25/02/2011 12:02 AM
Tỉnh giao đất công cho tổ chức, cá nhân nhưng không đấu giá quyền sử dụng đất, gây thiệt hại lớn cho ngân sách.

Việc tỉnh Bình Thuận mắc hàng loạt sai phạm trong việc giao đất, cho thuê đất với số tiền tính toán sai và tiền bị chủ đầu tư chiếm dụng lên đến hàng chục tỉ đồng chỉ là bề nổi của tảng băng, vì số tiền thiệt hại có thể khắc phục. Còn với cả ngàn hecta đất làm du lịch, khu dân cư tập trung… khi giao cho tổ chức, cá nhân kinh doanh, Bình Thuận không hề tổ chức đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất thì con số ngân sách bị thiệt hại khó đo đếm hơn nhiều.

Giao đất không qua đấu thầu

Theo Thanh tra Chính phủ, kiểm tra các dự án khu du lịch, khu dân cư tập trung... cho thấy việc giao đất, cho thuê đất của tỉnh Bình thuận có nhiều khuất tất.

Cụ thể, tại khu du lịch Bãi Biển Mặt Trời, trong khi doanh nghiệp (DN) chưa nộp tiền sử dụng 1,6 ha đất, chưa hoàn thành dự án thì tháng 8-2008 tỉnh lại giao tiếp 8 ha đất công để DN mở rộng dự án. Sau đó, Cục Thuế tỉnh thông báo DN phải nộp hơn 37 tỉ đồng tiền sử dụng đất cho diện tích giao thêm này nhưng hơn hai năm qua họ vẫn chưa nộp. Thanh tra kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Bình Thuận xử lý phần diện tích giao thêm nêu trên vì việc giao đất công không thông qua đấu giá.

Với dự án Khu du lịch Lan Anh tại thị xã La Gi, giá đất tỉnh phê duyệt cho chủ đầu tư lại thấp hơn báo cáo của thị xã La Gi tại thời điểm phê duyệt. Cụ thể, tháng 11-2009, tỉnh giao bổ sung cho dự án này hơn 7.000 m2 và phê duyệt giá đất cho phần bổ sung này là 100.000 đồng/m2. Trong khi trước đó một tháng, UBND thị xã La Gi đã có báo cáo giá đất ở khu vực là 125.000 đồng/m2. Thanh tra Chính phủ nhận định: “Việc UBND tỉnh giao đất bổ sung và phê duyệt giá đất chỉ 100.000 đồng/m2 mà không qua đấu giá quyền sử dụng đất là vi phạm pháp luật”.

Khu xử lý nước của dự án BOT Cảng cá La Gi được UBND tỉnh bỏ ngân sách ra xây dựng là sai phạm, thiếu minh bạch. Ảnh: PN

Với khu đất vàng của dự án Cảng vận tải Phan Thiết và dự án Khu du lịch Đồi Dương-Thương Chánh, thanh tra cũng nhận định: Tỉnh Bình Thuận có sai phạm nghiêm trọng trong việc cho thuê.

1.900 ha đất công của 35 dự án khi giao cho tổ chức, cá nhân làm dự án kinh doanh, tỉnh Bình Thuận không tổ chức đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất (thanh tra kiểm tra và phát hiện). Còn theo báo cáo của tỉnh Bình Thuận, tỉnh này có tới 116 dự án giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá.

Ở dự án Đồi Dương, ban đầu tỉnh giao 3,5 ha cho Ban Quản lý khu du lịch (trực thuộc UBND TP Phan Thiết) sử dụng theo hình thức trả tiền thuê đất hằng năm. Tuy nhiên, trong khi ban quản lý đang xúc tiến các thủ tục đầu tư, tỉnh lấy lại dự án, giao cho Công ty Quản Trung… Thanh tra Chính phủ nhận xét: Đất của dự án là do Nhà nước đền bù, giải tỏa, thu hồi của hàng trăm hộ dân và đất công. Đây là khu đất sạch, nằm ngay trung tâm TP Phan Thiết không thuộc địa bàn ưu đãi đầu tư nhưng tỉnh Bình Thuận không tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá quyền thuê đất đối với diện tích đất công; không đấu thầu dự án mà giao thẳng cho tư nhân thuê là vi phạm nghiêm trọng. Sai phạm này gây bức xúc trong nhân dân và gây thất thoát tiền bạc cho ngân sách đối với phần lớn diện tích đất đã được Nhà nước thu hồi. (Với dự án này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã cảnh cáo ông Huỳnh Tấn Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận.)

Bỏ vốn ngân sách “gánh” cho nhà đầu tư

Không chỉ làm thất thoát tài sản khi giao đất, cho thuê không qua đấu giá, tỉnh Bình Thuận còn thiếu minh bạch trong việc triển khai dự án BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) Cảng cá La Gi.

Theo quyết định phê duyệt dự án đầu tư Cảng cá La Gi do Công ty Cổ phần Địa ốc VSG làm chủ đầu tư thì có 16 hạng mục đầu tư (hơn 22 tỉ đồng). Trong đó, khu xử lý nước thải là một trong những hạng mục quan trọng, chiếm nhiều vốn nhất (3,3 tỉ đồng). Tuy nhiên, tỉnh Bình Thuận đã “gánh” cho chủ đầu tư, xây dựng luôn hạng mục này…. Thanh tra Chính phủ nhận xét: Tỉnh đã không thực hiện đúng quy định của Nhà nước như không tổ chức đấu thầu theo quy định; không công bố danh mục kêu gọi đầu tư; không thông báo danh mục dự án BOT quốc gia và địa phương trên các phương tiện truyền thông. Chủ thể ký hợp đồng BOT không phải là UBND tỉnh mà là Sở Giao thông vận tải nhưng không có văn bản ủy quyền, không đặt cọc theo quy định. Riêng việc đã giao cho DN thực hiện dự án BOT nhưng tỉnh lại xây dựng khu xử lý nước thải mà không lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, không đấu thầu; thiết kế và thi công cùng một đơn vị là thiếu minh bạch gây khiếu kiện trong dân.

Thanh tra Chính phủ kết luận: Một trong những sai phạm lớn của tỉnh Bình Thuận là cấp giấy chứng nhận đầu tư, giao đất ồ ạt khi chưa có quy hoạch sử dụng đất dẫn đến tình trạng nhiều dự án được cấp chồng lấn lên nhau, gây bức xúc cho các nhà đầu tư và tạo dư luận xấu tại địa phương. Riêng dự án về du lịch, đã có 340 ha bị cấp chồng lấn lên các dự án khai thác khoáng sản. 79 dự án khác có 25 ha chồng lấn lên ranh giới điều tra, thăm dò và khai thác cát đen của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Cá biệt, dự án sân gofl và biệt thự Hàm Thuận Nam chồng lấn lên bốn dự án; dự án khu du lịch Thung Lũng Đại dương chồng lấn lên cả…. trường học, trạm y tế, khu tái định cư và trung tâm hành chính xã.

tag: CafeLand, sai pham dat Binh Thuan
Cafeland.vn - Theo Pháp luật TP
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland