Hai mươi hai cửa hàng sau 9 năm khởi nghiệp, một lần thất bại đã cho Phạm Ngọc Liêm - người sáng lập thương hiệu Lee&Tee nhiều bài học giá trị để dẫn dắt công ty phát triển và đứng vững trên chặng đường tiếp theo.

CEO Lee&Tee - doanh nhân Phạm Ngọc Liêm.

Không thành công cũng thành nhân

Với Phạm Ngọc Liêm, thất bại trên con đường khởi nghiệp không làm anh nản chí, bỏ cuộc mà ngược lại, đó được xem là bước đệm cần thiết để mở ra một cánh cửa mới.

Liêm kể: "Năm 18 tuổi, tôi rời Bình Phước lên TP.HCM đi làm thuê cho một công ty kỹ thuật số. Sau nhiều năm làm việc, có đủ kinh nghiệm về chuyên môn, quản lý, biết dự đoán, hoạch định chiến lược kinh doanh, tôi quyết định thành lập công ty riêng".

Quá trình học hỏi, quan sát đã giúp Liêm đúc kết bất kỳ lĩnh vực kinh doanh nào cũng cần có sản phẩm, hệ thống phân phối, dịch vụ chăm sóc khách hàng. Song, điểm khác nhau là sản phẩm. "Hồi đó, ở khu quận Tân Bình, TP.HCM, rất nhiều hộ gia đình làm nghề may".

Đặc biệt, phân khúc túi xách sản xuất trong nước hoàn toàn bỏ ngỏ, thị trường tràn ngập hàng Trung Quốc, Thái Lan. Hỏi ra thì được biết hàng trong nước khó cạnh tranh về giá cả, mẫu mã với hàng Trung Quốc, hơn nữa ngành này phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu nên các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chỉ tập trung vào may gia công", Liêm kể.

Trong khi mọi người nói khó, Liêm lại thấy đây là cơ hội và con đường mình chọn đi rất thênh thang. Hỏi Liêm có thấy mình mạo hiểm, anh nói: "Những doanh nghiệp lớn thường mất nhiều thời gian để tạo dựng nên khi đã có vốn, tài sản thì lại thận trọng, bởi họ rất sợ mất đi những thứ đang có nếu "lỡ" thất bại.

Còn tôi vẫn được phép thất bại vì còn trẻ, thời gian cũng còn đủ để làm lại. Quan điểm của tôi là "không thành công cũng thành nhân".

Mất 2 năm học nghề với một người thợ may túi "bậc thầy", cửa hàng đầu tiên ra đời. "Khó khăn buổi đầu vẫn là vốn, quản lý vận hành và nguồn nguyên liệu", Liêm chia sẻ. Với định hướng sản phẩm thuần Việt nên nguyên liệu gồm khóa, dây kéo, móc khoen... cũng phải đặt các đơn vị gia công trong nước, nhưng cái khó là ít công ty làm nên tìm được nhà cung ứng thì giá cao, hơn nữa đơn hàng lúc đó ít nên đặt hàng cũng khó.

Tuy nhiên, lợi thế của Lee&Tee là túi xách thời trang lúc đó dường như không ai khai thác và sản phẩm mang phong cách cổ điển với gam màu trầm chủ đạo như màu da bò, nâu, sôcôla.. cũng đúng là xu hướng chỉ có ở nước ngoài nên đánh vào tâm lý thị trường ngách và tạo ra xu hướng.

Đi vào thị trường ngách

Thời gian đầu, Lee&Tee khó cạnh tranh với hàng Trung Quốc vì đa phần sản phẩm có giá rẻ, nhiều màu sắc nhưng lại có nhược điểm là nhanh bong tróc, gãy, rộp. Đánh vào nhược điểm này, Lee&Tee tập trung vào chất lượng, thay vì may công nghiệp, may một lần và dán thì sản phẩm của Lee&Tee được may lược lần đầu.

Để tăng tính chịu lực của túi, phần đai quai và đệm được may rất chắc. Đặc biệt, sản phẩm có thể dãi dầu nắng, mưa, thậm chí cả giặt. Song, để tạo ra sự khác biệt, Liêm đã cho cắt may ngay tại cửa hàng để khách hàng "mục sở thị”, từ đó truyền miệng và Lee&Tee ngày càng được nhiều người biết đến.

Thành công với cửa hàng đầu tiên, Liêm mở cửa hàng thứ 2 và đây cũng là lúc nhà điều hành Lee&Tee bắt đầu đối mặt với rất nhiều thách thức từ dòng vốn, công nợ đến việc quản lý, nhất là khi mở rộng quy mô thì cách quản lý cũng khác. "Đi tiếp hay bỏ cuộc?" là câu hỏi khiến CEO Lee&Tee ngày đêm trăn trở.

Nhận ra việc không phân biệt được tài chính cá nhân và tài chính kinh doanh, cộng với phân bổ chi phí mang tính tự phát, thiếu kế hoạch và không ghi chép rõ ràng... đã khiến tình trạng tài chính của Lee&Tee rối rắm và mất cân đối nghiêm trọng, Liêm bắt đầu đi học các lớp quản lý tài chính cá nhân và doanh nghiệp. Sau khi nắm vững kiến thức quản lý vốn, Liêm đã có câu trả lời: "Phải đi tiếp".

Đến nay, Lee&Tee đã có 22 cửa hàng ở 5 thành phố lớn: TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng... và một xưởng gia công sản xuất với gần 100 công nhân. Liêm nói: "Điều khiến tôi tự hào nhất là Lee&Tee đã đủ sức thu hút và định hướng cho người Việt sử dụng túi xách Việt".

Sau Lee&Tee, hàng loạt chuỗi thương hiệu túi xách, giày dép Việt cũng ra đời. Hỏi Liêm về cạnh tranh, anh nói: "Quan trọng là mình biết phát huy điểm mạnh để sáng tạo. Miếng bánh thị trường càng lớn, cơ hội càng nhiều".

Và, Liêm chia sẻ bí quyết thành công: "Chất lượng sản phẩm là yếu tố tiên quyết, mỗi năm Lee&Tee đều phải cải tiến sản phẩm và tập trung vào chất lượng hơn số lượng. Túi xách, vali, túi du lịch bằng da luôn được cải tiến theo hướng trẻ trung, năng động và đa năng hơn.

Tập trung phát triển đội ngũ nghệ nhân để làm ra nhiều sản phẩm tinh xảo hơn phục vụ du khách nước ngoài đến mua sắm và xây dựng hệ thống phân phối riêng.

Bởi nếu lệ thuộc vào nhà phân phối và họ cũng đưa ra sản phẩm giống mình thì mình lại trở thành nhà gia công cho họ”. Chọn mô hình nhượng quyền, Liêm chia nhỏ ra nhiều cửa hàng và thu phí nhượng quyền rất ít, thiết lập hệ thống các website, các đơn hàng được công ty phân phối về cửa hàng và tập trung xây dựng hệ thống quản lý, digital cho đối tác.

"Phải có kế hoạch ngay từ đầu, quan trọng nhất là phải trải nghiệm ít nhất 3 - 5 năm và đã bắt tay vào làm rồi thì không bỏ cuộc" là kinh nghiệm Liêm muốn chia sẻ với các bạn trẻ khởi nghiệp. Hiện các đối tác tại Mỹ, Phần Lan, Nam Phi, Anh cũng đang đề nghị Lee&Tee nhượng quyền.

Bên cạnh đó, một số đối tác Đài Loan cũng cung cấp công cụ để phát triển các sản phẩm thủ công nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường quốc tế và trong nước ngày càng tăng cao.

Lữ Ý Nhi (DNSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.