ra chuyển khoản được niêm yết kịch trần, nhưng nhanh chóng rớt lại khi nguồn cung tỏ ra dồi dào. Một số nhà xuất khẩu tận dụng thời cơ tỷ giá tốt đã bán ra. Phép thử đẩy giá của các ngân hàng cho thấy các chủ thể trên thị trường đang chuộng tiền đồng hơn và lúc này nắm giữ ngoại tệ vẫn không có lợi bằng sở hữu tiền đồng.

Gửi tiền bị “phân biệt đối xử”

Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất tiền đồng ngay lập tức dịu lại nhưng nhu cầu vay vốn vẫn ở mức rất cao. Trong khi đó nguồn cung qua thị trường mở tiếp tục bị thắt chặt. Kênh duy nhất để tìm kiếm tiền đồng của các tổ chức tín dụng hiện nay là dân cư và lãi suất huy động được đẩy lên ở mức cao chưa từng có: 21-22%/năm với những khoản tiền gửi từ 3 tỉ đồng trở lên.

Lãi suất tiền gửi cao nhưng không phải ai cũng được hưởng. Những người gửi tiền với số lượng vài chục triệu đồng/lần chỉ được hưởng lãi suất 14%/năm. Một số ngân hàng “linh động” trả cho họ 15%/năm và nhiều người trong số này bức xúc. Sự “phân biệt đối xử” với người gửi tiền đang diễn ra phụ thuộc vào số tiền gửi nhiều ít. Tình trạng này sẽ còn kéo dài nếu trần lãi suất huy động không được dỡ bỏ.

Hơn nữa kể từ ngày áp dụng trần lãi suất chưa thấy ngân hàng nào bị Thanh tra NHNN xử phạt vì huy động vượt trần. NHNN nói rằng chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm, trong khi với 500 triệu đồng trong tay, ở vai trò một người gửi tiền không quen biết, NHNN có thể thỏa thuận lãi suất vượt trần với đa số các ngân hàng. Vì sao không có sự thử nghiệm thực tế nào của NHNN để kiểm tra lãi suất thực?

Phát hành tín phiếu lãi suất cao?

Lãi suất tiền gửi cao xuất phát từ tình trạng căng thẳng tiền đồng của các tổ chức tín dụng vẫn chưa hề thuyên giảm, nếu không muốn nói là trầm trọng hơn. Thứ nhất lượng tiền đồng chảy vào ngân hàng bị co hẹp và lượng tiền lưu thông ngoài hệ thống tăng lên. Theo NHNN, tiền mặt lưu thông ngoài hệ thống tính đến ngày 21-4-2011 tăng 4,12% so với cuối năm ngoái, còn tổng phương tiện thanh toán cùng thời gian trên chỉ tăng 0,98% - mức tăng thấp kỷ lục trong vòng 15 năm qua. Như vậy, cung tiền bốn tháng đầu năm hầu như không tăng, còn tiền ngân hàng lại chảy ra lưu thông, ngân hàng thiếu tiền đồng, yếu thanh khoản là tất yếu.

Thiếu thanh khoản thì phải siết tín dụng, nhất là ngày hoàn tất chỉ tiêu tín dụng phi sản xuất 22% đang đến gần. Trên thị trường chứng khoán, những ngân hàng hợp tác với công ty chứng khoán hỗ trợ tài chính cho khách hàng, đang đòi nợ gắt gao. Hậu quả là hiện tượng cổ phiếu bị giải chấp đang lan rộng. Áp lực thu hồi các khoản cho vay bất động sản ngày một lớn và không ngân hàng nào muốn “nước đến chân mới nhảy” hay “trâu chậm uống nước đục”. Một đại gia bất động sản trên sàn TPHCM, theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2010 đã kiểm toán, đến cuối năm ngoái vay nợ 16.593 tỉ đồng. Cứ cho là doanh nghiệp này được vay ưu đãi với lãi suất bình quân 16%/năm, thì cứ mỗi buổi sáng tỉnh dậy phải trả gần 7,3 tỉ đồng tiền lãi!

Kìm hãm tín dụng, chống lạm phát là mục tiêu của NHNN lúc này, cho nên kỳ vọng lượng tiền đồng được “bơm” ra để mua ngoại tệ sẽ ở lại trong két các ngân hàng là không tưởng. Có hai phương cách để trung hòa lượng tiền đó: hoặc tăng dự trữ bắt buộc hoặc phát hành trái phiếu chính phủ, tín phiếu NHNN lãi suất cao. Tăng dự trữ bắt buộc sẽ đẩy lãi suất đầu ra của các ngân hàng. Bộ Tài chính liệu có chấp thuận nâng lãi suất trái phiếu chính phủ cao hơn? Còn không nâng thì không thể bán được. Cách tốt nhất hiện nay chính là phát hành tín phiếu bắt buộc của NHNN với lãi suất 18-20%/năm. Tín phiếu lãi suất cao mới hút được tiền của các ngân hàng, đồng thời giúp các ngân hàng không bị ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh.

Số lượng phát hành tín phiếu bắt buộc có thể là 20.000 tỉ đồng, tương đương với 1 tỉ đô la Mỹ NHNN đã mua. Nếu lượng ngoại tệ NHNN mua thêm tăng thêm 1 tỉ đô la nữa, phát hành tín phiếu bắt buộc có thể tăng tương ứng. Giải pháp tín phiếu bắt buộc là khả thi và phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay.

Theo Hải Lý (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0