Cuốn "Secondhand: Travels in the New Global Garage Sale" của tác giả Adam Minter sẽ đưa độc giả đến với thế giới hàng thùng đa dạng nhưng cũng nhiều những “góc tối”.

Toàn cầu hóa thường gắn liền với các hoạt động kinh tế, sản xuất ở quy mô rộng khắp. Nhưng toàn cầu hóa cũng đang vươn tới nhiều lĩnh vực khác, chẳng hạn như hàng thùng. Trong cuốn Secondhand: Travels in the New Global Garage Sale, dự kiến ra mắt ngày 12/11 tới, tác giả Adam Minter sẽ cho độc giả hiểu thêm về thế giới đồ dùng cũ, điều gì đã xảy ra với chúng sau khi người dùng vứt đi hay quyên góp cho các nơi khác. Minter cũng đã đi khắp Bắc Mỹ, châu Á và châu Phi để khám phá cách các quốc gia đang tái sử dụng những sản phẩm bị thải bỏ.

Theo tác giả, có nhiều điều không như mọi người vẫn nghĩ. Một ví dụ rõ ràng là người dân ở các nước phát triển thường quyên góp sách cũ, quần áo và các mặt hàng khác, từ đồ nội thất đến đồ điện tử cho các tổ chức phi lợi nhuận như Goodwill. Theo như quảng bá thì tại đây, chúng sẽ được bán tới khách hàng để gây quỹ cho các chương trình phi lợi nhuận hoặc từ thiện. Tuy nhiên, có nhiều mặt hàng trong số này lại được đưa tới thị trường đồ cũ bán vào các nước đang phát triển. Minter cho rằng thay vì là hoạt động mang tính từ thiện thì đây là một cơ hội kinh doanh.

Tác giả Minter cho rằng thị trường đồ cũ đang là một cơ hội kinh doanh. Ảnh minh họa: Heraldmailmedia.

Đặc thù văn hóa tại châu Á

Tác giả cũng đã tới khám phá thị trường đồ cũ trị giá hàng tỷ USD ở châu Á, nơi có nhiều nét khác biệt riêng. Minter đã chia sẻ góc nhìn của ông về Nhật Bản, đất nước có tỉ lệ sinh âm trong vài thập kỷ qua. Tại đây, khi nhiều người Nhật cao tuổi qua đời, họ thường bỏ lại những ngôi nhà chứa đầy đồ đạc không dùng tới. Tuy nhiên, họ không còn người thân để sắp xếp hay tìm nơi chốn mới cho những món đồ này. Minter đã viết: “Tại Nhật Bản, những điều đang bị bỏ lại phía sau là một xã hội già cỗi, thuộc hàng nhất nhì thế giới, hàng triệu ngôi nhà chứa đầy tài sản được tích lũy trong những năm bùng nổ kinh tế của Nhật Bản và sự khan hiếm những người thừa kế”.

Từ tình hình này, một dạng thức kinh doanh mới đã được ra đời tại Nhật Bản. Được gọi là shukatsu, họ sẽ giúp những khách hàng không có người thừa kế giải quyết mọi vấn đề trước khi qua đời. Một trong những giải pháp shukatsu đưa ra là tìm kiếm các chuyên gia tư vấn giúp khách hàng quyên góp đồ đạc cá nhân. Theo đó, ngành công nghiệp đồ cũ của Nhật Bản đã mang về 16 tỷ USD trong năm 2016.

Cuốn sách sẽ ra mắt ngày 12/11 tới. Ảnh: Amazon.

Đến với Trung Quốc, Minter lại nhìn thấy một bối cảnh phát triển khác. Trong khi các doanh nhân Trung Quốc đã đưa được ngành công nghiệp đồ cũ lên một tầm cao mới, không chỉ ở châu Á, mà trên toàn cầu thì ngay ở tại Trung Quốc, nơi có nhu cầu tiêu dùng cao, thì hàng thùng không quá được ưa chuộng. Ngay cả những nước như Singapore, nơi có nhiều người gốc Hoa nhưng lại giống Nhật Bản ở tình trạng mức sống tăng lên còn tỷ lệ sinh giảm mạnh, thì đồ cũ cũng không mấy được ưa chuộng. Minter đã trích lời một người bán sách cũ tại Singapore: “Trong văn hóa Trung Quốc, sẽ khá xấu hổ nếu bạn sử dụng đồ cũ. Điều đó mang nghĩa bạn đã không làm việc đủ tốt. Và vào Tết Nguyên đán, tất cả đều dùng quần áo mới”.

Sự xâm nhập của dệt may Trung Quốc

Khi đến thăm Nogales, Mexico, phía nam biên giới với Arizona, Mỹ, tác giả đã trò chuyện với các thương nhân địa phương ở chợ đồ cũ, nơi cũng đang bán thêm các mặt hàng mới có giá rẻ. Theo một thương gia người Mexico, đồ dùng mới đang đánh bật đồ cũ.

Chợ ở Nogales nay có bán rất nhiều sản phẩm mới. Ảnh: Arizona-leisure.

Phiên chợ ở Nogales hiện có rất nhiều quần áo mới từ Trung Quốc, thường rẻ hơn nhưng chất lượng thấp hơn quần áo xịn đã qua sử dụng. Nhận định về điều này, tác giả cho rằng vấn đề xuất phát từ các doanh nghiệp may mặc phương Tây khi họ tìm đến Trung Quốc và chỉ muốn tốn ít chi phí trong sản xuất. Ông đã viết: “Ngành may mặc Trung Quốc chỉ sản xuất theo tiêu chuẩn mà các công ty nước ngoài, đang tìm kiếm các nhà máy giá rẻ, đưa ra.”.

Tại lục địa đen, tác giả cũng nhận thấy sức ảnh hưởng đáng kể của các doanh nhân Trung Quốc. Tại đây, họ bán quần áo truyền thống cho các quốc gia như Ghana với chi phí thấp hơn so với các nhà may và nhà sản xuất địa phương. Trung Quốc là nước xuất khẩu quần áo mới lớn nhất thế giới, và là nhà xuất khẩu quần áo đã qua sử dụng lớn thứ năm toàn cầu. Nhưng Minter cho rằng con số thực tế có thể cao hơn nhiều do dữ liệu xuất khẩu của Trung Quốc thường có sai lệch hoặc phần nào bị bỏ qua do hoạt động buôn lậu.

Nhiều nhà may địa phương có thể sẽ gặp khó khi cạnh tranh. Ảnh: Bloomberg.

Và ở châu Phi, các doanh nhân Trung Quốc cũng chưa đáp ứng đúng yêu cầu của người dân. Người châu Phi không muốn quần áo giá rẻ và chất lượng thấp. Vì vậy, nếu họ có sự lựa chọn giữa hàng mới của Trung Quốc hoặc các mặt hàng đã qua sử dụng có chất lượng tốt hơn, thì họ sẽ chọn vế sau.

Tác giả cũng giải thích rằng người dân châu Phi đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận hàng hóa đã qua sử dụng. Ở đây đang thực thi các đạo luật bảo vệ các nước đang phát triển khỏi những chất thải nguy hại từ thế giới phát triển và điều đó đã ngăn chặn dòng chảy tự do của nhiều mặt hàng cũ như màn hình máy tính hay TV. Đây là những đồ dùng cần cho đời sống hàng ngày nhưng lại được phân loại là chất thải nguy hại. Và cho đến khi các luật này thay đổi, hàng loạt thiết bị điện tử đã qua sử dụng sẽ khó có thể đến các thị trường mà người địa phương cũng muốn sử dụng như châu Phi.

Chia sẻ về thị trường hàng thùng trong tương lai, tác giả Minter khẳng định: “Mọi người sẽ tìm thấy một thế giới đầy những điều ngạc nhiên, nơi những gì đã cũ sẽ trở nên mới mẻ và vòng xoay đó sẽ còn lặp đi lặp lại. Mong muốn kiếm được lợi nhuận từ ngành công nghiệp này cũng đang và sẽ tiếp diễn trên toàn thế giới ở mọi lúc, mọi nơi. Khám phá thế giới đồ cũ là một cuộc săn tìm kho báu và rộng mở để bất cứ ai cũng có thể tham gia”.

Minh Hoa (ZN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.