Nhà khoa học kinh doanh
Một ngày cuối năm 2011, Ngô Đắc Thuần tới thăm gia đình anh Lưu Văn Thái, là Giám đốc của Tâm Thảo sau này, tại nhà hàng Lá Tía Tô. Ban đầu nhà hàng bán đồ ăn mặn, sau mới chuyển sang đồ ăn chay, nhưng nguyên liệu không thể thiếu lá tía tô, đúng như tên gọi của nhà hàng.
Sau chuyến thăm này, anh Thuần chợt nảy ra ý tưởng kinh doanh trà tía tô. "Không chỉ là nguyên liệu làm ra những món ăn được nhiều người ưa thích, lá tía tô còn có công dụng chữa bệnh cảm, ho, sốt, dị ứng, đầy hơi, không tiêu...
Tôi và anh Thái đã kết hợp với TS. Ngô Đại Nghiệp, Phó Khoa Sinh Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM, đưa lá tía tô vào nghiên cứu tại Khoa", anh Thuần nhớ lại.
Trước khi trở thành doanh nhân, Ngô Đắc Thuần đã là nhà khoa học với nhiều sáng chế mang tính ứng dụng và thương mại cao như: hộp số tự động ly hợp kép 16 cấp số tiến, 8 cấp số lùi dùng cho ngành giao thông vận tải; thiết bị khóa điện tử chống trộm và định vị bằng USB; hệ thống phần mềm giám sát và cảnh báo tàu thuyền Việt Nam khi đánh bắt cá trên Biển Đông...
Là nhà khoa học nên sự chính xác luôn được anh đặt lên hàng đầu, hơn nữa, ngay từ đầu, anh đã xác định mục đích là sản xuất những sản phẩm có thành phần 100% thảo dược từ thiên nhiên.
Chính vì vậy, nguyên liệu đầu vào được kiểm tra rất khắt khe. Để bảo đảm vấn đề này, anh và những người nông dân cùng cam kết không bón phân vô cơ.
Mặt khác, sau khi nghiên cứu, anh còn mang sản phẩm đi xét nghiệm và kiểm định vi sinh, nồng độ kim loại nặng, protein cũng như các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm của Bộ Y tế... Tháng 6/2012, anh chính thức thành lập công ty và đưa sản phẩm ra thị trường.
Tuy nhiên, do trà tía tô còn khá lạ lẫm, lại không thể nào cạnh tranh nổi với các loại trà mộc, trà hương sen, hương lài mà người dân trong Nam vẫn quen uống hằng ngày nên anh không tránh khỏi nhận "trái đắng".
Thời điểm đó, chỉ duy nhất một nơi có thể tiêu thụ trà tía tô là nhà hàng chay Lá Tía Tô của gia đình anh Thái. Vì khách hàng chỉ quen với tía tô trong các món ăn nên ban đầu anh và các cộng sự phải ra sức thuyết phục và mời uống miễn phí để họ làm quen với loại trà mới lạ này.
Quyết tâm biến "trái đắng" thành quả ngọt, tháng 10 năm đó, Ngô Đắc Thuần quyết định khai thác thị trường miền Tây vốn gần gũi và rộng lớn. Với chủ trương "cho trước nhận sau", trà tía tô lúc đó được phân phát cho người dân ở các tỉnh, thành như Trà Vinh, An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Bến Tre... uống miễn phí.
"Muốn người dân chấp nhận thì trước hết phải để họ cảm nhận được sản phẩm của mình bằng cách cho họ dùng trước", anh Thuần chia sẻ.
Tìm đường "Bắc tiến"
Ròng rã sáu tháng trời, tiêu tốn không ít kinh phí, cuối cùng trà tía tô của Tâm Thảo vẫn chưa được thị trường miền Tây chấp nhận. Đến lúc vốn liếng (chủ yếu là đi vay) gần cạn mà việc phát triển thị trường ở miền Tây vẫn không đem lại kết quả, Ngô Đắc Thuần mới nhận ra mình đã đi sai đường.
Anh cho biết: "Trà tía tô phải uống nóng mới phát huy tác dụng chữa bệnh vì khi pha với nước nóng, tinh dầu từ lá tía tô mới tiết ra nhiều. Trong khi đó, thị trường miền Tây không quen uống trà nóng, mà chủ yếu là uống trà đá. Chỉ có thị trường miền Bắc, nơi có khí hậu lạnh mới thích hợp với loại trà này".
Đang phân vân tìm đường đưa sản phẩm ra Bắc thì Ngô Đắc Thuần được mời dự khai trương cửa hàng chuyên bán thực phẩm cho những người yêu thích ẩm thực Nga tại Sài Gòn.
Mang theo trà tía tô làm quà, anh không ngờ sau khi thưởng thức, chủ cửa hàng thấy thích và nhận phân phối trà tía tô cho hệ thống quán chay Bồ Đề Tâm tại Hà Nội.
Sau một thời gian ngắn, ngoài Hà Nội, trà tía tô còn có mặt tại Hải Dương, Bắc Ninh. Ở trong Nam, sau một thời gian chinh phục, trà tía tô của Tâm Thảo cũng đã vào được các siêu thị Maximark, Lottemart, Big C...
"Mong ước của tôi là sản phẩm có thể xuất khẩu, đặc biệt là Nhật Bản. Trong những món ăn hằng ngày, người Nhật Bản sử dụng lá tía tô rất nhiều. Hơn nữa, người Nhật rất thích uống trà. Chỉ khi nào chinh phục được những thị trường lớn như vậy thì Công ty mới có lãi", Ngô Đắc Thuần thổ lộ.
Hiện tại, Tâm Thảo không chỉ có trà tía tô mà đã có thêm 4 loại trà cũng được điều chế từ các loại thảo dược như: lược vàng, lá sen, chùm ngây, bạc hà... Dù rất muốn phát triển marketing để sản phẩm đến được với đông đảo khách hàng nhưng do thiếu vốn nên anh Thuần vẫn đang dùng giải pháp truyền miệng.
"Truyền miệng là một dạng truyền thông mang lại hiệu quả rất tốt cho những sản phẩm có chất lượng cao. Tôi tin sản phẩm của mình có thể đến với khách hàng bằng con đường này", anh Thuần tỏ vẻ tự tin.
-
Tía tô đỏ gieo ước mơ xanh
30/10/2013 9:50 PMDù thị phần còn khá hạn hẹp nhưng với Ngô Đắc Thuần, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Phó giám đốc Công ty TNHH Tâm Thảo, nơi sản xuất trà thảo dược túi lọc, giấc mơ làm giàu chưa bao giờ tàn lụi, bởi anh tin mình đã đi đúng đường.
-
Kinh doanh trên... mái nhà
28/09/2013 9:14 AMNgười dân ngày càng quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là ở các thành phố lớn, nơi thường xuyên đối mặt với thực phẩm "bẩn", được tẩm ướp các loại hóa chất độc hại để đánh lừa người tiêu dùng.
-
“Sinh vật lạ” trong mì ăn liền là tin đồn vô căn cứ
27/09/2013 10:00 AMHết thông tin phát hiện giun sán, đỉa trong các sản phẩm bim bim, sữa bột… thì thời gian gần đây, người tiêu dùng cả nước lại thêm rùng mình trước phản ánh về việc có “sinh vật lạ” trong một số sản phẩm mì ăn liền. Tuy nhiên qua xác minh, đây chỉ là những tin đồn thiếu căn cứ.