Xin Luật sư giải đáp dùm tôi,
Bà Nội của tôi đã mất vào 2002, và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn đứng tên của Nội (bà: Đoàn Thị Sủng). Thời gian gần đây các Cô của tôi (con của Nội) đòi chia thừa kế, nhưng tất cả điều đã có đất ruộng riêng (đã tách sổ) do Nội của tôi đã cho lúc còn sống, còn phần đất còn lại là đất thổ cư, vườn, Nội cho là đất "hương quả" không chia cho ai hết, và đất ruộng của nhà tôi (sổ đỏ: bà Đoàn Thị Sủng). Vì lý do Ba Mẹ tôi sống chung với Nội nên không tách riêng. Từ trước lúc Nội mất đến nay nhà tôi chịu trách nhiệm đóng thuế toàn bộ phần đất này.
Nay xin cho tôi hỏi: Nếu như vậy đất ruộng của nhà tôi có phải chia đều theo pháp luật hay không ? và tôi đưa các biên lai đóng thuế ra thì có hiệu lực gì không ? và đóng thuế bao nhiêu năm thì thuộc quyền sở hữu ?
Chân thành cảm ơn các Anh Chị.
bichhuyenvt@...
Luật sư Lê Văn Huyên – Công ty Luật TNHH Đất Luật trả lời:
Đối với các mảnh đất do Bà Nội của bạn đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì khi Bà Nội của bạn mất mà không để lại di chúc, những mảnh đất sẽ được xem là di sản thừa kế và được chia theo pháp luật. Theo quy định tại Điều 676 Bộ luật Dân sự 2005 thì những người thừa kế theo pháp luật thuộc hàng thừa kế thứ nhất, bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Những người thừa kế cùng hàng sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau.
Việc gia đình bạn chịu trách nhiệm đóng thuế toàn bộ phần đất của Bà Nội bạn không lảm ảnh hưởng đến đối tượng được hưởng thừa kế theo pháp luật và phần di sản thừa kế mà các đối tượng này được hưởng. Tuy nhiên, cần lưu ý là đến nay đã hơn 10 năm kể từ ngày bà Nội bạn mất nên đã hết thời hiệu khởi kiện để yêu cầu chia di sản.