Cập nhật 19/09/2014 9:39 PM
Bằng cách sắp xếp, bố trí thức ăn trông ngon miệng để ra những tấm ảnh đẹp phục vụ mục tiêu kinh doanh của các nhãn hàng F&B, Bùi Lý Tiến Nguyên (1990) ở TP HCM có thể đem về cho mình hợp đồng lên đến vài nghìn USD.

Mỗi tháng đôi ba lần, người trong xóm lại thấy chàng trai Bùi Lý Tiến Nguyên tay xách nách mang thịt, cá, rau củ về nhà. Bỏ ra vài trăm nghìn đi chợ, Nguyên mua nhiều nguyên vật liệu về không chỉ để nấu nướng, mà mục đích chính là thực tập cách sắp xếp món ăn, bày biện cho đẹp mắt.

Chưa hết, để tạo sự khác biệt cho phong cách của mình, Nguyên còn nghiên cứu các phản ứng hoá học thường dùng trong thực phẩm để làm giả đồ ăn nhưng nhìn vẫn như thật – một điều rất khó và đòi hỏi sự quan sát vô cùng tinh ý.

“Chẳng hạn như một ly nước lạnh, tôi phải nghiên cứu làm sao để ly nước ấy có ám một chút khói và bề mặt ly phải là những đốm nước li ti, giọt thật tròn. Có thể bình thường giọt nước li ti ở ly nước của bạn sẽ rất mau tan, nhưng để đảm bảo cho việc chụp ảnh, tôi phải sử dụng vài kỹ thuật nhằm giữ lâu hơn trên ly”, Nguyên chia sẻ.

Bui-Ly-Tien-Dung-final.jpg

Bùi Lý Tiến Nguyên trong một quy trình làm đẹp món ăn.

Tốt nghiệp ngành Khoa học kỹ thuật máy tính, nhưng Nguyên nhận ra mình có cảm xúc mãnh liệt với đồ ăn đẹp hơn là trở thành một chàng trai công sở viết code cho web. Và rồi anh bắt đầu đến với công việc làm đẹp đồ ăn.

Nguyên cho biết thời gian đó vô cùng khó khăn vì anh gần như tự tìm tòi và học hỏi. Tài liệu tiếng Việt không nhiều và không có cơ hội để tiếp xúc trực tiếp với việc trang trí đồ ăn khi học đại học, nên anh chỉ đọc qua báo chí, xem trên TV và dịch thêm thông tin từ nước ngoài. Để nâng cao tay nghề, Nguyên xin cộng tác với báo chí cùng các chương trình truyền hình liên quan đến đồ ăn. Thời gian đầu, anh chấp nhận làm không lương để lấy kinh nghiệm, miễn là gắn với đồ ăn đẹp. Dần dần, tay nghề của Nguyên lên hẳn, anh kiếm được vài hợp đồng nhỏ từ các nhà hàng và các mối quan hệ khi cộng tác, khoảng 500.000 đồng mỗi hợp đồng, chỉ đủ tiền mua nguyên vật liệu.

Nguyên quyết định rẽ hướng đi riêng khi xây dựng cho mình website. Kết hợp với những nhiếp ảnh gia chuyên chụp về đồ ăn, anh trình làng những sản phẩm tự làm. Nhờ đó, những khách hàng đầu tiên đã tìm đến. Rồi dần dà, Nguyên tạo nên tên tuổi của mình trong nghề sau 2 năm miệt mài và cố gắng. Tính đến nay, hợp đồng lớn nhất của anh là hợp đồng với một nhãn hàng bên Phillippines trị giá vài nghìn USD trong một tuần làm việc liên tục.

Mang tâm lý luôn phải thành công trong từng dự án, Nguyên nỗ lực tạo nên những sản phẩm mang dấu ấn cá nhân. Anh bắt đầu nghiên cứu tạo hình kem giả và những ly nước đá xay trông như thật. Lúc mới bắt đầu, Nguyên tìm được những nguồn nguyên liệu ở nước ngoài, nhưng phí vận chuyển đắt và đối tác không chịu chuyển về với số lượng ít, nên phải tìm cách khác. “Lúc đó tưởng là thất bại rồi, nhưng ai ngờ khi gần chết lại tìm ra được nguyên liệu thay thế tại chính Việt Nam mà bao lâu nay mình không biết”, Nguyên chia sẻ thêm.

Một tác phẩm hoàn thiện theo đơn đặt hàng của một nhãn hàng.

Người làm đẹp đồ ăn (food stylist) là một khái niệm mới ở Việt Nam cách đây vài năm và chỉ phát triển mạnh khi các nhãn hàng, nhà hàng bắt đầu có ý thức về hình ảnh sản phẩm, thức ăn của mình. Họ sẵn sàng chi trả nhiều tiền để các food stylist cho ra những hình ảnh đẹp nhất và tự nhiên nhất, nhằm tạo sự bắt mắt và kích thích vị giác của người tiêu dùng.

Làm food stylist là phải xác định bản thân giỏi chịu đựng, nhẫn nại và luôn có thái độ làm việc tốt. Bởi nghề này đòi hỏi tính tỉ mỉ đến từng chi tiết, chỉ cần đồ ăn nằm chệch đi một chút thôi là phải thấy ngay để chính sửa, nếu không hình chụp xong sẽ không đẹp và khách hàng sẽ không tin tưởng vào lần sau.

Ở nước ngoài, dù trong một thành phố nhỏ, không khó để tìm ra những food stylist với trình độ và kỹ năng chuyên nghiệp, đạt đỉnh cao. Tuy nhiên, tại Việt Nam, thị trường ngành này khá cạnh tranh khi chỉ khoảng 4-5 người thật sự làm nên chuyện vì không có trường lớp đào tạo bài bản và không đủ “liều” để đi đến cùng.

Nguyên tâm sự: “Nghề này cạnh tranh rất khốc liệt, vì đa phần các nhãn hàng lớn khi lên kế hoạch trang trí đồ ăn đều sẽ nghĩ tới các food stylist nước ngoài. Họ ngại phải chi tiền cho một food stylist trong nước nếu người đó không cho thấy năng lực cạnh tranh của mình. Chưa kể, những ai đã thành công rồi mà sơ suất một lần thôi là có thể xác định phải ra khỏi ngành luôn, vì nghề này đòi hỏi độ uy tín cao và rất áp lực".

Chưa kể, có những hợp đồng buộc food stylist phải ký hợp đồng bảo mật trị giá lên đến cả tỷ đồng. Chỉ cần cá nhân người làm nghề này đưa hình tác phẩm đã hoàn thiện lên Facebook khi sản phẩm chưa tung ra thị trường là có thể phải... bán nhà bồi thường.

Ngọc Trần (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.