Cập nhật 29/12/2011 8:58 AM
Sự nghiệp kinh doanh của tỷ phú người Đức Theo Albrecht có lẽ sẽ được nhớ mãi trong ngành kinh doanh bán lẻ thế giới nói chung và nước Đức nói riêng vì nét khác biệt của nó.
Chuyện đời của tỷ phú bán hàng giá rẻ

Tỷ phú Theo Albrecht trong một bức hình cũ - Ảnh: Internet.

Hãng tin tài chính Bloomberg ngày 28/7 dẫn thông báo từ Aldi Nord – tập đoàn của tỷ phú Theo Albrecht – cho biết, ngày 24/7 vừa qua vị tỷ phú chuyên bán hàng giá rẻ đồng thời là người giàu thứ ba nước Đức này đã qua đời ở tuổi 88 tại thành phố Essen (thuộc Tây Đức cũ).

Stefan Genth, giám đốc điều hành Hiệp hội các nhà bán lẻ Đức, cho rằng: “ngành bán lẻ đã mất đi một trong những doanh nhân vĩ đại trong lĩnh vực này. Thế giới có ít người có thể tạo ra được nét riêng biệt trong toàn bộ hệ thống kinh doanh bán lẻ như ông. Ông cũng là người có công trong việc tạo ra phúc lợi cho xã hội khi thiết lập một hệ thống bán hàng có chất lượng cao nhưng giá cả lại phải chăng cho người tiêu dùng”.

Phát triển từ một Aldi nhỏ bé ở nước Đức để trở thành tập đoàn bán lẻ có quy mô toàn cầu với doanh thu năm ngoái đạt 68,9 tỷ USD đã giúp Theo và người anh của ông, Karl - 90 tuổi có tên trong danh sách những người giàu nhất thế giới của tạp chí Forbes. Theo Forbes, năm 2010 tổng tài sản của 2 anh em nhà này đạt tới 40 tỷ USD, trong đó tài sản của Theo là 16,7 tỷ USD xếp thứ 31 thế giới, còn Karl nằm trong “Tốp 10 tỷ phú giàu nhất thế giới” hiện nay.

Đi lên từ gian khó

Anh em nhà Albrecht lớn lên trong hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố là thợ mỏ bị thất nghiệp và phải chuyển sang làm phụ việc cho cửa hàng cắt tóc. Mẹ của Theo và Karl mở một cửa hàng rau nhỏ tại Schonnebeck, trong khu công nhân nghèo.

Năm 1946, hai anh em đã phát triển cửa hàng rau quả của mẹ trở thành “người khổng lồ” trong lĩnh vực siêu thị giá rẻ với tên gọi Aldi.

Tuy nhiên, phải đến đầu những năm 1960, Theo và Karl mới giới thiệu thương hiệu Aldi (tên viết tắt của Albrecht-Discount). Cũng vào thời điểm này, hai anh em nhà Albrecht đã phân chia quyền sở hữu và quản lý chuỗi cửa hàng này về hai khu vực phía bắc và phía nam nước Đức với hai công ty lớn lần lượt có tên là Aldi Nord và Aldi Sud.

Kể từ năm 1966, Aldi Nord của Theo và Aldi Sud của Karl hoạt động hoàn toàn riêng rẽ về cả mặt tài chính và pháp lý mặc dù họ vẫn có mối quan hệ tốt với nhau.

Chưa đầy một thập niên sau, cả hai công ty “họ” Aldi này đều mở rộng mạng lưới hoạt động ra khắp thế giới với số lượng cửa hàng tăng “như tên lửa”, đặc biệt sau cuộc Tái thiết nước Đức. Và hiện nay, “họ” Aldi có hơn 8.000 cửa hàng.

Trên thị trường thế giới, Aldi Nord có mạng lưới hoạt động tại Đan Mạch, Pháp, Benelux, bán đảo Iberian và Ban Lan, trong khi Aldi Sud hoạt động tại Ai-xơ-len, Anh quốc, Hungary, Áo và Slovenia, Mỹ và Úc.

Bí quyết thành công

Bí quyết thành công của 2 anh em nhà Albrecht chính là mô hình kinh doanh giá rẻ: Phân phối hàng hóa theo cách hạn chế phân loại, giảm tối thiểu chi phí cung ứng và quảng cáo.

Các siêu thị Aldi có ít người phục vụ, tiết kiệm chi phí trang trí, quảng bá cầu kỳ và tận dụng tối đa các giá bày hàng, nhiều hàng hóa thậm chí được bày trực tiếp ngay bệ gỗ dưới sàn. Tất cả chi phí tiết kiệm được đều được chuyển vào giá thành, làm giá hàng hóa tại Aldi rẻ hơn hầu hết các siêu thị khác.

Kết quả của mô hình kinh doanh này là tạo ra một kinh nghiệm mua sắm thiếu chọn lọc trong chuỗi siêu thị của hai anh em nhà này. Nhưng đổi lại, người tiêu dùng thường phải trả ít tiền hơn họ mua ở các siêu thị khác.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới tồi tệ nhất kể từ Đại Suy thoái, trong khi các tỷ phú khác gặp nhiều khó khăn do thua lỗ nặng từ thị trường chứng khoán, thì khối lượng tài sản của hai anh em tỷ phú này vẫn tăng lên.

Theo Klaus Kraenzle, nhà phân tích hàng tiêu dùng tại hãng nghiên cứu GSC Research ở Dusseldorf, hai anh em nhà Albrecht “đại diện cho một cuộc cách mạng trong thiết lập ra một khái niệm bán lẻ mới”.

Ít người biết đến cuộc sống riêng tư của cả hai anh em nhà Albrecht. Bức ảnh cuối cùng chụp Theo được công bố ra công chúng là vào năm 1971, một ngày sau vụ ông bị bắt cóc (17 ngày sau đó đã phải chi một khoản tiền 4,67 triệu USD để được thả ra). Một bức khác chụp cả hai anh em là vào năm 1987 của nhà báo Franz Ruch.

Theo Tầm nhìn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu Việt Nam. Cung cấp thông tin bất động sản, thông tin mới nhất thị trường nhà đất và mua bán nhà đất tại Việt Nam. Network CafeLand gồm có: CafeLand Nhà Đất, CafeLand TV, CafeLand Map, CafeLand Proptech….