Cô chủ Tuyết Xuân bên xe bánh mì mỗi ngày.
“Một phần vì em thích bánh mì từ nhỏ, một phần vì em muốn làm việc mình thích và tìm thêm công ăn việc làm cho những người thân…” Xuân giải thích cái “có vấn đề” của mình đơn giản như cái công việc mình chọn.
Xuân “có vấn đề”...
Sinh ra và lớn lên ở xã Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, cha sửa xe, mẹ làm giáo viên. Ở cái xóm nhỏ miệt vườn đó, gia đình Xuân có tên trong danh sách xoá đói giảm nghèo. Nghèo nhưng may mắn cho Xuân là được cha mẹ tạo mọi điều kiện cho hai chị em đến trường.
Ngày bước chân vào ngưỡng cửa đại học, theo học khoa kinh tế, cũng là lúc Xuân chứng kiến cái cảnh cha mẹ đôn đáo chạy vạy kiếm tiền cho cô con gái lớn nhập học. 8 triệu đồng vay ngân hàng lúc đó với gia đình là cả một gia tài. Ý thức được cái nghèo, cảm được những giọt mồ hôi của cha mẹ, Xuân vừa đi học vừa đi làm. Từ việc phục vụ nhà hàng nước ngoài, đến chạy sô dạy kèm… bất cứ việc gì kiếm được thu nhập phụ gia đình trả nợ và trau dồi khả năng ngoại ngữ là Xuân lao vào thực hiện.
Năm 2010, cầm tấm bằng tốt nghiệp loại khá, Xuân đầu quân cho một công ty chuyên về bất động sản. Thay vì chọn những công việc nhàn hạ ở những vị trí còn trống như ngồi văn phòng, Xuân đăng ký vào vị trí nhân viên bán hàng vì muốn trải nghiệm và thử sức. Được hơn một năm tích luỹ kinh nghiệm cộng thêm khả năng ngoại ngữ, Xuân xin vào làm đại diện bán hàng cho một tập đoàn trong nước chuyên xuất nhập khẩu nông sản. Thu nhập tháng cùng với thu nhập từ tiền hoa hồng của đối tác có tháng trên ngàn USD của Xuân là niềm mơ ước của không ít người.
Sau hai năm làm việc, đùng một cái Xuân tuyên bố nghỉ việc. Mọi người ngã ngửa khi biết Xuân từ bỏ công việc tốt của mình chỉ vì muốn về bán… bánh mì. Với một số đồng nghiệp, quyết định nghỉ việc đi bán bánh mì là một quyết định gàn dở... có vấn đề. Thậm chí trong gia đình, Xuân cũng vấp phải sự phản ứng quyết liệt của cha mẹ và người thân. Kiên định với ý tưởng của mình, chiếc xe bán bánh mì của Xuân vẫn xuất hiện. “Ngày ra xe bánh, thật sự khó khăn, bởi cha mẹ can ngăn và giận không nói chuyện với em một thời gian, một số bạn bè cũng không ủng hộ nhưng em thích ăn bánh mì từ nhỏ, có thể phân biệt được bánh mì ngon dở... nên việc kinh doanh cũng sẽ vượt qua được”, Xuân bộc bạch.
Thành thương hiệu bánh mì Hậu Giang
“Ở Sài Gòn bánh mì đã tồn tại lâu đời, tìm cái riêng cho bánh mì của mình không phải dễ. Nhưng được một điều là do em quá mê bánh mì nên cứ nghĩ hoài về sản phẩm này…”, Xuân cười.
Thế rồi, tháng 6.2013 chiếc xe bánh mì của Xuân ngập tràn tới gần 20 loại nhân bánh mang đặc trưng của vùng quê miền Tây, với giá 10.000 đồng/ổ. Thời gian đầu kinh doanh, chiếc xe bánh mì vỉa hè của Xuân cũng phải chật vật tìm khách. Doanh thu không đủ để bù chi phí trở thành chuyện cơm bữa. Số vốn tích luỹ ba năm đi làm cứ dần đội nón ra đi. Cha mẹ giận, em trai trách móc: “Với trình độ như chị thì đi làm lương cao, có tiền hưởng thụ còn hơn phải làm những việc lao động chân tay như thế này”… Những rào cản này cũng không làm Xuân nhụt chí. Với Xuân: “thành công hay không là do chính bản thân mình, mình cảm thấy hạnh phúc với việc mình làm, đồng tiền kiếm được là đồng tiền bằng chính sức lao động của mình”.
Kinh nghiệm chăm sóc khách hàng cộng thêm vốn kiến thức đã được học, Xuân vận dụng mọi thứ để phục vụ cho việc kinh doanh của mình. Những nỗ lực đó đã được đền đáp. Chấp nhận lời ít, bánh mì có hương vị riêng, cách kinh doanh chuyên nghiệp, chọn nguyên liệu tốt và quan trọng là chọn vị trí bán hàng ở những giao lộ tấp nập xe qua lại nên tình hình kinh doanh đã được cải thiện.
Chỉ sau sáu tháng, Xuân đã làm chủ ba xe bánh mì với 12 nhân viên hoạt động hai ca (sáng từ 6 – 9g, chiều từ 16 – 20g). Từ một chiếc xe bánh mì bình thường ở lề đường, khách hàng tìm đến với bánh mì Hậu Giang ngày càng đông. Số lượng bán mỗi ngày trung bình từ vài chục ổ, tăng lên vài trăm và hiện nay sức tiêu thụ cả 1.000 ổ/ngày. Để gìn giữ cái thương hiệu non nớt của mình, hàng ngày Xuân phải dậy từ 4 giờ sáng để làm nhân chuẩn bị hàng cho các xe bánh mì ca sáng, thời gian còn lại Xuân đi mua nguyên liệu ở siêu thị, chợ. Đến trưa là chuẩn bị hàng cho ca chiều. Thế mà buổi tối Xuân còn tranh thủ đi học thêm trung cấp dược để chuẩn bị cho một hoài bão khác… Xuân kết thúc một ngày làm việc vào tầm 24g. Xuân chia sẻ: “Sắp tới em sẽ đưa mấy dì và cậu lên để bán bánh mì với em, có thể sẽ mở thêm xe bánh mì nữa. Ngoài ra em vẫn ấp ủ mở một nhà thuốc”.
“Em đã hạ quyết tâm sẽ mở nhà thuốc giảm giá cho người nghèo. Lý tưởng sống của em được truyền từ một ma soeur, người đã giúp em trong suốt quãng đường khó khăn từ khi còn nhỏ.
Sau khi soeur mất, em đã bị sốc và điều đó đã tạo động lực để em càng cố gắng làm việc, tích góp tiền để thực hiện ước mơ của soeur và cũng là ước mơ của em: giúp đỡ những người nghèo khổ”, Xuân từ tốn nói.
-
Mơ lớn phía sau chiếc xe bánh mì nhỏ
02/01/2014 5:06 PMTốt nghiệp đại học, từ chối vị trí làm việc với mức lương vài chục triệu đồng tháng để thực hiện kế hoạch mở xe bán bánh mì. Nhiều bạn bè, thậm chí người thân cho cô là “có vấn đề”. Những dư luận đàm tiếu đó vẫn không ngăn cản được Phạm Thị Tuyết Xuân, 25 tuổi, từ bỏ quyết định của mình.