Năm 2010 đã qua, nhưng cũng để lại nhiều con số ấn tượng trong từng lĩnh vực. Và lĩnh vực bất động sản cũng không là ngoại lệ. Mời bạn cùng CafeLand điểm lại những con số của bất động sản 2010.

228.000 tỷ đồng

Theo báo cáo của ngân hàng nhà nước, tính đến ngày 31/12/2010, tổng dư nợ cho vay để đầu tư kinh doanh bất động sản của các tổ chức tín dụng đạt 228.000 tỷ đồng, tăng 22,01% so với 31/12/2009, trong đó tăng trưởng tín dụng nền kinh tế của toàn hệ thống cùng thời kỳ là 23,87%.

Theo Ngân hàng nhà nước đánh giá, tỷ lệ này hoàn toàn có thể chấp nhận được trong điều kiện mặt bằng lãi suất hiện nay.

Báo cáo cũng chỉ rõ đến năm 2015, dân số Việt Nam khoảng 91,5 triệu người và nhu cầu về nhà ở là 1.966,6 triệu m2, trong đó, khu vực đô thị là 891,8 triệu m2, đáp ứng chỗ ở cho 34,3 triệu người dân. Do đó, nhu cầu về vốn đầu tư cho nhà ở giai đoạn 2010 - 2015 là 2.205 nghìn tỷ đồng và đến năm 2020 là 1.767 nghìn tỷ đồng. Như vậy, hết năm 2010 vốn cho lĩnh vực bất động sản chỉ mới đạt 10% nhu cầu.

1%

Đó là số tiền lương mà các đối tượng lao động trích nộp một phần thu nhập hàng tháng để gửi vào Quỹ tiết kiệm nhà ở do Bộ Xây dựng đề xuất.

Quỹ sẽ cho vay đầu tư các dự án nhà ở xã hội và cho các đối tượng tham gia gửi tiết kiệm vào quỹ vay để thuê, mua nhà ở giá thấp. Quỹ tiết kiệm nhà ở cho người dân không những góp phần giải bài toán vốn để phát triển nhà ở mà còn là kênh “bắc cầu” cho người nghèo có cơ hội mua nhà ở.

Tuy nhiên, việc thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở vẫn chỉ dừng ở... đề xuất. Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam thừa nhận, Bộ Xây dựng đưa ra bàn thảo khá lâu nhưng vẫn chưa thực hiện được do nhiều quan điểm khác nhau. Cụ thể, có ý kiến cho rằng, những người có nhà rồi sẽ không muốn đóng góp vào Quỹ tiết kiệm về nhà ở. Như vậy, cơ sở để tồn tại và phát triển quỹ này rất khó.

6,84 tỷ USD vốn FDI

Thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến 21/12/2010 đạt 18,6 tỷ USD, bằng 82,2% cùng kỳ năm 2009, bao gồm: Vốn đăng ký của 969 dự án được cấp phép mới đạt 17,2 tỷ USD; vốn đăng ký bổ sung của 269 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước với 1,4 tỷ USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2010 ước tính đạt 11 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2009, trong đó giá trị giải ngân của các nhà đầu tư nước ngoài đạt 8 tỷ USD.

Với dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp phức hợp Nam Hội An có vốn 4 tỷ USD được cấp vào trung tuần tháng 12, lĩnh vực kinh doanh bất động sản từ vị trí thấp hơn trong các tháng trước đã trở thành lĩnh vực có vốn đầu tư đăng ký cao nhất, với 6,84 tỷ USD, chiếm 36,8% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong năm 2010. Cụ thể, lĩnh vực bất động sản có 27 dự án cấp mới với tổng vốn cấp mới là 6,7 tỉ USD và 6 lượt dự án tăng vốn với số vốn tăng thêm là 132 triệu USD

1 tỷ và 900 triệu

Sau nhiều tranh cãi thì mức giá đền bù cao nhất cho dự án Trung tâm thương mại - văn phòng tại khu đất vàng số 22-24 Hàng Bài và 25-27 Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm-Hà Nội) đã lên đến 900 triệu đồng/m2. Trước đó, các hộ dân đòi bồi thường 1 tỷ đồng/m2.

Theo biên bản thỏa thuận giữa chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần Thời đại mới T&T và các hộ dân, tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho các hộ ở tầng không có nóc là 600 triệu đồng/m2, còn các hộ ở tầng có nóc 900 triệu đồng/m2.

Như vậy, sau 6 năm đàm phán, từ mức giá khởi điểm vào năm 2004 là 42 triệu đồng/m2, cuối tháng 12/2010, chủ đầu tư đã đồng ý chi trả ở mức cao gấp 15 đến 20 lần con số 42 triệu cho những hộ cuối cùng. Mức giá 900 triệu/m2 trên có được là do các hộ dân bán đất tính theo giá…vàng.

Đăng Thy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland