Kiểm toán Nhà nước (KTNN) kiến nghị không duy trì cơ chế “mềm” để đảm bảo khoảng cách giữa các trạm thu phí BOT đúng 70 km. Đó là một trong rất nhiều vấn đề được nêu ra liên quan tới các dự án BOT tại buổi họp báo công bố việc kiểm toán năm 2015 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2014, do KTNN tổ chức ngày 26/8.

Trạm dưới 70 km: “Đã có thỏa thuận”

Thông tin về kết quả kiểm toán dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT, đại diện KTNN khẳng định, công tác quản lý còn lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ, cách xác định một số chỉ tiêu trong phương án tài chính của một số dự án chưa đảm bảo tính đúng đắn. Bên cạnh đó, tỷ lệ góp vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư trên tổng vốn đầu tư thấp hơn cam kết; khoảng cách giữa các trạm thu phí chưa hợp lý…cần phải được chấn chỉnh, khắc phục.

Trước hàng loạt câu hỏi của PV các báo về kết quả kiểm toán các dự án BT, BOT, đại diện KTNN cho biết, qua kiểm toán bước đầu đã phát hiện ra những bất cập về cơ chế, chính sách. Trong đó, cách xác định lưu lượng phương tiện qua trạm thu phí và chỉ tiêu lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư còn chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ. Mặt khác, một số dự án BOT mở các trạm thu phí có khoảng cách ngắn, như trạm thu phí tại dự án mở rộng Quốc lộ 1, đoạn qua tỉnh Quảng Bình và trạm thu phí hầm Đèo Ngang.

Theo quy định, khoảng cách giữa các trạm thu phí phải đảm bảo tối thiểu 70 km. Tuy nhiên, bên cạnh đó lại có thêm quy định, nếu khoảng cách dưới 70 km thì các nhà đầu tư phải có sự thỏa thuận với địa phương nơi tuyến đường chạy qua. Chính bởi cơ chế “mềm” này đã xuất hiện tình trạng khoảng cách giữa hai trạm thu phí rất ngắn. Khẳng định khoảng cách giữa các trạm thu phí dưới 70 km đều “đã có sự thỏa thuận” giữa nhà đầu tư với địa phương, song để khắc phục tình trạng này, KTNN đã kiến nghị với các bộ, ngành, trong đó có Bộ Tài chính không nên để cơ chế “mềm” như thế, cứ thực hiện đúng quy định đảm bảo khoảng cách 70km giữa các trạm.

Liên quan đến thời gian thu phí hoàn vốn của nhà đầu tư, đại diện KTNN cũng khẳng định, sau khi dự án hoàn thành sẽ có sự điều chỉnh đối với phương án tạm tính trên cơ sở xác định chi phí đầu tư. Từ thực tế kiểm toán dự án BOT, đại diện KTNN khu vực IX đề nghị các cơ quan chức năng Chính phủ quan tâm nhiều hơn đến vấn đề nguồn vốn của nhà đầu tư. Theo lý giải của Kiểm toán trưởng KTNN khu vực IX Nguyễn Huỳnh Tịnh, các dự án BOT có tổng mức đầu tư rất lớn, nhưng vốn tự có của nhà đầu tư dành cho dự án rất thấp. Họ phải đi vay nguồn vốn rất lớn, dẫn đến đội chi phí đầu tư lên cao, từ đó dẫn đến thời gian thu phí kéo dài.

Trước đề nghị trên, PV đặt lại câu hỏi với KTNN là cần tăng vốn điều lệ của nhà đầu tư tại mỗi dự án BOT lên bao nhiêu thì phù hợp? Phó Tổng KTNN Cao Tấn Khổng cho hay, hiện mới chỉ tiến hành kiểm toán sơ bộ và mới đánh giá bước đầu nên chưa thể khẳng định được. “Theo quy định của pháp luật và Luật KTNN, kết quả kiểm toán BOT đang được thực hiện trong năm nay sẽ được công bố chính thức tại kỳ họp báo tới, vào năm 2017. Còn tại kỳ họp này chúng tôi chỉ giới thiệu sơ bộ kết quả bước đầu”, ông Khổng lý giải.

Lo “kịch bản” năm sau lặp lại năm trước

KTNN cho biết, trong năm 2015 đã tiến hành kiểm toán tại 203 đơn vị và kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2014 tại Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT. Điểm đáng chú ý, kết quả kiểm toán cho thấy, hầu hết các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương được kiểm toán đều còn tình trạng chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, vượt dự toán được duyệt. KTNN chỉ rõ, 16/50 địa phương được kiểm toán còn sử dụng nguồn dự phòng cho một số nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp bách; một số địa phương hụt thu ngân sách cấp tỉnh hoặc ngân sách cấp huyện nhưng không rà soát, cắt giảm nhiệm vụ chi theo quy định. KTNN kiến nghị 21/50 tỉnh, thành phải hoàn trả nguồn hơn 1.600 tỷ đồng, điển hình như tỉnh An Giang phải hoàn trả 563 tỷ đồng, Vĩnh Long 297 tỷ đồng, Thanh Hóa 289 tỷ đồng…

KTNN cũng cho biết, một số đơn vị được kiểm toán chưa tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành về quản lý, mua sắm, sửa chữa tài sản công; sử dụng tài sản công không đúng mục đích, vượt định mức về số lượng xe ô tô, điển hình như một số đơn vị thuộc Bộ Y tế sử dụng vượt 17 xe ô tô so với định mức quy định, trong đó có Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức 3 xe, Đại học Y dược TPHCM 5 xe…

Bày tỏ lo ngại về những kết quả kiểm toán được công bố, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội Bùi Đặng Dũng khẳng định, kỷ luật về tài chính chưa nghiêm, dù đã có những nỗ lực, cố gắng trong thời gian qua. “Chúng tôi rất lo liệu năm 2015, quyết toán ngân sách có lặp lại tình trạng năm 2014 không? Điều đó đòi hỏi sự giám sát, triển khai luật rất nghiêm túc của các cơ quan, đơn vị. Sắp tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thông qua quy chế giám sát, từ đó chất lượng giám sát chắc chắn sẽ được nâng cao hơn nữa”, ông Dũng cho hay.

Tại buổi họp báo, Phó Tổng KTNN Cao Tấn Khổng cho biết, mới đây Sabeco đã nộp đầy đủ 408 tỷ đồng thuế tiêu thụ đặc biệt vào ngân sách Nhà nước theo đề nghị trước đó của KTNN.
Luân Dũng (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.