Cập nhật 19/11/2014 2:35 PM
Hãy tạm quên đi những câu chuyện thành công của startup trời Tây và nhìn vào thực tế rằng, khởi nghiệp Việt muốn thành công cần phải học cách sống sót và tồn tại trước khi nghĩ đến những điều to tát hơn.

Kỹ năng “sống sót” của startup cũng chính là một chủ đề thú vị được anh Phạm Minh Tuấn - Chủ tịch HĐQT của TOPICA Education Group chia sẻ trong sự kiện Hatch Fair 2014 tổ chức ngày 15/11 vừa qua. Trong bài chia sẻ của mình, anh Tuấn đã nêu ra điểm khác nhau giữa những CEO thành công tại Việt Nam và CEO thành công tại nước ngoài để thấy được sự khác nhau giữa hai môi trường khởi nghiệp.

Theo đó, đa phần những CEO đã thành công ở Việt Nam đều có độ tuổi trung bình khá lớn, đã từng làm việc cho một vài công ty, một số đã có thời gian du học nước ngoài và hầu hết đều rất kiên trì cũng như quyết tâm cao độ khi làm startup.

Khởi nghiệp - không chỉ là tài năng

Đối với một số môi trường khởi nghiệp phát triển, tài năng luôn luôn được coi trọng và có cơ hội rất lớn để gặt hái được thành công, thậm chí khi tuổi đời còn rất trẻ. Có thể nhìn vào những trường hợp điển hình như Nick D’Aloisio - Founder của ứng dụng Summly, Mark Zuckerberg, Michael Dell, Bill Gates, Blake Ross - Founder Firefox v.v..Và theo thống kê của trang tin TechCrunch, có đến 11% những CEO công nghệ thành đạt tại Mỹ đã gặt hái được thành công khi họ chưa bước qua tuổi 24.

Tại Việt Nam, hầu hết những CEO đã thành công (sản phẩm có hàng triệu người sử dụng, phát triển trên 5 năm, đã gọi vốn thành công serie A, serie B hoặc đã exit) đều có tuổi đời từ 29 cho đến ngoài 30 tuổi, theo giải thích của anh Tuấn, đây là lứa tuổi đã đạt độ chín trong sự nghiệp cả về chuyên môn lẫn kinh nghiệm làm việc. Những startup có CEO trẻ tuổi tại nước ta hầu như vẫn chưa tạo được dấu ấn cho riêng mình và gặp rất nhiều khó khăn để đưa doanh nghiệp phát triển.

Có thể thấy, tài năng vẫn chưa phải là yếu tố tiên quyết để mang đến thành công cho những doanh nghiệp khởi nghiệp. Hơn hết, trong một môi trường đặc thù như ở nước ta, những CEO và Founder cần phải trang bị những kinh nghiệm mà chỉ có được thông qua quá trình làm việc thực tế như điều hành công ty, tạo dựng các mối quan hệ, xây dựng nguồn lực, vấn đề pháp lý, xử lý khủng hoảng v.v..vì đây chính là những vấn đề đã làm chùn bước rất nhiều startup trẻ mặc dù họ có tài năng cũng như có sản phẩm rất tốt.

"Sống sót" mới là kỹ năng cần thiết hàng đầu.

Hai tấm gương có thể nói là điển hình của những khởi nghiệp trẻ thành công đó là Flappy Bird và Appvl. Nếu như Flappy Bird vẫn còn gượng dậy được với sản phẩm Swing Copters sau khi bị dư luận “vùi dập” thì Appvl có vẻ không được may mắn như vậy khi vướng vào vấn đề pháp lý. Môi trường khởi nghiệp tại Việt Nam đang đặt ra những rào cản buộc những CEO, founder muốn thành công cần phải kinh nghiệm hơn, dày dặn hơn và “sành sỏi” hơn. Đó chính là những điều mà Startup cần phải biết hay nói cách khác đó chính là kỹ năng “sống sót” giúp startup tồn tại qua cơn sóng gió trước khi nghĩ đến những kế hoạch phát triển trong tương lai.

Nên khởi nghiệp thế nào?

Sẽ không có câu trả lời đúng cho mọi trường hợp rằng, thời điểm nào thích hợp để khởi nghiệp? Tuy nhiên, những bạn trẻ đang nung nấu ý định startup nên trang bị cho mình những kinh nghiệm thực tế bằng cách làm việc cho những doanh nghiệp hoặc những công ty khởi nghiệp cùng lĩnh vực trong khoảng 3 - 5 năm. Sau khoảng thời gian này, kinh nghiệm có được cộng với ý chí khởi nghiệp của từng cá nhân sẽ quyết định chính xác đâu thời điểm khởi nghiệp phù hợp nhất.

Mặt khác, nếu 3 - 5 năm là khoảng thời gian quá dài thì quyết định khởi nghiệp ngay bây giờ cũng không phải là một quyết định thiếu sáng suốt, nếu như đã hội đủ những yếu tố cần thiết và một quyết tâm cao độ thì những Founder trẻ tuổi nên bắt đầu sự nghiệp của mình càng sớm càng tốt. Ngoài ra, không nên đặt cược quá nhiều vào những lần khởi nghiệp đầu tiên mà thay vào đó hãy chuẩn bị sẵn tâm lý đón nhận thất bại. Tuy điều này không hề dễ chịu nhưng nó sẽ mang lại những bài học quý báu cho những lần khởi nghiệp sau giống như một câu nói của cố CEO Steve Jobs: “Stay Hungry, Stay Foolish” (hãy cứ khao khát, hãy cứ sai lầm).

Một yếu tố khác có thể đảm bảo cho sự “sống sót” của một doanh nghiệp đó là tìm cho mình một quỹ đầu tư. Ngoài sự hỗ trợ về vốn, những quỹ đầu tư này còn có thể hỗ trợ rất nhiều yếu tố khác về kinh nghiệm điều hành, pháp lý, các mối quan hệ v.v..khi đây cũng chính là điều mà mọi công ty khởi nghiệp đều thiếu.

Cuối cùng, có một giả thuyết được đặt ra: Nếu như Nguyễn Hà Đông của Flappy Bird hay Võ Thanh Quảng của Appvl thành công muộn hơn, hoặc họ sớm tìm được cho mình những nhà đầu tư thích hợp thì câu chuyện có lẽ đã thay đổi.

T.H (ICTNews)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.