Cập nhật 16/03/2015 1:50 PM
Tự kinh doanh có thể sẽ là lựa chọn của các bạn trẻ mới ra trường, nhưng cần phải làm những gì khi bắt đầu kinh doanh mà chưa có nhiều kinh nghiệm?

Sau khi tốt nghiệp, sẽ rất khó khăn để các sinh viên mới ra trường có thể tìm được việc làm. Chính vì vậy thay vì vật lộn để kiếm được một công việc phù hợp, nhiều người sẽ chọn hướng đi riêng của mình đó là kinh doanh để trở thành người tự làm chủ về kinh tế.

Việc này có thể sẽ là quyết định sáng suốt nhất trong sự nghiệp của bạn, tuy nhiên nếu không có nhiều kinh nghiệm thì những gợi ý sau sẽ phần nào giúp bạn thực hiện quyết định này

1. Lên ý tưởng và lập kế hoạch kinh doanh

Việc đầu tiên bạn cần làm đó chính là liệt kê ra những ý tưởng kinh doanh mà bạn thấy phù hợp với điều kiện về vật chất và khả năng, sở trường của bản thân.

Sau đó bạn cần phải ghi rõ thông tin về những hạng mục cơ bản như nơi bạn lựa chọn để hoạt động kinh doanh, số vốn đầu tư bạn có thể vận động được từ người thân, gia đình, bạn bè.

Ngoài ra chi phí để bạn nhập hàng hoặc tự sản xuất là bao nhiêu, chi phí bán ra như thế nào, dự kiến thời gian bạn bắt đầu có lợi nhuận là sau bao lâu...

Lập kế hoạch là bước bạn sẽ phải đưa ra một bản liệt kê tất cả những công việc cần phải làm để biến những ý tưởng kinh doanh trên thành hiện thực.

Với những người chưa có kinh nghiệm, việc làm này sẽ giúp bạn có được cái nhìn tổng quát nhất về công việc kinh doanh trong tương lai, bên cạnh đó sẽ hình dung ra được những hướng đi cụ thể để không bị phân tán khi bắt tay vào đầu tư.

2. Nghiên cứu thực tế, học hỏi kinh nghiệm

Vấn đề lớn nhất của bạn khi mới ra trường đó chính là thiếu kinh nghiệm kinh doanh. Vì vậy nghiên cứu là một trong những bước quan trọng nhất khi bạn bắt đầu kinh doanh.

Việc nghiên cứu thực sự cần thiết ngay từ khi bạn bắt đầu lên kế hoạch và nó không chỉ đơn giản là việc tìm kiếm thông tin trên mạng như bạn vẫn hay làm với bài tập lớn, đồ án hoặc khóa luận khi còn là sinh viên.

Nghiên cứu kinh doanh là bạn cần phải tìm hiểu thực tế và học hỏi những người đi trước. Một khi bạn quyết định về sản phẩm hoặc dịch vụ mà bạn sẽ đầu tư, bạn cần phải thực sự hiểu rõ về thị trường, nguồn cung và nguồn cầu cho sản phẩm và dịch vụ đó.

Ngoài ra, một người dày dặn kinh nghiệm và thành công trong kinh doanh sẽ trở thành một cố vấn đáng tin cậy cho bạn. Mặt khác, nếu bạn có thể biết được những bài học thực tế về thất bại trong kinh doanh của những người đi trước, bạn cũng có thể sẽ tránh được những sai lầm của họ và tiết kiệm được về cả thời gian lẫn tiền bạc.

3. Tận dụng mọi mối quan hệ

Ngoài việc nên có ít nhất một người cố vấn bên cạnh, bạn nên tận dụng mọi mối quan hệ có sẵn và tạo thêm nhiều mối quan hệ mới có liên quan tới lĩnh vực mà bạn muốn đầu tư.

Ví dụ bạn muốn bán hàng online, một người bạn chuyên về công nghệ và đồ họa máy tính chắc chắn sẽ là một đối tác tuyệt vời giúp bạn thiết lập nên "cửa hàng" của mình.

Hoặc khi kinh doanh hàng tiêu dùng như quần áo, thực phẩm, bạn càng biết tận dụng nhiều mối quan hệ bao nhiêu thì thương hiệu của bạn sẽ mau chóng được biết đến bấy nhiêu, hơn nữa bạn cũng sẽ tiết kiệm được kha khá chi phí làm quảng cáo, truyền thông.

4. Thiết kế cửa hàng

Cho dù bạn kinh doanh ở nhà hay thuê mặt bằng bên ngoài, bạn cũng cần phải đầu tư hết sức vào việc thiết kế, xây dựng và trang trí nó, thậm chí dù chỉ là một cửa hàng online trên mạng.

Điều này quan trọng bởi đơn giản nó chính là một phần làm nên thương hiệu của riêng bạn hay như là bộ mặt để bạn trưng diện trên thương trường.

Bạn sẽ chỉ chìm nghỉm giữa muôn ngàn thương hiệu khác nếu như "bộ mặt" của bạn không nổi bật, không đặc biệt và không gây được chút ấn tượng nào với những khách hàng ghé thăm lần đầu tiên.

Một trong những thách thức lớn nhất của việc làm này đó là việc lựa chọn địa điểm, thiết kế nội thất và giữ cho các chi phí như Internet, điện nước ở mức thấp nhất.

5. Xác định khó khăn bước đầu

Trong giới đầu tư, việc kinh doanh được xem là một cuộc chiến, có người thắng, có người thua là chuyện bình thường. Đặc biệt với những người mới bước chân vào thương trường, họ cần phải xác định được những khó khăn trước mắt để không nản chí và tìm cách giải quyết một cách sáng suốt nhất.

Khi mới bắt đầu kinh doanh, bạn phải chấp nhận quãng thời gian đầu không có lợi nhuận để dần dần tạo nên uy tín, phát triển thương hiệu và có được thêm nhiều đối tác, khách hàng tiềm năng.

Ví dụ có người sẽ tung ra những chương trình khuyến mãi giảm giá, tặng quà cho khách hàng đầu tiên, có người sẽ chấp nhận thua lỗ để cung cấp dịch vụ miễn phí trong một vài tháng đầu, v...v..., tùy theo ý tưởng kinh doanh của mỗi người.

6. Lên kế hoạch truyền thông

Dù bạn có tốt nghiệp loại xuất sắc, đạt thành tích quốc gia khi học đại học thì không có nghĩa là bạn sẽ nổi tiếng ngay trên thị trường mà không cần tới tiếp thị, quảng cáo.

Chính vì vậy truyền thông là một trong những yếu tố giúp bạn thành công trong việc kinh doanh, và hiệu quả của nó phụ thuộc khá nhiều vào cách mà bạn lựa chọn phương thức và cường độ truyền thông.

Sử dụng các kênh quảng cáo truyền thống như báo giấy, thư mời kết hợp với các phương thức tiếp thị độc đáo khác như tặng quà, thẻ thành viên, voucher... Ngoài ra báo chí chính thống hay mạng xã hội cũng là những kênh truyền thông khá hiệu quả trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay.

Nếu bạn là người có nhiều vốn đầu tư thì tổ chức sự kiện ngoài trời, chương trình từ thiện... cũng là một cách truyền thông, quảng bá thương hiệu rất hữu hiệu. Tuy nhiên để tạo được ấn tượng mạnh trong lòng khách hàng thì rất cần tới sự sáng tạo và độ "chịu chi" của bạn.

7. Hãy làm những gì mà bạn đam mê

Đây là lời khuyên quan trọng nhất trong tất cả những lời khuyên về kinh doanh dành cho những bạn trẻ mới ra trường mà không có nhiều kinh nghiệm.

Tình yêu của doanh nhân với lĩnh vực kinh doanh mà họ chọn sẽ giúp họ có thêm động lực để làm việc và không bao giờ từ bỏ đam mê của mình dù có khó khăn đến mấy.

Bạn cũng sẽ chịu khó học hỏi, tìm tòi nhiều hơn để có được nền tảng vững chắc cho sự nghiệp của mình. Và hơn cả bạn sẽ luôn cảm thấy yêu những gì bạn làm và mong muốn được gắn bó với nó về lâu dài.

Huyền Trân (VTC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.