Cập nhật 14/07/2014 3:13 PM
Bị gia đình ngăn cản, dốc tiền túi để duy trì hoạt động… là những khó khăn chung khi các bạn trẻ khởi nghiệp làm game. Nhưng vượt lên tất cả, họ đã tìm đến với game không chỉ bằng niềm đam mê, bằng trí tuệ mà còn đó là khát vọng cho thành công của ngành game Việt.

Từ Game thủ thành Game Designer

Nguyễn Hoàng Tố Uyên hiện là Game Designer ở công ty VNG

Trong làng Game Việt, cái tên Nguyễn Hoàng Tố Uyên còn quá xa lạ: Tốt nghiệp Cử nhân Ngành Quản lý Công nghiệp; học làm game vỏn vẹn 3 tháng và đến nay cũng chưa thiết kế nổi một tựa game hoàn chỉnh. Ắt hẳn, với bản lý lịch như vậy, chẳng nhà phát hành game nào muốn mất nhiều thời gian để mắt tới. Thế nhưng, niềm đam mê game, cái cách mà cô đến với nghề thiết kế game khiến không ít người trong làng Game Việt tìm thấy những nét tương đồng.

“Tôi mê game từ nhỏ. Nhà không có máy tính, nên cũng thường làm bạn với quán nét gần nhà. Dĩ nhiên, một cô gái sống ở quê mê chơi game không phải là hình ảnh dễ nhìn, nhất là đối với gia đình và người thân. Lúc đó, bị ba mẹ la rất nhiều, nhưng để minh chứng cho ba mẹ thấy chơi game không xấu như họ nghĩ, tôi đã cố gắng cân bằng việc học và việc chơi game, luôn có kết quả tốt trong việc học để ba mẹ yên tâm và bớt nghĩ tiêu cực về game.

Những năm đầu ngồi trên ghế giảng đường đại học, Game online tại Việt Nam bùng nổ. Hàng loạt các tựa game “khủng ” của nước ngoài ra mắt tại Việt Nam, nội dung và đồ họa hoàn toàn vượt trội so với game phát hành trong nước. Và rồi sau đó tôi chơi game Thuận Thiên Kiếm của VNG, cảm thấy nội dung game như một bức tranh tái hiện lại lịch sử của Việt Nam, nên tôi cảm thấy vô cùng thích thú, nó khác hẳn với các game nhập vai của nước ngoài mà tôi đã chơi trước đó, từ đó tôi có một niềm tin mãnh liệt rằng, đến một lúc nào đó, game Việt sẽ lên ngôi và người Việt hoàn toàn có khả năng để tạo ra trò chơi của riêng mình. Uyên (hiện là một trong số ít Game Designer nữ của VNG) mở đầu câu chuyện với chúng tôi không thể ấn tượng hơn.

Uyên chia sẻ rằng, một người ngoại đạo đến với nghề làm game chuyên nghiệp bao giờ cũng khó. Nhất là phải hiểu được những kiến thức thiết kế tính năng và cân bằng trong game. Tạo ra một nhân vật, một tính năng trong game chưa hẳn khó, quan trọng là để tất cả cân bằng, tương tác, bổ trợ nhau trong cả hệ thống mới là việc không hề đơn giản. Dĩ nhiên, nếu chịu khó học hỏi, cái khuyết điểm cũng là cái ưu điểm.

Một người ngoại đạo như bản thân cô đánh giá game dưới 2 góc nhìn Game thủ ngày xưa và một Game Designer hiện tại; một người nữ làm game giúp nội dung game mềm mại hơn, nhẹ nhàng hơn. Với Uyên, những nấc thang Game Designer đang được xây dần đều. Và những nấc thang đầu tiên đó bắt đầu từ chính niềm đam mê.

Làm đi, thành công sẽ đến

Plants vs zombies vẫn là một trong những tựa game dẫn đầu lượt tải trên các kho ứng dụng. Bởi vậy, những anh “Đôn Kihôtê” nhỏ bé đi sau có cùng nội dung luôn bị đặt những ánh mắt nghi ngờ. Tiny Buster (TBs) cũng là một trường hợp như thế. Nội dung game nói về một cuộc chiến để bảo vệ bình an cho thị trấn Metro. Vùng đất bất ngờ hứng chịu một thảm họa yêu ma. Để cứu nguy, bác học "tưng tửng" ZomZom quyết định triệu tập đội ngũ diệt ma. Với sự trợ giúp của ông, bạn sẽ cùng những chiến binh của mình quét sạch bóng dáng lũ quái ra khỏi thị trấn.

Huỳnh Đông Hải – một trong những người sáng lập Goya Studio

Ngoài nhà phát hành game Divmod, có thể nói thành công hay thất bại của TBs còn gây sự hồi hộp cho cả những bạn trẻ đến từ Goya Studio – những cha đẻ thật sự của tựa game này. Bạn Huỳnh Đông Hải, một trong những người sáng lập ra Goya Studio chia sẻ: “Với mong muốn có được sản phẩm của riêng mình, cuối năm 2013, các thành viên của nhóm Goya tự tay phát triển dự án TBs. Còn nhớ những ngày đó, cả nhóm phải gói ghém nhiều khoản chi tiêu để đủ thuê một văn phòng nhỏ. Những thùng giấy cacton xếp chồng lên nhau làm bàn kê máy tính, càng khó khăn lớn hơn khi vài nhân sự của nhóm vì nhiều lí do và áp lực cũng lần lượt rời bỏ. TBs từ một sản phẩm đầy tiềm năng đứng trước nguy cơ phải tạm dừng bởi còn quá nhiều lỗi bug, crash nghiêm trọng.”

Hải tâm sự: “Tụi mình đã chuẩn bị tâm lý trước cho khả năng có thể bỏ dở TBs. Tuy nhiên với suy nghĩ phải làm đủ hết mọi cách đã, rồi mới được đầu hàng, bọn mình chạy đi gặp nhiều người, tìm nhiều cách, và thật may, cuối cùng nổ lực của bọn mình cũng không uổng phí, TBs nhận được nhiều sự hỗ trợ về kĩ thuật và được Divmob đứng ra phát hành trên cả hai nền tảng Android và iOS. Khó khăn bước đầu được giải quyết, niềm tin và khí thế làm việc của nhóm ngày càng được củng cố.”

Đến nay, sau 3 tháng được đưa lên Appstore, TBs chưa mang lại doanh thu lớn. Tuy nhiên, các bạn trẻ ở Goya studio tự hào rằng tựa game của họ đã được đưa ra thị trường thế giới, mặc dù có thể nội dung không mới, nhưng từng nét vẽ, từng công nghệ mới áp dụng vào game mang theo khát khao, niềm đam mê làm game. Càng ý nghĩa hơn, khi cái tên Goya – trái khổ qua ra đời như là một sự động viên cho chính bản thân họ: “Mọi khó khăn rồi sẽ qua. Trái khổ qua càng đắng thì càng ngon”.

Gia Quảng (ICTNews)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu Việt Nam. Cung cấp thông tin bất động sản, thông tin mới nhất thị trường nhà đất và mua bán nhà đất tại Việt Nam. Network CafeLand gồm có: CafeLand Nhà Đất, CafeLand TV, CafeLand Map, CafeLand Proptech….