21/06/2011 7:40 AM
Đà giảm tốc của CPI tại Hà Nội và Tp.HCM nối dài sang tháng 6, với biên độ lớn được ghi nhận tại Tp.HCM.
CPI cùng giảm tốc tại Hà Nội và Tp.HCM
Thực phẩm vẫn là nhóm hàng có giá cả tăng cao trong tháng này.

Hà Nội: Vẫn giảm, nhưng khó giảm mạnh


Cơ quan thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2011 của Hà Nội tăng 1,21% so với tháng trước, tương đương 2/3 mức tăng của tháng trước đó.

Diễn biến này cũng khẳng định thêm xu hướng giảm tốc CPI tại Hà Nội, khi kéo dài tiếp trong tháng thứ 2 liên tiếp.

Ngược với chiều hướng tích cực kể trên, biên độ giảm tốc tháng này không bằng tháng trước, chỉ số giá ở các so sánh khác vẫn tiếp tục bị đẩy lên các mức cao mới. So với tháng 12/2010, CPI tại Hà Nội đã tăng 12,94%; so với cùng kỳ tăng 20,24%.

Điểm đáng chú ý là những nhân tố tác đẩy chỉ số giá tăng cao trong các tháng trước, nay có sự phân hóa rõ rệt. Xăng dầu, điện, gas, lương thực… đã thiết lập mặt bằng giá tương đối ổn định hơn.

Trong khi đó, thực phẩm, đồ uống, hàng thời trang, thiết bị và đồ dùng gia đình tiếp tục lên giá, chủ yếu do tác động từ giá thế giới (bông, vải, phụ kiện…), yếu tố mùa vụ (điều hòa, đồ uống…) và nguồn cung thiếu hụt so với cầu (thực phẩm).

CPI nhóm giáo dục lại tiếp tục tăng trong tháng này, chủ yếu do tác động từ tăng giá sách và phương tiện học tập, cũng là diễn biến đáng chú ý khác.

Nhìn vào các chỉ số chính, CPI nhóm lương thực thực phẩm vẫn còn tăng trên 2% trong tháng này là bất lợi đối với diễn biến chỉ số giá tiêu dùng tại Thủ đô. Quyền số lớn nhưng tốc độ tăng còn cao khiến khả năng chỉ số giá giảm mạnh khó xảy ra trong tháng tới.

Nhóm giáo dục tăng trên 1% trong tháng này không phải là lo lắng chính vì với các nhóm chịu điều chỉnh bởi chính sách sẽ không có chuyện tăng giá liên tiếp. Tuy nhiên, các nhóm đồ uống thuốc lá, may mặc, thiết bị đồ dùng gia đình dù tăng không quá cao nhưng diễn ra liên tiếp thời gian gần đây là các nhân tố có thể giữ nhịp CPI.

Tháng 7 và 8 năm ngoái, CPI Hà Nội tăng rất thấp cũng khiến cho các mức so sánh với cùng kỳ của CPI hai tháng tới đây khó có điều chỉnh lớn.

Tp.HCM: Diễn biến giá cả thuận lợi

Khác với Hà Nội, CPI tháng 6/2011 tại Tp.HCM đã có sự khác biệt lớn so với tháng trước.

Từ mức tăng gần 2,4% tại tháng 5, CPI tháng này ở đầu tầu kinh tế phía Nam chỉ còn tăng 0,69% so với tháng trước.

Có thể cho là diễn biến CPI đang trở về khu vực “lạc quan” hơn, với mức tăng tháng này chỉ tương đương tháng cùng kỳ năm 2009. Tuy nhiên, so với tháng 6/2010, chỉ số giá tháng 6/2011 vẫn tăng cao hơn, khiến các mức so sánh với tháng 12/2010 và tháng cùng kỳ năm trước đều bị đôn lên, tương ứng trên 11% và khoảng 17%.

Sự khác biệt với Hà Nội chủ yếu diễn ra ở nhóm có quyền số cao nhất là lương thực - thực phẩm. Trong nửa cuối kỳ tính giá này, gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm giá từ 15-30 USD/tấn, tác động đến mặt bằng giá gạo tại Tp.HCM.

Thực phẩm, nhất là các loại thịt cá, đã được bổ sung nguồn cung khiến cho sức ép lên giá cả hạ nhiệt. Diễn biến giá cả các mặt hàng rau xanh, hoa quả cũng tiếp thêm hỗ trợ cho chỉ số giá tháng này.

Ở các nhân tố quan trọng khác, điện, xăng dầu, gas… cũng cùng xu hướng chung cả nước, giảm tác động cho đến tháng này, nhưng Tp.HCM còn khác biệt nữa với Hà Nội là không chịu yếu tố mùa vụ, thể hiện trong giá cả hàng thời trang, thuốc chữa bệnh…

Ngược lại, nhu cầu du lịch, tham quan, nghỉ ngơi tăng khiến các dịch vụ văn hóa, giải trí, làm đẹp… được dịp tăng giá trong tháng này. Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch cũng là một trong hai nhóm duy nhất có chỉ số giá tháng 6 tăng hơn 1%. Nhóm còn lại là hàng hóa, dịch vụ khác, tăng hơn 2%.

Nếu nhìn vào xu hướng này, diễn biến giá cả tại Tp.HCM đang thuận lợi để tiếp tục giảm nhiệt. Nhân tố ảnh hưởng chính đang “lụi” dần sức áp đặt, trong khi các đột biến không quá đáng lo ngại.

Với Hà Nội và Tp.HCM đều công bố mức tăng CPI giảm tốc so với tháng trước, dự báo chỉ số giá tháng 6 cả nước ở quanh mức tăng 1% của một số chuyên gia gần đây đang có cơ hội để hiện thực.
Theo Diệu Hương (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0