Cập nhật 16/12/2015 3:43 PM
Tốt nghiệp đại học Cambridge chuyên ngành kinh tế, sau đó theo học thạc sĩ tại đại học Stanford, Trần Việt Hưng không chọn làm việc tại các ngân hàng, mà lại hướng tới một con đường rất khác: Giáo dục.
Về nước vì trong nước … dễ xin việc hơn
Sinh năm 1985, Trần Việt Hưng có vẻ ngoài khá trẻ so với tuổi. Nếu chỉ nhìn thoáng qua, ít ai ngờ được Hưng là một người có lý lịch học tập khá “kinh khủng”: Tốt nghiệp đại học Cambridge chuyên ngành kinh tế, sau đó nhận tiếp học bổng toàn phần trị giá 2,3 tỷ cho khóa học thạc sỹ Chính sách Quốc tế tại đại học Stanford. Anh cũng là người trẻ nhất Việt Nam đỗ tất cả các kỳ thi cho chứng chỉ CFA (phân tích tài chính) và FRM (Quản trị rủi ro).
Sở hữu một lý lịch hoàn hảo như vậy, Hưng cũng thường bị người khác hỏi: “giỏi như thế sao không ở lại nước ngoài làm việc mà lại về Việt Nam?”
“Đó là bởi tôi tốt nghiệp năm 2009, trùng với thời điểm khủng hoảng kinh tế nên cơ hội việc làm ở Mỹ là vô cùng khó khăn. Trong khi đó, ở Việt Nam cơ hội cho những người như tôi cao hơn nhiều”, anh trả lời
Câu trả lời thẳng thắn của Hưng, cho thấy quan điểm rõ ràng của anh: Không phải Mỹ hay Việt Nam, mà phải lựa chọn những thị trường tiềm năng nhất để đầu tư. Thị trường tài chính Việt Nam thời điểm đó đang bùng nổ, trong khi cơ hội tại Mỹ thì nhỏ hơn rất nhiều.
Về nước, anh nhanh chóng xin được việc tại ngân hàng và sau đó là làm giám đốc tài chính cho một công ty khởi nghiệp tại Việt Nam.
Tới giữa năm 2015, Hưng quyết định chuyển từ tài chính sang lĩnh vực khác: Giáo dục.
Trước khi tự mở một trung tâm tiếng Anh, Hưng đã có thời gian dài giảng dạy CFA, một chứng chỉ phân tích tài chính rất được giới ngân hàng và chứng khoán coi trọng. Sau đó, anh cũng tham gia giảng dạy một số chứng chỉ tiếng Anh khác như SAT cho các trung tâm tiếng Anh.
“Đó cũng là lúc tôi nhận ra mình thích hợp hơn với nghề giảng dạy chứ không phải là một chuyên viên ngân hàng”, anh chia sẻ.
Mặc dù vậy, cũng giống như lựa chọn về nước, cãi lõi của một người làm kinh tế giúp Hưng đưa ra hướng đi mới lạ, đó là tìm kiếm, tập trung vào khai thác thị trường mà các trung tâm tiếng Anh hiện nay chưa hướng tới.
Startup: Cung khó, cầu khó, người làm cũng khó
7Astar – Startup do Hưng mở ra không dạy các chứng chỉ thông thường như TOEFL, IELTS hay SAT. Anh cho rằng, những chứng chỉ thông dụng như vậy đã quá có nhiều trung tâm giảng dạy, và rất khó để tạo nên sự khác biệt.
“Các trung tâm tiếng Anh ngày nay hầu như là giáo dục ngôn ngữ đại trà, có sự tương đồng về chất lượng giảng dạy. Một giáo viên có thể đi giảng dạy qua lại ở vài trung tâm khác nhau. Vì thế, sự khác biệt ở đây không phải ở chất lượng, mà phụ thuộc vào khả năng quảng cáo và địa điểm học của trung tâm đó”, anh cho biết.
Thay vào đó, anh chọn đi theo con đường khác: Khai thác thị trường chưa ai khai thác, tập trung vào những chứng chỉ, môn học tiếng Anh mà ở Việt Nam không có ai dạy. Nhìn vào những chứng chỉ mà trung tâm của Hưng đang dạy, trừ ACT (chứng chỉ giống với SAT), có thể thấy toàn những chứng chỉ lạ tai như SAT II hay chương trình AP.
Đặc điểm chung của những chứng chỉ này đó là không dừng lại ở học ngôn ngữ nữa, mà tập trung vào các lĩnh vực chuyên môn có độ khó cao hơn rất nhiều. Chẳng hạn, AP là chương trình bao gồm 20 môn học theo chuẩn các trường Trung học Mỹ như thống kê, kinh tế vĩ mô, kinh tế vi mô, văn học Mỹ, chính trị,… Điểm lợi của việc theo học chương trình AP đó là nếu học sinh thi đạt 4/5 điểm trong kỳ thi môn (được tổ chức tại các trường quốc tế ở Việt Nam), họ sẽ được miễn môn học khi học tại đại học Mỹ.
Nhưng kỳ thi theo chương trình AP chỉ tổ chức mỗi năm 1 lần theo đúng học kỳ của trường trung học. Ví dụ một học kỳ kéo dài 30 tuần, thì 30 tuần đó học sinh phải đi học đều đặn mỗi tuần 1 buổi 3 tiếng, cộng với ngày đi thi sức ép căng thẳng. Để theo đuổi được cả khóa học, cả học sinh lẫn giáo viên đều phải có sự kiên trì cực cao.
Dễ thấy, lĩnh vực mà starup của anh Hưng đã chọn sẽ gặp 2 vấn đề rất lớn: Quy mô thị trường nhỏ (không nhiều học sinh đủ giỏi tiếng Anh và thời gian để theo học) và rất khó để tìm kiếm giảng viên. Chẳng hạn, với môn văn học Mỹ hay chính trị, không dễ để tìm được một người phù hợp.
“Về quy mô thị trường, tôi tin xu thế sẽ tăng dần lên khi các gia đình có điều kiện đều muốn cho con đi du học Mỹ. Và đã học thì lại muốn chọn trường tốt. Quan điểm của người Việt Nam về việc đi du học sẽ sớm thay đổi trong tương lai. Tất nhiên, việc thay đổi phải theo đơn vị năm chứ không phải đơn vị tháng. Đó cũng là lý do khi mở startup này ra, tôi đặt mục tiêu cho mình là 5 năm không có lợi nhuận”, anh Hưng chia sẻ.
Trong lĩnh vực tài chính, đầu tư 5 năm được xem là đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, trong lĩnh vực giáo dục thì chưa chắc. Với startup của Hưng, không dễ để tìm kiếm những học sinh đủ trình độ theo học. Thị trường hiện tại của anh chỉ gói gọn trong một số trường top ở Hà Nội như Hà Nội Armsterdam, chuyên ngữ hay tổng hợp. Đây là những học sinh đã có khả năng tiếng Anh rất tốt, đang chuẩn bị hồ sơ nộp tới các trường trong top ở Mỹ hay Anh. Thị trường này sẽ được mở rộng ra khi anh tiếp cận thành phố Hồ Chí Minh vào năm sau.
Tìm kiếm giảng viên đạt yêu cầu, có thể giảng dạy những môn học trên cũng là một công việc khó khăn. Hiện tại, 7Astar đã xây dựng được đội ngũ khoảng 50 giảng viên giảng dạy, trong đó có một nửa số giảng viên tốt nghiệp tại các trường đại học danh tiếng như Oxford, Cambridge, LSE hay Stanford. Những giảng viên này đều có đặc điểm chung là đang làm việc tại các ngân hàng, viện nghiên cứu, tự kinh doanh và giảng dạy chỉ là công việc theo sở thích của họ.
“Họ có đầy đủ kiến thức chuyên môn, đã kinh qua các chương trình đào tạo tại Mỹ hoặc Anh quốc, hiểu rõ những vấn đề mà học sinh mắc phải. Bên cạnh đó, họ cũng mong muốn truyền tải những kiến thức của mình cho thế hệ sau. Trong quan điểm của tôi, đó là những giảng viên phù hợp nhất”, anh Hưng cho biết.
Để đảm bảo các giảng viên “đạt chuẩn”, ngoài vấn đề bằng cấp, các giảng viên cũng phải đi thi thật để hiểu rõ cảm giác của thí sinh trong phòng thi và chứng minh cho học sinh thấy mình có thể giảng dạy môn học này.
Bù lại, áp lực cạnh tranh đối với startup của anh Hưng là không nhiều. Lý do đơn giản đó là thị trường vẫn còn quá nhỏ. Chuỗi 20 môn học theo chương trình AP kể trên, rất khó để xây dựng, chưa kể giáo trình giảng dạy, quản trị chất lượng giáo viên,… cũng rất tốn công sức.
“Cung khó, cầu khó thì không có người làm là dễ hiểu thôi”, anh Hưng cười nói.
Khó, nhưng Hưng tin rằng, sớm hay muộn, giáo dục cũng sẽ có tầm nhìn dài hạn hơn. Trong khoảng vài năm trở lại đây, những startup về giáo dục đã bắt đầu được quan tâm mạnh mẽ.
Có thể kể tới những cái tên nổi tiếng như giáo dục online Topica, tư vấn du học Summit, GPA, hay mô hình rất thành công của Yola. Sau thành công của startup giáo dục Yola, việc kêu gọi đầu tư vào giáo dục cũng không còn quá khó. Các nhà đầu tư đã bắt đầu nhìn nhận vấn đề giáo dục một cách nghiêm túc hơn.
Mặc dù vậy, việc 7Astar có chọn đúng điểm rơi của thị trường hay không lại là một chuyện khác. Rủi ro mất sạch vốn và đóng cửa trước khi thị trường kịp thay đổi vẫn có thể xảy ra.
“Rủi ro luôn song hành với cơ hội, đặc biệt là với người làm Startup. Quan trọng là mình tinh tưởng chấp nhận thử thách đó”, Hưng chia sẻ.
Trang Lam (Trí thức trẻ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu Việt Nam. Cung cấp thông tin bất động sản, thông tin mới nhất thị trường nhà đất và mua bán nhà đất tại Việt Nam. Network CafeLand gồm có: CafeLand Nhà Đất, CafeLand TV, CafeLand Map, CafeLand Proptech….