Tại buổi hội thảo “Lắng nghe trực giác và những quyết định sống còn trong kinh doanh” do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.HCM, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC) và Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM (YBA) phối hợp tổ chức, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen, đã chia sẻ những trải nghiệm trên thương trường của ông và những điều ông chia sẻ đã khiến nhiều người bất ngờ...
Khởi nghiệp đúng đắn
|
Năm 1994, tôi mới ra làm ăn và mãi đến năm 2001 mới chính thức lập công ty. Khởi đầu, Hoa Sen xây dựng hệ thống phân phối chi tiết..., nhưng bước vào cuộc mới biết phải chấp nhận bán “thiếu”, bán gối đầu thì sản phẩm mới ra được thị trường.
Như vậy cũng có nghĩa rủi ro mất vốn là rất cao. Do đó, tôi đặt ra tiêu chí trung thực cho mình: phải kinh doanh đúng thì mới mong đối tác cũng đúng. Cái tâm cũng có những tần số tương ứng, sẽ giúp mình nhìn ra tâm của người cộng sự, chọn đúng người mà kết hợp.
Thế nên, trong chọn lựa đối tác, tôi nhìn người bằng trực giác. Và càng trải nghiệm nhiều, trực giác càng chính xác.
Trong khởi nghiệp, việc hình thành đội ngũ là rất quan trọng. Ai cũng đòi hỏi sự hoàn hảo, nhưng thực tế không có ai là người hoàn hảo. Giải pháp tốt nhất là lựa chọn người phù hợp nhất với đòi hỏi của công việc.
Cũng cần lưu ý với các bạn trẻ rằng, muốn thành công trong khởi nghiệp, tìm được đội ngũ trung thực thì bản thân mình cũng phải trung thực.
Quay trở lại định nghĩa ban đầu, rõ ràng vẫn cần xây dựng cho mình một cái tâm trong sáng trước khi bước vào chốn thương trường. Vì xuất phát không đúng cũng rất khó trở lại bước khởi đầu.
Xem lại mục đích kinh doanh
Có sự chuẩn bị tốt đã khó, duy trì phong độ và trung thành với con đường kinh doanh của mình còn khó hơn. Từ 1 triệu đồng ban đầu, đến nay số vốn đã tăng lên hơn 10.000 tỷ đồng, tôi vẫn giữ vững tay lái của mình.
Trong quá trình kinh doanh, người trẻ nên tự hỏi xem tiền bạc là mục tiêu hay phương tiện? Nếu xem tiền bạc là mục tiêu, người trẻ sẽ dễ bất chấp phương tiện. Thực chất, người làm kinh tế là người mang lợi ích đến cho cộng đồng.
Thực tế, doanh nhân Việt Nam chịu rất nhiều áp lực. Các nước khác đều đã hoàn thiện về mặt chuẩn mực, nhân lực cũng có chất lượng cao, làm kinh tế do vậy cũng nhiều thuận lợi.
Ví von như một huấn luyện viên của một đội bóng nhiều cầu thủ giỏi và nề nếp, công tác huấn luyện rất dễ dàng. Doanh nhân Việt Nam không được như vậy, chúng tôi vừa phải học, vừa phải mày mò, thay đổi... cho kịp với chính sách.
Tuy nhiên, khó khăn cũng chính là cơ hội, bởi khi trật tự đã được xác lập thì rất khó để khởi nghiệp. Ở Việt Nam, rõ ràng còn nhiều cơ hội dành cho người biết nhìn ra cơ hội.
Đặc biệt, khó khăn hiện tại cũng là giai đoạn tốt nhất cho những người khởi nghiệp tham gia thương trường. Tuy nhiên, cũng đừng quá ảo tưởng, mà phải biết dấn thân.
Trực giác đi liền với kiến thức
Với những doanh nghiệp lâu năm, trong bối cảnh này đều phải cố gắng tự điều chỉnh. Có như vậy cơ hội mới có thể mở ra. Hẳn các bạn trẻ sẽ thắc mắc, làm thế nào để doanh nhân có thể nhận biết cơ hội mà nắm bắt kịp thời. Câu trả lời rất đơn giản: bằng trực giác.
Do đó, không nên nhìn sự việc qua hiện tượng, mà nên xem xét bản chất của sự việc. Và trực giác tốt luôn đi kèm với kiến thức. Tôi có đọc được kết quả một cuộc khảo sát của Đại học Harvard về trực giác, trong đó 20 CEO cùng đưa ra phán đoán về những vấn đề khác nhau, nhưng với những vấn đề họ có kiến thức thì kết quả tốt hơn hẳn.
Tóm lại, công việc sẽ giúp doanh nhân trưởng thành và khi đã có quá trình rèn luyện, sẽ không còn cần đến “chiêu thức”. Doanh nhân phải ra quyết định liên tục, phải đối mặt liên tục, có khi còn thất bại liên tục... Mấy ai trong cuộc chơi chứng khoán biết dừng đúng lúc? Thất bại, lỗ... là học phí mà họ phải trả.
Năm 2006 chứng khoán Việt Nam tăng vọt. Các đại gia chứng khoán phấn khởi, mọi người lao theo thị trường này. Tôi không được học về tài chính, không biết gì về thị trường này nhưng cũng tham gia.
Đến năm 2008, Hoa Sen hạch toán kinh doanh lỗ. Tôi cảm thấy bế tắc và lo lắng lắm. Đối mặt với thử thách liên tục.
Giá thép sụt đến 2/3, chi phí đầu tư, sản xuất lại rất lớn. Ngành thép giảm sản lượng, Hoa Sen đứng trước nguy cơ phá sản. Lúc đó, trực giác mách bảo tôi quyết định bán tháo hàng, thúc đẩy hệ thống phân phối bằng nhiều chính sách.
Nhờ những nỗ lực đó, năm 2008, công ty lãi trên 1.000 tỷ đồng. Cũng trong năm 2008, tuy còn khó khăn, nhưng tôi vẫn quyết định đầu tư xây dựng nhà máy Hoa Sen Phú Mỹ với vốn 2.000 tỷ đồng.
Đến năm 2010, nhà máy có sản phẩm, chúng tôi nhanh chóng xuất khẩu, nhờ vậy đã thoát khỏi khó khăn.
Bản chất kinh doanh là sự liền mạch của dòng tiền. Doanh thu năm 2011 của Hoa Sen là hơn 8.000 tỷ đồng. Năm 2012, hy vọng Hoa Sen sẽ cán mức 10.000 tỷ đồng.