21/09/2011 3:02 AM
Hỏi: Nhà và đất của gia đình tôi đang ở của ông bà để lại, nhưng không có giấy tờ. Vừa qua, tôi nộp đơn xin cấp Giấy CNQSDĐ, thì hàng xóm có ý kiến rằng, tường nhà tôi lấn sang đất của họ.

Chúng tôi đã thương lượng vài lần, nhưng không có kết quả. Đề nghị được tư vấn, tôi có thể yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp này không? Trình tự, thủ tục như thế nào? ( Lê văn Khải, Chương Mỹ)



Trả lời:


1. Theo quy định của pháp luật về đất đai, thì tranh chấp đất đai trước hết phải được giải quyết thông qua hoà giải (thủ tục bắt buộc). Nghị định 181/2004/NĐ-CP (ngày 29/10/2004, của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai), quy định về hoà giải tranh chấp đất đai, như sau:


Các bên tranh chấp đất đai phải chủ động gặp gỡ để tự hoà giải, nếu không thoả thuận được thì thông qua hoà giải ở cơ sở để giải quyết tranh chấp đất đai. Trường hợp các bên tranh chấp không hoà giải được thì gửi đơn đến UBND xã, phường, thị trấn (cấp xã) nơi có đất tranh chấp để hoà giải. Việc hoà giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hoà giải thành hoặc hoà giải không thành của UBND xã. Biên bản hoà giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại UBND xã nơi có đất tranh chấp.


Đối với trường hợp hoà giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, chủ sử dụng đất thì UBND xã gửi biên bản hoà giải đến Phòng TN&MT, đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở TN&MT đối với các trường hợp khác. Phòng TN&MT, Sở TN&MT trình UBND cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Điều 159).


2. Trong thư, anh có nêu, nhà và đất của anh không có giấy tờ. Theo quy định tại Nghị định 181/2004/NĐ-CP: Đối với tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không có giấy CNQSDĐ hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai, nếu không hoà giải được tại cấp xã, thì các bên tranh chấp gửi đơn đến UBND cấp huyện hoặc tỉnh (không gửi đơn khởi kiện tới Toà án) để được giải quyết:


- Chủ tịch UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (cấp huyện) giải quyết đối với tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau. Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết của Chủ tịch UBND huyện thì các bên tranh chấp có quyền gửi đơn xin giải quyết tranh chấp đất đai đến Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh); quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của Chủ tịch UBND tỉnh là quyết định giải quyết cuối cùng (khoản 1 Điều 160).


- Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết đối với tranh chấp đất đai giữa tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài với nhau hoặc giữa tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư. Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết của Chủ tịch UBND tỉnh thì các bên tranh chấp có quyền gửi đơn xin giải quyết tranh chấp đất đai đến Bộ TN&MT; quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của Bộ trưởng Bộ TN&MT là quyết định giải quyết cuối cùng (khoản 2 Điều 160).


LS Phạm Ngọc Minh
Công ty Luật TNHH YouMe, Website: youmevietnam.com

Theo Lao Động
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.