Cập nhật 30/07/2015 1:16 PM
Cùng với nỗ lực của Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hiệu ứng Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông sẽ giúp làn sóng khởi nghiệp tại Việt Nam dâng cao.

Đại diện ngoại giao Việt Nam tại Mỹ mới đây gặp hơn 20 quan chức Chính phủ, lãnh đạo các công ty khởi nghiệp Việt và các nhà đầu tư từ Thung lũng Silicon để bàn chuyện kinh doanh. Quan chức Việt Nam muốn hỏi ý kiến nhà đầu tư Mỹ về cách thức hoạt động của doanh nghiệp mới tại quốc gia này. Mục đích cuối cùng là để Việt Nam làm được như họ - tạo ra những Facebook hay Dropbox tiếp theo.

"Tôi muốn mang văn hóa từ Thung lũng Silicon sang Việt Nam. Chúng tôi muốn mang một cách suy nghĩ mới và mơ ước sang Việt Nam", bà Thạch Lê Anh - người đứng đầu Vietnam Silicon Valley (VSV) - tổ chức đào tạo và hỗ trợ khởi nghiệp do Chính phủ bảo trợ cho biết.

VSV nằm trong kế hoạch biến Việt Nam thành một trung tâm sáng tạo kỹ thuật. Quốc gia Đông Nam Á trở thành điểm đến của nhiều hãng điện tử tiêu dùng lớn nhất thế giới. Họ đến đây sản xuất và đầu tư vào các nguồn lực. Tuy nhiên, người Việt muốn nhiều hơn thế. Chỉ lắp ráp TV và smartphone là không đủ, Việt Nam muốn tạo ra một cộng đồng khởi nghiệp giá trị tỷ USD, có thể thay đổi thế giới và tăng GDP cả nước.

Flappy Bird là game di động đình đám của Việt Nam năm ngoái.

"Chúng tôi bắt đầu dự án để khuyến khích nhà đầu tư đổ tiền vào các doanh nghiệp mới và cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam. Chúng tôi muốn phát triển một hệ sinh thái có lợi cho các nhà đầu tư, cũng như muốn đóng góp cho cả đất nước", Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - Trần Văn Tùng cho biết.

Những vấn đề về thể chế, tham nhũng và việc nhà đầu tư thà đổ tiền vào bất động sản hơn là doanh nghiệp mới khiến Việt Nam chưa trở thành môi trường tốt cho việc gây vốn và mở rộng công ty. Vì vậy, rất ít doanh nghiệp Việt có thể vươn ra ngoài khu vực Đông Nam Á.

Dù vậy, Việt Nam cũng đang rất nỗ lực. Thập kỷ qua, từ ngành cà phê và dệt may truyền thống, nơi đây đã trở thành người chơi lớn trong dây chuyền sản xuất đồ điện tử. Rất nhiều smartphone trên thế giới đang được lắp ráp tại Việt Nam, và các đại gia như Samsung cũng đang tăng cường hoạt động tại đây.

Khi được hỏi "Vì sao chính phủ Việt Nam lại khuyến khích khởi nghiệp?", ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học Công nghệ trả lời như thể được nghe câu hỏi này rất nhiều lần. "Thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay có khát khao và tham vọng trở thành những doanh nhân thành đạt và làm giàu từ công nghệ. Ổn định công việc ở một công ty lớn đã không còn là mục tiêu của họ nữa", ông nói.

"Mỗi người Việt Nam đều là một doanh nhân" - đây là suy nghĩ của rất nhiều người Việt. Ngay cả Đại sứ Mỹ - Ted Osius cũng nói về tinh thần doanh nhân của người Việt và sự "năng động" của người dân nơi đây.CNET bình luận "Chỉ cần nhìn các sạp hàng trên mọi con phố và những cửa hàng tại Hội An là đủ hiểu".

Vài năm qua, làn sóng khởi nghiệp tại Việt Nam đã lên rất mạnh và được gọi với cái tên "hiệu ứng Flappy Bird". "Flappy Bird" là tên một game di động đình đám năm ngoái, nhưng sau đó đã bị tác giả Nguyễn Hà Đông gỡ bỏ khỏi kho ứng dụng vì cho rằng "quá gây nghiện". Đông từng có lúc kiếm được 50.000 USD mỗi ngày từ quảng cáo trong game, số tiền một người bình thường ở Việt Nam phải mất gần 30 năm mới làm ra. "10 năm qua tại Việt Nam chưa có một doanh nghiệp mới nào thành công lớn và kỳ diệu như vậy", Tech In Asia bình luận.

Rất nhiều doanh nhân Việt Nam, một là ngưỡng mộ thành công của Đông, hai là chế giễu ứng dụng của anh vì cho rằng nó tầm thường và "ai cũng có thể làm được". Nhưng không ai không nói về nó. Flappy Bird là điển hình của một sản phẩm đến từ Việt Nam có thể vươn tầm ra thế giới. Và nó làm được điều đó cực kỳ nhanh chóng.

Tuy nhiên, thành công của Flappy Bird chỉ là ngoại lệ. Ngay cả khi các công ty Việt có thể bước chân vào thị trường Mỹ, thành công cũng sẽ không đến nhanh. "Việt Nam vẫn cần thời gian để chạm tới thành công", Phạm Hợp Phố - Phó chủ tịch Quỹ đầu tư IDG Ventures Vietnam cho biết.

Mong muốn nhà đầu tư Mỹ chú ý đến Việt Nam là một trong những lý do chính cho chuyến viếng thăm Mỹ của VSV. "Rất khó để khiến một nhà đầu tư tin tưởng và rót vốn vào dự án của chúng tôi", Sarrie Bui (26 tuổi) - một trong những người sẽ tham gia vào chương trình sắp tới của VSV cho biết. Ý tưởng của cô là một website giống Etsy - sàn thương mại điện tử chuyên đồ thủ công, có chức năng kết nối các thợ thủ công và nghệ sỹ Đông Nam Á với người mua hàng trên khắp thế giới.

"Thương mại điện tử là một trong những lĩnh vực được Chính phủ Việt Nam quan tâm hiện nay. VSV sẽ giúp đỡ về mặt kiến thức, cũng như cách làm thế nào để hiện thực hóa các ý tưởng", Sarrie Bui chia sẻ.

Dù vậy, Việt Nam cần nỗ lực rất nhiều nếu muốn đạt mục tiêu có 5.000 công ty công nghệ hoạt động vào năm 2020. Tech in Asia ước tính Việt Nam hiện chỉ có khoảng 1.000 đến 2.000 công ty mới. "Việt Nam phải đổ thêm nhiều vốn hơn nữa vào lĩnh vực này mới có khả năng đạt mục tiêu đề ra, nếu không, con số 5.000 sẽ chỉ là hão huyền mà thôi", Tech In Asia nhận định.

TechElite là một trong những công ty Việt Nam hiếm hoi được rót vốn từ hai nhà đầu tư tại Thung lũng Silicon. Tuy nhiên, khi phát triển ý tưởng mới - WorkDone và cần thêm vốn, họ vẫn tìm đến VSV và huy động được 350.000 USD. TechElite còn được định giá 1,8 triệu USD. Họ mới hoạt động được 3 năm.

"Với VSV, chúng tôi không phải lo lắng quá nhiều về việc gặp gỡ nhà đầu tư. Vì họ có thể giúp chúng tôi rất nhiều bằng những người có tiềm năng bỏ vốn. Chính phủ phải gia nhập và hỗ trợ doanh nghiệp, bằng cách này hay cách khác. Và điều này rất cần thiết với môi trường khởi nghiệp tại Việt Nam", Phạm Kim Hùng - CEO Tech Elite cho biết.

Hà Tường (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu Việt Nam. Cung cấp thông tin bất động sản, thông tin mới nhất thị trường nhà đất và mua bán nhà đất tại Việt Nam. Network CafeLand gồm có: CafeLand Nhà Đất, CafeLand TV, CafeLand Map, CafeLand Proptech….