Cập nhật 24/09/2018 8:48 AM
Chán cảnh cầm bút đỏ lật từng tờ, Arjun Singh lập phương pháp chấm và phê bài tự động rồi cung cấp cho 450 trường trên thế giới.

4 nghiên cứu sinh tiến sĩ tại ĐH California, thành phố Berkeley, là những người đồng sáng lập ứng dụng chấm bài dựa trên trí tuệ nhân tạo Gradescope. Nền tảng này giúp giáo viên chấm thi ít stress và nhanh chóng hơn.

Nhà sáng lập kiêm CEO Arjun Singh, 29 tuổi, hiểu rõ sự vất vả của quá trình này. Lúc đang theo chương trình tiến sĩ khoa học máy tính, anh nằm trong nhóm trợ giảng được giao chấm điểm bằng tay hàng trăm bài thi.

"Mặc dù đang dạy một bộ môn của tương lai là trí tuệ nhân tạo (AI), chúng tôi vẫn chấm thi theo cách lạc hậu: ngồi trước bàn với chồng giấy chất đống, lật từng tờ một, cầm bút đỏ, và ăn pizza cầm hơi", nhóm của anh chia sẻ. "Cách đó thường dẫn đến việc chấm không đều tay mà chậm chạp.

Tệ hơn hết, chúng tôi không nắm rõ sinh viên đã học được những gì và họ không thấy lời phê của chúng tôi khai sáng là bao".

Arjun Singh đang theo học tiến sĩ khoa học máy tính ở tuổi 29. Ảnh: Forbes.

Singh và nhóm sáng lập đã nghiên cứu xây dựng phương pháp chấm thi hiệu quả hơn, và thành quả là nền tảng chấm được tự động hóa Gradescope.

Gradescope ra đời với mục tiêu cho phép chấm trực tuyến bài thi từ bất cứ khoảng cách nào. Hệ thống sử dụng barem nhất quán, AI hỗ trợ phân nhóm các câu trả lời tương tự của học sinh.

Theo ý tưởng của công ty, ngoài test, giáo viên còn có thể chấm bài tập về nhà, trắc nghiệm và thậm chí cả đồ án lập trình.

Gradescope cũng cam kết người làm bài nhận kết quả sớm hơn với những lời phê thiết thực. Ngoài ra, giảng viên có thống kê hữu ích về những gì sinh viên đã lĩnh hội. Điều công ty tâm đắc là biến quá trình chấm bài thành học tập cho cả đôi bên.

Mặc dù vậy, để bảo đảm độ uy tín so với việc con người thực hiện, tạm thời họ không áp dụng chấm bài luận. Nhưng theo Singh, điều này có thể thay đổi trong tương lai.

Gradescope tập trung dùng AI đánh giá các câu trả lời gồm chữ số, dòng code hoặc đoạn text ngắn.

Theo Forbes, đến nay việc chấm bài của 10.000 giáo viên cho 300.000 học sinh/sinh viên, tại 450 trường trên thế giới, đã được thực hiện trên nền tảng tự động hóa của Gradescope. Hệ thống ghi nhận 25 triệu trang giấy thi được xử lý.

Hiện tại, 20 cơ sở giáo dục đã đăng ký làm đối tác của startup này. Họ phát biểu: "Chúng tôi tự hào làm việc với các trường, từ cao đẳng cộng đồng nhỏ đến những đại học lớn nhất, và nóng lòng chờ đợi những sự hợp tác sắp tới".

Trong số đối tác hiện tại của Gradescope có những tên tuổi như: ĐH California, Berkeley; ĐH California, San Diego; Học viện Công nghệ Georgia, ĐH New York; ĐH Illinois, Chicago; ĐH Michigan; ĐH Duke...

Đội ngũ được rót vốn 5,3 triệu USD để tiếp tục nâng tốc độ chấm thi lên 10 lần. Ảnh: Gradescope.

Ngoài việc sáng lập viên gốc Ấn Arjun Singh có tên trong danh sách Forbes 30 Under 30 lĩnh vực giáo dục năm 2018, Gradescope còn nhận được tài trợ từ Quỹ khoa học quốc gia Mỹ dành cho các dự án nghiên cứu đổi mới của doanh nghiệp nhỏ, để tiếp tục phát triển sâu hơn hệ thống AI. Họ được kỳ vọng nâng tốc độ chấm bài lên 10 lần.

Kể từ khi ra mắt năm 2014, startup này đã được rót vốn tổng cộng 5,3 triệu USD. Gradescope cung cấp một phiên bản miễn phí cho các nhà giáo dục. Đồng thời, họ tính phí sử dụng những chức năng phân tích được trí tuệ nhân tạo hỗ trợ.

Gradescope là một trong những đơn vị đang ứng dụng thành công AI trong chấm thi nhưng không phải quy mô lớn nhất.

Hồi cuối tháng 5, tờ South China Morning Post (SCMP) từng công bố Trung Quốc thử nghiệm chấm thi bằng trí tuệ nhân tạo tại một phần tư số trường học nước này.

Chính phủ quốc gia đông dân nhất thế giới hết sức ủng hộ phát triển AI trong mọi lĩnh vực đời sống.

Công nghệ áp dụng thử nghiệm được thiết kế có thể hiểu logic thông thường, ý nghĩa một đoạn text và đưa ra những đánh giá phỏng theo tư duy con người về chất lượng tổng thể một bài luận. Chẳng hạn, nếu đoạn văn lạc đề, máy tính biết trừ điểm.

Theo tài liệu chính phủ được SMCP trích dẫn, 60.000 trường và 120 triệu người đã tham gia vào quá trình thử nghiệm đó. Kết quả cho biết AI và con người cho điểm số giống nhau trong 92% trường hợp. Tuy nhiên, cuộc thử nghiệm không nêu chi tiết nội dung và phạm vi các bài test.

Giới khoa học khẳng định công nghệ chỉ bổ trợ chứ không thay thế hoàn toàn nhân lực. Nó giúp thu ngắn thời gian chấm bài cho giáo viên và giảm thiểu những thiếu sót con người như mất tập trung hay thiên vị.

Thêm vào đó, máy móc tạo cơ hội cho học sinh vùng sâu vùng xa tiếp cận nhanh hơn những lời phê, góp ý.

Thanh Tùng (Ngôi sao)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.