Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng “củ mật” đã tăng tới 1,74% so với tháng 12-2010. Nếu loại trừ năm “bất thường” 2008, CPI tháng 1-2011 đã đạt mức tăng cao “kỷ lục” so với các tháng đầu năm kể từ 2002 đến nay. Nhưng đáng bàn là lực đẩy làm nên “kỷ lục” vẫn là mức tăng của nhóm hàng lương thực thực phẩm.
alt

Nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng giá “kỷ lục”

Tết gây sốt

CPI tháng 1 tăng tới 10/11 nhóm trong rổ hàng hóa chung, với mức tăng từ 0,36 đến 2,89%. Dẫn đầu về mức tăng là nhóm giáo dục với mức tăng 2,89%. Tiếp đến là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống với mức tăng 2,47%, trong đó lương thực tăng 2,28% và thực phẩm tăng 2,74%.

Các nhóm hàng hóa khác có mức tăng trên 1% theo thứ tự: đồ uống và thuốc lá; may mặc, mũ nón, giày dép; nhà ở và vật liệu xây dựng; hàng hóa và dịch vụ khác. Duy chỉ có bưu chính viễn thông giảm 0,06%.

Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ hàng hóa chung, việc giá lương thực, thực phẩm tăng cao do nhu cầu tiêu dùng đột biến là nguyên nhân chính khiến CPI tháng 1 đạt mức tăng kỷ lục. Cụ thể: Giá thịt lợn tăng 4,98% so với tháng 12-2010; trong đó giá thịt lợn mông sấn hiện ở mức 70.000 - 75.000 đồng/kg (tăng 5.000 - 10.000 đồng/kg); giá thịt lợn thăn từ 85.000-95.000 đồng/kg (tăng 7.000 - 10.000 đồng/kg). Giá thịt lợn tăng cao làm cho giá các loại thịt chế biến đóng hộp cũng tăng 2,54%. Cùng với thịt lợn, các loại thực phẩm khác cũng được mùa tăng giá; điển hình như dầu ăn tăng 7,4%; bánh mứt kẹo tăng 3,17%; sữa nội tăng 2,07%...

Nói về mức tăng CPI 1,74%, tiến sĩ Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý giá, cho biết việc CPI tháng 1 và 2 tăng là thuộc vào quy luật bình thường vì rơi vào chu kỳ Tết Nguyên đán.

Đóng góp đáng kể vào mức tăng kỷ lục của CPI chung, nhóm giáo dục đã có mức tăng cao nhất do một số tỉnh như Điện Biên, Quảng Ngãi, Bến Tre, Tiền Giang bắt đầu tăng học phí giáo dục từ ngày 1-1-2011. Bên cạnh đó, việc khối doanh nghiệp bắt đầu tăng lương tối thiểu từ ngày 1-1-2011 với mức thưởng Tết cao đã khiến sức mua của thị trường tăng lên.

Tháng 2, giá vẫn nóng?

Theo khẳng định của Vụ trưởng Vụ Giá, Tổng cục Thống kê Nguyễn Đức Thắng, cùng với quy luật tiêu dùng “nóng” của tháng Tết Nguyên đán, dự báo, giá cả tháng 2 vẫn sẽ còn cao hơn nhiều so với tháng 1. Lý do được đưa ra, tháng 2 có số ngày nghỉ Tết kéo dài tới 8 ngày liên tục nên chắc chắn nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ sẽ tăng cao.

Theo Bộ Tài chính, trong tháng 2 nhu cầu về hàng hóa dịch vụ có thể tăng nhẹ so với các tháng bình thường. Vì diễn ra nhiều lễ hội, nên nhu cầu tiêu dùng sau Tết vẫn được giữ cao. Lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam và Việt kiều về quê ăn Tết tăng mạnh là một trong nhiều sức ép đẩy giá. Ước tính sẽ có trên 500.000 kiều bào về quê ăn Tết Tân Mão.

Để kìm mức độ tăng giá, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường như giữ ổn định giá bán điện, giá bán than cho các hộ sản xuất điện, xi măng, phân bón, giấy; sử dụng linh hoạt các công cụ phí, thuế, Quỹ bình ổn giá để bình ổn giá xăng dầu và một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; giãn thời gian điều chỉnh giá các hàng hoá, dịch vụ nhà nước định giá; kiểm soát các yếu tố hình thành giá, kiên quyết ngừng việc đăng ký tăng giá các hàng hoá, dịch vụ thuộc diện đăng ký giá có mức giá tăng không hợp lý. Đồng thời, theo chỉ đạo của chính phủ, các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, kiểm tra việc niêm yết và công khai thông tin về giá, bán hàng hoá, dịch vụ theo đúng giá niêm yết, không để các doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng té nước theo giá.

Cafeland.vn - Theo Thúy Hằng ( Báo ĐĐK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland