Khác với những lần trước, mặc dù lần này tỷ giá chính thức giữa đô la và tiền đồng tăng tới 9,3% nhưng chỉ một tuần sau khi điều chỉnh, chênh lệch giữa tỷ giá chính thức và tỷ giá thị trường gần như trở về trạng thái trước khi điều chỉnh.

Vậy nguyên nhân của tình trạng này là gì, và làm thế nào để ổn định tỷ giá?

Có thể thấy ngay rằng nguyên nhân khiến tỷ giá tiếp tục tăng sau ngày 11-2 không xuất phát từ các yếu tố cơ bản của nền kinh tế vì tác động của các yếu tố này đã được phản ánh trong tỷ giá thị trường trước khi điều chỉnh. Đồng thời, tỷ giá tăng cũng không phải do nhu cầu đô la tăng đột biến vì trên thực tế, nhu cầu đô la thường tăng cao vào quí 4 và dịu lại trong quí 1.

Nguyên nhân đầu tiên khiến tỷ giá tăng trở lại là do sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Thông thường, sau mỗi lần NHNN tăng tỷ giá, thị trường sẽ điều chỉnh “quá mức” so với tỷ giá chính thức. Thế nên, để hạn chế và đảo ngược trạng thái điều chỉnh quá mức này, qua đó bảo vệ tỷ giá mới, NHNN phải can thiệp vào thị trường ngoại hối sau khi tăng tỷ giá.

Thế nhưng lần này mặc dù tỷ giá tăng tới 9,3% nhưng NHNN lại không có bất kỳ một nỗ lực can thiệp đáng kể nào. Điều này được thị trường diễn giải là do dự trữ ngoại hối thấp nên NHNN không có khả năng can thiệp để bảo vệ tỷ giá. Thêm vào đó, với trần tỷ giá mới thấp hơn tỷ giá trên thị trường, việc giảm biên độ giao dịch từ 3% xuống 1% không những không giúp tăng tính linh hoạt cho chính sách của NHNN mà còn làm cho tỷ giá chính thức hoàn toàn mất hiệu lực đối với cả thị trường liên ngân hàng cũng như thị trường phi chính thức.

Nguyên nhân thứ hai xuất phát từ tình trạng ba đồng tiền có tính cố hữu của nền kinh tế. Khi tiền đồng mất giá, một cách tự nhiên người ta có xu hướng chuyển sang nắm giữ đô la và vàng. Cũng tự nhiên như thế, khi giá đô la trên thị trường cứ tiếp tục tăng, nhiều người sẽ muốn chuyển sang nắm giữ vàng. Nhu cầu vàng tăng đẩy giá vàng lên cao, từ đó khuyến khích việc nhập vàng (kể cả qua con đường không chính thức). Hai điều này làm tăng thêm nhu cầu đô la và làm xấu thêm tình trạng khan hiếm đô la trên thị trường, và vòng xoáy giá đô la và giá vàng cứ thế tiếp tục leo thang.

Nguyên nhân thứ ba là trong khi giá vàng, giá đô la đua nhau tăng như vậy thì thông tin về những đợt điều chỉnh giá lớn về điện, nước, xăng, dầu, cũng như lo lắng về tình trạng giá lương thực sẽ tăng cứ dồn dập đưa tới. Hệ quả là lạm phát kỳ vọng vốn đã ở mức cao càng trở nên cao thêm, đồng thời người ta cũng nghĩ tới khả năng về một đợt điều chỉnh tỷ giá mới, khiến cho hành vi chuyển sang nắm giữ vàng và đô la càng được tăng cường. Điều này thường được lý giải như là một hiện tượng “tâm lý”.

Tuy nhiên trong trường hợp này, cần thấy rằng tâm lý không tự nhiên sinh ra mà là kết quả của những tính toán duy lý của các tác nhân trên thị trường để phản ứng lại với chính sách của Nhà nước và những diễn biến của thị trường.

Từ những phân tích trên, có thể thấy rằng để ổn định tỷ giá, điều then chốt là NHNN phải làm tăng sự hấp dẫn của tiền đồng một cách tương đối so với vàng và đô la. Điều này chỉ có thể thực hiện được nếu chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng và đô la đủ lớn. Cụ thể là mức chênh lệch này trong ngắn hạn phải lớn hơn mức kỳ vọng giảm giá tiền đồng, còn trong trung và dài hạn phải lớn hơn mức chênh lệch lạm phát giữa Việt Nam và Mỹ.

Từ kinh nghiệm điều chỉnh tỷ giá vừa rồi, chúng ta có thể rút ra một số bài học quan trọng cho công tác điều hành vĩ mô. Thứ nhất, tình hình vĩ mô của ta đã nan giải đến mức việc khôi phục lại sự cân bằng trong bất kỳ một biến số vĩ mô nào đều phải trả một cái giá nhất định. Nói cách khác, Nhà nước sẽ phải chấp nhận đánh đổi giữa các mục tiêu vĩ mô. Ở phạm vi toàn nền kinh tế, sự đánh đổi này trong năm 2011 sẽ là để đạt mục tiêu ổn định vĩ mô, chúng ta phải chấp nhận tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Thứ hai, vì nền kinh tế của chúng ta đã trở nên phức tạp hơn trước rất nhiều nên để chính sách thực sự hiệu quả thì cần phải có sự phối hợp đồng bộ nhiều chính sách chứ không thể hy vọng vào một biện pháp kỹ thuật đơn lẻ làm cứu cánh.

Thứ ba, định hướng chính sách vĩ mô đúng không thôi thì chưa đủ. Năng lực của bộ máy thực thi chính sách, và trên hết, niềm tin của thị trường là những điều kiện then chốt để chính sách vĩ mô đạt được hiệu lực mong muốn. Đến lượt mình, để khôi phục lại niềm tin, Chính phủ cần cung cấp cho thị trường những thông điệp chính sách kịp thời, rõ ràng và nhất quán. Đồng thời, tuyên bố và hành động chính sách cũng phải đi đôi với nhau.

Cuối cùng, cần phải nhấn mạnh rằng những vấn đề tỷ giá cũng như lãi suất, nhập siêu, suy giảm dự trữ, thâm hụt ngân sách... chỉ là biểu hiện bề mặt của những bất hợp lý và mất cân đối có tính cơ cấu trong nội tại nền kinh tế. Cải cách cơ cấu, một lần nữa được thực tế khẳng định là ưu tiên sống còn đối với nền kinh tế Việt Nam.

Cafeland.vn - Theo TBKTSG
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland