Cập nhật 11/07/2015 11:10 AM
Từ một cán bộ xã có thu nhập ổn định, ông Trần Văn Chức (53 tuổi, trú tại thôn Phú Đa 1, xã Duy Thu, H.Duy Xuyên, Quảng Nam) quyết định từ quan để theo đuổi đam mê - nuôi chim trĩ.

Ông Chức chăm sóc đàn chim trĩ của mình - Ảnh: Mạnh Cường

“Treo ấn”...

Từ năm 1988 đến năm 1991, ông Trần Văn Chức được người dân tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Nông dân xã Duy Thu. Sau 10 năm giữ chức này, ông được chuyển qua vị trí Chủ tịch Uỷ ban MTTQ xã.

Ông Chức cho biết, ngày làm chủ tịch hội nông dân xã, thấy quê mình còn gặp nhiều khó khăn, ông đã tiên phong tìm nhiều loại cây đưa về địa phương trồng. Nghe tin ở đâu có loại cây nào đem lại kinh tế cao, ông Chức liền lên đường tìm hiểu.

Từ bắc chí nam, nơi nào ông cũng đặt chân đến miễn sao học tập được mô hình hay để đem về áp dụng, giúp bà con thoát nghèo.

Cũng vì đau đáu mở lối làm ăn mới nên ông Chức đã tham gia học chuyên ngành kinh tế nông nghiệp (ĐH Kinh tế Huế) và tốt nghiệp vào năm 2014.

Trước khi bảo vệ luận văn tốt nghiệp, ở nhà ông Chức có nuôi 2 con chim trĩ mái và 1 con trống nhưng chỉ để làm cảnh chứ chưa bao giờ ông nghĩ đến chim trĩ sẽ mang lại hiệu quả kinh tế.

Thật trùng hợp trong luận văn tốt nghiệp của mình, ông Chức được yêu cầu thực hiện đề tài nghiên cứu “Hiệu quả kinh tế mô hình nuôi chim trĩ đỏ khoang cổ trong điều kiện nuôi nhốt tại Quảng Nam”. Trong thời gian tìm hiểu về chim trĩ để phục vụ thi cử, một người bạn ở miền bắc đã gửi cho ông gần 200 quả trứng chim trĩ. Trong khi chưa có lò ấp, ông Chức đã tự thiết kế lò ấp riêng với tỉ lệ nở đạt 70%. Từ số trứng ban đầu đã nở được 130 con.

Tốt nghiệp, cầm tấm bằng khá trên tay, ông quyết tâm áp dụng việc nuôi chim trĩ vào thực tiễn để làm kinh tế. Từ 3 con chim làm cảnh, ông đã nhân lên hàng chục rồi đến hàng trăm con. Hiện nay, trại giống của ông có khoảng 50 con chim trĩ đang sinh sản và gần 1.000 chim con chuẩn bị xuất ra thị trường.

Không chỉ khiến người dân địa phương bất ngờ vì tốt nghiệp đại học ở cái tuổi ngoài “ngũ tuần”, tháng 4 vừa qua, ông Chức còn khiến người dân ngạc nhiên hơn khi viết đơn xin nghỉ hưu trước… 7 năm. Thời điểm đó, dư luận xôn xao, có người bảo rằng thời buổi bây giờ có tiền cũng không mua được chức quyền, sao tự dưng ông Chức lại xin nghỉ. Ông chỉ cười hiền “đơn đã viết, cấp trên đã duyệt, mình về nhà để chăm lo phát triển đàn chim trĩ”.

“Nhiều người nói với tôi rằng, ở cấp xã những người có bằng đại học thì con đường “làm quan” rất rộng mở. Nhưng với tôi, nuôi chim trĩ là niềm đam mê không có chức quan nào ngăn cản được. Lớp trẻ bây giờ được học hành đến nơi đến chốn, mình nghỉ để lớp trẻ làm, chứ mãi ôm lấy cái ghế ấy không chịu nhả ra thì lớp trẻ lấy đâu ra cơ hội để góp sức cho quê hương”, ông trải lòng.

Trở thành triệu phú

Nay không vướng bận chốn quan trường, mỗi ngày ông Chức đều dốc sức dành cho trang trại chim trĩ của mình. Ông cho biết, về chế độ ăn, mỗi con chim trĩ chỉ tốn khoảng 1/3 thức ăn so với gà. Nếu cho chim ăn bắp và côn trùng thì trứng sẽ to và dày hơn, không gây mùi hôi và chim kháng bệnh tốt.

Đặc biệt chất lượng thịt vượt hẳn so với gà. Bên cạnh đó, xét về sức sinh sản, một con chim trĩ có thể đẻ 200-300 trứng/năm. “Loài chim này nếu cho ăn tốt, chúng sẽ đẻ trứng quanh năm chứ không phải theo từng chu kỳ. Khi chim để, tôi thu gom lại và cho vào lò ấp để đảm bảo trứng nở đều”, ông Chức cho hay, thị trường cung cấp chính của ông là bà con nông dân muốn thử nghiệm mô hình này.

Đa số bạn hàng thường đến tận nhà ông để đặt mua. Hiện với 50 con chim trĩ bố mẹ, tính ra mỗi năm ông thu lãi gần 200 triệu đồng.

Để giúp người dân ở địa phương phát triển mô hình nuôi chim trĩ, ông Chức giúp đỡ bằng cách: ai mua một con, ông tặng thêm cho một con. Giá chim trĩ ông cung cấp cũng rất “hữu nghị” so với nơi khác với mức 50.000 đồng/con (thấp hơn 35% so với giá chung trên thị trường). Ngoài ra ông còn hướng dẫn tận tình kỹ thuật chăn nuôi cho những ai có nhu cầu. Mới đây, ông Chức cho lai tạo giống giữa chim trĩ và gà nhưng chưa thành công. Sắp tới, ông sẽ lai tạo chim trĩ trắng và chim trĩ đỏ. Nếu thành công thì sẽ cho ra giống chim trĩ có nhiều màu sắc đẹp, phù hợp với nuôi làm cảnh.

Bà Đoàn Thị Nguyệt (50 tuổi, vợ ông Chức) cho hay: “Khi ông ấy mới nuôi chim trĩ, tui phản đối dữ lắm vì mất thời gian mà không biết kết quả sẽ ra sao. Nhưng giờ thì mê rồi. Giống chim này dễ nuôi, chăm sóc ít nhưng hiệu quả kinh tế cao”.

Hiện ông Chức đang ấp ủ dự định chuyển chim trĩ ra thị trường lớn thông qua xuất bán chim thương phẩm. Theo đó, ông sẽ nhân giống và lập trang trại rộng hơn với khoảng 1.000 con bố mẹ.

Mạnh Cường (Thanh niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.