Chúng tôi đến East West Brewing (EWB) vào những ngày quán chưa chính thức khai trương, một vài hạng mục thi công còn đang hoàn thiện nhưng những tín đồ bia thủ công (craft beer) đã lui tới khá thường xuyên để trải nghiệm một mô hình chưa từng có tại Việt Nam: thưởng thức những ly bia được ủ ngay tại quán.

Ông Trương Thế Lộc (phải) tại nhà máy bia thủ công East West Brewing

Mô hình showroom craft beer đầu tiên tại Việt Nam

EWB ra đời gây được chú ý trong giới bia thủ công TP.HCM bởi đó là một mô hình rất mới lạ, lần đầu tiên xuất hiện: nhà máy bia kết hợp showroom bia thủ công trong một địa điểm. Nơi đây, khách hàng có thể uống những ly bia tươi vừa “ra lò”, tham quan toàn bộ quy trình sản xuất bia, tận mắt thấy những nguyên liệu ủ bia và thậm chí gặp gỡ, trò chuyện với thợ ủ bia - người đã tạo ra ly bia mình vừa uống. Đó là trải nghiệm chưa từng có đối với những tín đồ bia tại Việt Nam.

Craft beer là loại bia sử dụng cách ủ bia truyền thống, lâu đời của châu Âu, Mỹ kết hợp những nguyên liệu đa dạng tạo nên hương vị độc đáo cho từng mẻ bia. Sức quyến rũ của craftbeer đến từ sự đột phá của hương vị bia, phản ánh cá tính, khả năng sáng tạo của người thợ ủ bia. Đồng thời, khách hàng cũng tìm thấy cá tính, sở thích của mình khi chọn vị bia phù hợp. Có một sự kết nối văn hóa, sở thích, sự đồng điệu giữa người thưởng thức và những nghệ sĩ ủ bia, khiến bia thủ công có sức hút đặc biệt đối với cả người tiêu dùng lẫn nhà sản xuất.

Văn hóa bia thủ công đã xuất hiện và phổ biến tại nhiều nước phát triển nhưng vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Người sáng lập - Giám đốc điều hành Trương Thế Lộc là một doanh nhân Việt kiều trẻ nhưng đã có nhiều năm nghiên cứu và am hiểu thị trường bia nhận thấy, mỗi thành phố hiện đại trên thế giới đều có một nhà máy bia thủ công thành công, riêng Mỹ có đến 5.500 nhà máy lớn nhỏ. Thế nhưng, tại Việt Nam - một thị trường có lượng tiêu thụ bia hàng đầu thế giới thì vẫn chưa xuất hiện mô hình phức hợp nhà máy - nhà hàng bia thủ công. Nắm bắt cơ hội đó, anh xây dựng East West Brewing Co, tạo ra một bước đột phá mới cho thị trường bia này.

Giá trị cốt lõi của EWB là sử dụng nguyên liệu tươi và đảm bảo chất lượng để tạo ra những ly bia có hương vị độc đáo. Việc phát triển ngành dịch vụ này giúp người Việt tiếp cận một nét văn hóa hiện đại đồng thời là cơ hội để du khách thế giới hiểu hơn về văn hóa, đặc trưng của Việt Nam khi những ly bia được chế tác từ những nguyên liệu đặc trưng của địa phương. “Chúng tôi có những loại bia thủ công chỉ sử dụng nguyên liệu trong nước”, anh Lộc cho biết. Ví dụ, bia Modern Belgian Blonde sử dụng men Bỉ, hoa bia kết hợp với đường thốt nốt Việt Nam, hay Coffee Vanilla Porter sử dụng mạch nha rang kết hợp với cà phê Việt tạo nên nhiều tầng hương vị. Bên canh đó, EWB còn có kế hoạch tổ chức các lớp học nấu bia với các chuyên gia ủ bia để người dùng có thể sáng tạo ra vị bia của chính mình.

“Tất cả những gì EWB theo đuổi là khiến một khách hàng hiểu được ly bia tươi mát họ uống được tạo ra như thế nào. Từ đó, họ thưởng thức ly bia với cảm xúc trọn vẹn hơn cùng cảm mới mẻ hơn”, ông chủ EWB chia sẻ.

Trước hết phải tâm huyết với những gì mình làm

Để thực hiện một dự án mới lạ này, anh Lộc đã phải nỗ lực tìm kiếm những cộng sự, đối tác đồng điệu - cùng “máu liều” để thể nghiệm những ý tưởng đột phá cùng anh. Thợ ủ bia là linh hồn bia thủ công, vì thế, anh xác định phải tìm được những người thợ giỏi, lành nghề và đam mê. Lặn lội trong suốt một năm đến tận San Diego và Portland (Mỹ) - những nơi được mệnh danh là thủ đô bia thủ công của thế giới, anh tìm được 6 người thợ ủ bia giỏi và họ đã đồng ý hợp tác với EWB. Thế nhưng, đến phút cuối, họ “hủy kèo” bởi cơ hội làm việc trong ngành này tại Mỹ là quá tốt và không muốn mạo hiểm đến một thị trường còn quá mới lạ như Việt Nam. Trong khi đã tưởng dự án khó lòng thực hiện được thì anh nhận được sự chấp thuận của Sean Thommen - một thợ ủ bia 20 năm kinh nghiệm, từng học tại Đức và Chicago về khoa học ủ bia để cùng anh tham gia chuyến phiêu lưu, nối dài chiếc cầu văn hóa đông tây thông qua bia thủ công. Ngược lại với những cộng sự giàu kinh nghiệm đó, anh trao trọng trách thiết kế không gian của EWB cho Remix Concept - một công ty khởi nghiệp còn rất trẻ, với kỳ vọng tạo ra sự đột phá trong không gian phức hợp của EWB.

“Không gian EWB phải tạo ra một trải nghiệm mới mẻ cho khách hàng, khi kết hợp sàn xi măng, những vại bia lớn, máy móc phức tạp với đèn vàng sang trọng và ghế ngồi thoải mái nhằm mang đến sự giao thoa, hài hòa giữa một nhà hàng và xưởng ủ bia. EWB sang hơn một quán nhậu nhưng thoải mái, ấm cúng hơn một nhà hàng, mang đến trải nghiệm gần gũi cho nhiều đối tượng khách hàng khi đến thưởng thức bia thủ công”, anh Lộc chia sẻ về dự án của mình.

Bên cạnh đó, cách thức quản lý 70 nhân viên EWB của anh cũng khá cởi mở: đặt mục tiêu và cùng nhau phấn đấu đạt được nó. “Không đơn giản để mọi cộng sự, đối tác hết lòng cùng mình thể nghiệm những thứ mới mẻ, mạo hiểm. Tôi dùng tâm huyết và đam mê của mình thuyết phục và truyền lửa để mọi người cùng hướng đến giá trị mà EWB theo đuổi. Trước hết, phải đam mê với những gì mình làm rồi cộng sự, khách hàng sẽ cảm nhận được điều đó”, doanh nhân trẻ chia sẻ.

Nhà hàng sang trọng bên ngoài, sâu bên trong là những vại bia lớn, bia được ủ ngay tại quán

Vốn là người “say” thể nghiệm, anh Lộc cũng chính là một trong những người giúp xây dựng nên Chil Sky Bar - quán bar sân thượng đầu tiên tại TP.HCM. Với EWB, anh tiếp tục thể hiện đam mê kinh doanh và theo đuổi những giá trị mới. “Ai cũng cho rằng một quán bia cần có thương hiệu mạnh, giá rẻ, và hương vị quen thuộc. Thế nhưng, tôi đang làm những điều đi ngược lại mọi giới hạn: hương vị bia lạ, thương hiệu mới, và giá cũng không rẻ so với thị trường chung tại Việt Nam”, anh Lộc chia sẻ. Dù vậy, anh tự tin về khả năng thành công của EWB khi giá rẻ không còn là lựa chọn đầu tiên của người tiêu dùng Việt mà chất lượng mới là yếu tố được chú trọng. Thị trường bia thủ công cũng chỉ mới bắt đầu được khai phá.

Tọa lạc ngay trung tâm quận 1 (TP.HCM), từng góc không gian, nội thất của EWB đều được cân nhắc và chăm chút kỹ lưỡng, nhà máy bia bên trong khá lớn và hiện đại khiến bất cứ ai phải choáng ngợp về cơ ngơi mà một doanh nhân trẻ gầy dựng được. Tuy nhiên, anh Lộc từ chối cho biết đã đầu tư bao nhiêu tiền cho dự án này. “Việc tôi có bao nhiêu tiền đầu tư không phải là một niềm tự hào, hay là minh chứng của thành công. Thay vào đó, tôi sẽ “khoe” có bao nhiêu khách hàng đến với EWB, họ thích những ly bia như thế nào, chúng tôi tạo ra bao nhiêu vị bia độc đáo”, ông chủ EWB giải thích.

Và nếu John Reid - Giám đốc Pastuer Street Brewing Company được biết đến như người “mang mô hình bia thủ công về Việt Nam” thì anh Trương Thế Lộc cùng dự án thể nghiệm EWB mong muốn xây dựng nên nhà máy bia thủ công Việt làm ra những mẻ bia chất lượng không thua kém gì những sản phẩm khắp thế giới.

Tăng Khánh (DNSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Ông chủ East West Brewing: Đam mê thể nghiệm cái mới

    Ông chủ East West Brewing: Đam mê thể nghiệm cái mới

    21/02/2017 10:12 PM

    Chúng tôi đến East West Brewing (EWB) vào những ngày quán chưa chính thức khai trương, một vài hạng mục thi công còn đang hoàn thiện nhưng những tín đồ bia thủ công (craft beer) đã lui tới khá thường xuyên để trải nghiệm một mô hình chưa từng có tại Việt Nam: thưởng thức những ly bia được ủ ngay tại quán.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.