Sau khi phải về hưu non, Ren Zhengfei dùng số vốn ít ỏi để khởi nghiệp, hiện Huawei trở thành một trong 500 công ty lớn nhất thế giới.

Sau hơn 20 năm thành lập, tập đoàn công nghệ Huawei Technologies được sáng lập bởi cựu quân nhân Ren Zhengfei (Nhậm Chính Phi) đã lọt top 500 công ty lớn nhất thế giới của Fortune Global kể từ năm 2005.

Bắt đầu khởi nghiệp ở tuổi 44 với số vốn vỏn vẹn chỉ 21.000 NDT, tương đương khoảng 3.300 USD hiện nay, Ren Zhengfei đã đưa Huawei trở thành công ty hàng đầu về viễn thông và mạng với mức doanh thu 75,1 tỷ USD và lãi ròng 5,3 tỷ USD vào năm 2017.

Khởi nghiệp ở tuổi tứ tuần

Ren Zhengfei sinh năm 1944 tại Quý Châu, Trung Quốc. Ông là con cả trong gia đình có 7 anh chị em và lớn lên trong hoàn cảnh túng thiếu bởi đồng lương giáo viên còm cõi của cha mẹ.

Ông từng chia sẻ trong tạp chí nội bộ của Huawei: "Cho tới khi học cấp ba, tôi chưa từng có một chiếc áo sơ mi thực sự".

Ren Zhengfei theo học Học viện Xây dựng và Kiến trúc Trùng Khánh và trở thành sỹ quan phục vụ trong quân đội Trung Quốc. Con đường binh nghiệp của ông kết thúc với kế hoạch tinh giản biên chế của nhà nước.

Ông Ren Zhengfei tại Diễn đàn kinh tế thế giới diễn ra tại Nga năm 2012. Ảnh: Flickr.

Trong khi hầu hết nhà sáng lập của các công ty công nghệ hàng đầu hiện nay đều khởi nghiệp ở độ tuổi còn rất trẻ. Bill Gates xây dựng Microsoft ở 20 tuổi, Apple ra đời khi Steve Jobs mới 22 tuổi, Jack Ma thành lập Alibaba năm 34 tuổi... thì Ren Zhengfei lại bắt đầu khá muộn màng khi đã ngoài 40.

Những nền tảng kiến thức về khoa học và kỹ thuật trong thời gian phục vụ quân đội đã giúp Ren Zhengfei bắt kịp sự thay đổi nhanh chóng trong ngành công nghệ.

Với số vốn ít ỏi 21.000 tệ (tương đương 3.300 USD hiện nay), ông cùng một vài người bạn đã lập ra Huawei, chuyên cung cấp thiết bị viễn thông có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông vào năm 1987.

Đón đầu được như cầu của thị trường, Ren Zhengfei đã đưa Huawei phát triển mạnh trong lĩnh vực viễn thông và cạnh tranh mãnh mẽ với sản phẩm của các công ty khác.

Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Huawei đã tự sản xuất ra thiết bị của mình và bắt đầu kỷ nguyên sản xuất thiết bị mạng viễn thông hàng đầu Trung Quốc.

Năm 1996, Huawei đã chiếm vị trí thứ 2 trong thị phần switch (bộ chuyển mạch) tại Trung Quốc và mở rộng đầu tư ra nước ngoài, tập trung vào các thị trường còn mới mẻ như châu Phi, Nga. Doanh thu hàng năm của Huawei đã tăng gấp 10 lần trong vòng 5 năm, đạt 2 tỷ USD vào năm 2000.

Năm 2005, doanh thu của Huawei từ thị trường nước ngoài đã vượt doanh thu từ thị trường nội địa Trung Quốc và đến năm 2012 Huawei đã vượt Ericsson (công ty dẫn đầu trong lĩnh vực thiết bị truyền thông và mạng) về doanh thu và lợi nhuận. Huawei cũng là công ty duy nhất trong số 91 công ty Trung Quốc lọt top 500 Fortune Global có doanh số bán hàng ở nước ngoài cao hơn trong nước.

Phong cách lãnh đạo khác người

Là nhà sáng lập một trong những tập đoàn lớn nhất toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ nhưng Ren là người kín tiếng và hiếm khi xuất hiện trước truyền thông. Trong suốt sự nghiệp, ông mới chỉ trả lời phỏng vấn trực tiếp với báo chí 5 lần và lần gần nhất là tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos diễn ra tại Thụy Sĩ vào tháng 1/2015.

Trụ sở làm việc của tập đoàn Huawei tại Thấm Quyến, Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: Universo digital noticias.

Tuy ít xuất hiện trước truyền thông và các nhân viên trong tập đoàn, ông Ren lại là nguồn động lực thúc đẩy sự gắn kết và phát triển của mỗi nhân viên Huawei bằng những bức thư ông viết chia sẻ về chiến lược, quan điểm và tầm nhìn của công ty.

Ren Zhengfei cho rằng thành công của mỗi người đến từ sự nỗ lực và chăm chỉ, đó cũng là một trong những tiêu chí tuyển dụng của Huawei. Mỗi nhân viên mới gia nhập Huawei đều được phát cho một bộ chăn đệm vì có nhiều người sẵn sàng làm việc đến đêm và sau đó có thể ngủ tại văn phòng.

Là người sáng lập Huawei nhưng Ren Zhengfei chỉ nắm giữ 1,4% cổ phần và số còn lại đều nằm hết trong tay của 82.471 nhân viên đang làm việc tại tập đoàn. Đó cũng chính là cách Ren chia sẻ cả trách nhiệm và quyền lợi với từng nhân viên công ty.

Đồng thời để tránh cổ phần công ty lọt vào tay người ngoài, Huawei quy định, nhân viên không làm việc cho tập đoàn nữa phải bán lại toàn bộ cổ phần cho công đoàn công ty.

“Một con sói cô độc thì không có cơ hội chiến thắng một con sư tử. Nhưng một đàn sói đoàn kết và chấp nhận hy sinh vì nhau sẽ quật ngã con sư tử dễ dàng”, đó chính là bí quyết thành công mà Ren Zhengfei từng chia sẻ với các nhân viên của mình.

Trong khi các hãng công nghệ khác đều đi theo hướng trở thành công ty đại chúng, thì Ren Zhengfei cho biết Huawei không có kế hoạch IPO.

Theo ông, mục đích của IPO là để huy động vốn nhưng hiện tại Huawei không thiếu dòng tiền đầu tư và muốn giữ vững cơ cấu gắn kết giữa công ty và nhân viên.

Đồng thời Huawei là một trong số ít những công ty công nghệ Trung Quốc không chạy theo các sản phẩm giá rẻ. Công ty này đầu tư 10% doanh thu hàng năm của mình vào R&D (nghiên cứu và phát triển sản phẩm) và gần một nửa số nhân viên của Huawei là nhân sự của R&D nhằm tạo bước đột phá mới cho sản phẩm.

Hiện Huawei là công ty hàng đầu thế giới về công nghệ 4G không dây, giữ vai trò xương sống cho các hệ thống kết nối mạng và viễn thông trên toàn cầu. Theo thống kê, mỗi ngày, có đến 3 tỷ cuộc gọi điện thoại trên toàn thế giới được thực hiện qua thiết bị chuyển mạch (switch) của Huawei.

Ở tuổi 74 Ren Zhengfei sở hữu khối tài sản trị giá 3,1 tỷ USD và đứng vị trí 83 trong danh sách những người giàu nhất Trung Quốc.

Sơn Nam (Ngôi sao)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.