Nền kinh tế VN tiềm ẩn bất ổn khi chúng ta thành lập thị trường chứng khoán và bất động sản song song với thị trường hàng hóa. Hai thị trường này không hoạt động theo quy luật chung, mà lại khiến một lượng vốn lớn bị ứ đọng.
Hàn thử biểu của tiền tệ

Mục tiêu của thị trường chứng khoán là tạo lập môi trường cho vay vốn phát triển với nguồn vốn chủ yếu là trong nước.

Thị trường chứng khoán Tokyo là 1 trong những thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới nhưng nhà đầu tư cũng như vốn đầu tư gần như chỉ có của Nhật, rất ít yếu tố nước ngoài. Doanh nghiệp làm ăn không ra gì, nhà đầu tư sẽ thâu tóm doanh nghiệp. Doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, nhà đầu tư hưởng cổ tức cao hoặc hưởng giá trị tài sản tăng thêm từ cổ phiếu.

Thực tế, thị trường chứng khoán là nơi có sự xung đột về lợi ích giữa bên huy động vốn (tức doanh nghiệp) và bên cho vay vốn (tức nhà đầu tư). Riêng thị trường chứng khoán VN không có sự xung đột này. Các nhà đầu tư "triệt hạ" lẫn nhau là chính, giá cổ phiếu chả ăn nhập gì với tình trạng tài chính và kinh doanh của doanh nghiệp.


Ảnh: kienthuckinhte

Cái "hàn thử biểu" này không đo "sức khỏe" của nền kinh tế (cụ thể là các doanh nghiệp) mà đo "sức khỏe" của tiền tệ (cụ thể là lượng vốn vào và ra khỏi thị trường). Thị trường chứng khoán Việt Nam không làm nhiệm vụ cung ứng vốn phát triển cho nền kinh tế mà là một trong những nơi tạo ra sự xáo trộn về tiền tệ quốc gia.

Lòng vòng trung gian

Bất kỳ thị trường nào đều nhắm vào mục tiêu duy nhất là người mua cuối cùng. Vì thế, người ta tạo ra hàng loạt dịch vụ tài chính với mục đích "mua tận gốc bán tận ngọn" để đưa hàng hóa đến người dùng cuối nhanh nhất và rẻ nhất để tăng tốc độ quay vòng vốn. Bạn có 100 đồng và gửi vào ngân hàng hưởng lãi hàng tháng thì mỗi tháng vốn của bạn quay đúng 1 vòng. Bạn đưa vốn của bạn vào kinh doanh và so sánh với lãi suất ngân hàng, nếu lãi là gấp đôi thì vốn của bạn quay 2 vòng.

Ở khu vực Chợ lớn ở Tp HCM, tốc độ quay vòng vốn tại những đại lý bán sỉ ít nhất 5 vòng 1 tháng. Tốc độ như thế xin thưa là rất chậm so với 10 năm về trước.


Thị trường bất động sản của Việt Nam lại không theo mục tiêu này. Thị trường này không quan tâm người dùng cuối, tập trung mua bán trong hệ thống trung gian lòng vòng giữa các nhà đầu tư với nhau. Nhà xây lên không phải để ở mà là để mua đi bán lại kiếm lời. Giá trị sử dụng thấp xa giá cả.

Thị trường bất động sản là nơi có sự xung đột giữa nhà đầu tư sơ cấp (chủ đầu tư dự án) và người mua nhà để ở. Nhưng hai nhóm người này không gặp nhau. Rút cục thị trường bất động sản là thị trường thứ hai xáo trộn tiền tệ.

Vốn ứ đọng tại chứng khoán và BĐS

Một lượng vốn lớn của nền kinh tế bị ứ đọng ở hai thị trường trên không rút ra được. Thiếu tiền mặt dẫn tới việc tăng lãi suất để huy động tiền mặt. Tiền mặt được hút vào ngân hàng do lãi suất cao lại không phải từ nơi ứ đọng mà từ nơi thông suốt.

Người ta không khai thông hai thị trường trên nên tiền huy động được lại được "ném" vào hai thị trường đó để tạo "sóng" mới, lại tăng thêm sự ứ đọng ấy. Tiền mặt đã thiếu lại càng thiếu.

Thiếu tiền mặt thì sản xuất đình trệ. Sản xuất đình trệ thì thiếu hàng. Thiếu hàng thì tăng giá. Nguồn cung hàng không thiếu chỉ vì thiếu tiền mặt nên tạo ra thiếu hàng tức là thiếu giả tạo.

Đó là lý do tạo ra lãi suất ngân hàng cao gấp đôi lãi suất cơ bản. Thực chất, lãi suất ngân hàng cao chẳng liên quan gì đến tỷ giá ngoại tệ cả.

Tag: Bất động sản, chứng khoán, thị trường, nền kinh tế, Việt Nam,..

Cafeland.vn - Theo VEF
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland