Cập nhật 23/10/2012 4:16 PM
Bằng sự sáng tạo của mình, người nghệ nhân tài ba đã biến rác thành lá và hoa khô để rồi "biến" rác thành đô la một cách thành thục.

Nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu (ở phố Minh Khai, Hà Nội) là tác giả của ý tưởng "biến" rác thành đô la nổi danh trong giới nghệ sỹ. Những bức tranh bằng hoa khô, lá khô nổi tiếng, bán cho khách nước ngoài bằng tiền đô của ông đã được nhiều người biết đến. Người ta thích cái cách mà ông tạo hình trong bức tranh của mình.

Nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu

Từng nhận vợ Đại sứ Marốc làm ... học trò

Nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu năm nay đã ngoài 70 tuổi, nhưng ông vẫn làm bạn đều đặn với những bông hoa khô và nghiên cứu những công nghệ mới để giữ cho những sắc hoa ấy luôn được tươi mới và đẹp màu. Ông Mưu cho biết: "Tranh hoa và lá khô là một loại hình nghệ thuật độc đáo, thể hiện sự sáng tạo của người Việt trong việc tìm kiếm chất liệu mới, đặc sắc cho hội họa. Việc sử dụng lá cây làm chất liệu đã đem lại cho lá một cuộc sống vĩnh hằng và mang đến cho hội họa một hơi thở mới. Trước đây, tranh lá đã có mặt ở khắp Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ dưới nhiều hình thức thể hiện khác nhau như tranh cắt dán hoặc dùng màu vẽ lên lá". Dưới bàn tay nhào nặn của nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu thì lá, hoa khô là rác đã lên tranh với màu sắc khác nhau, tươi, trẻ và mang đậm phong cách người Việt Nam.

Trưởng thành từ trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, sau đó được về công ty Artexport (chuyên xuất khẩu thủ công mỹ nghệ), ông Mưu có dịp tiếp xúc với các chuyên gia của công ty Mitsishi (Nhật Bản) và học được một số kiến thức về công nghệ xử lý hoa khô. Ông kể: "Ngay lúc đó tôi đã có ý tưởng bắt tay vào làm mặt hàng này. Những năm tháng làm việc trong Tổng công ty Vegetexco (xuất khẩu rau, hoa, quả tươi), tôi có dịp bồi đắp và mở rộng kiến thức về sự đa dạng và đặc trưng của cỏ, cây, hoa, lá ở các vùng miền khác nhau. Từ khi gắn bó với cây, cỏ, tôi ngộ ra một điều, cuộc sống không có thứ gì là bỏ đi cả, chỉ có điều là ta tận dụng nó như thế nào mà thôi.".

Từ những chiếc là khô rụng, ông Mưu đã khéo léo ghép lại, tạo nên hình một bức tranh sinh động, khiến nhiều người ngạc nhiên. Khi người xem giờ đã quá quen với những bức tranh sơn dầu, bột mầu,.. thì tranh lá, hoa khô sẽ thành "hàng độc" nhờ những cách thể hiện độc đáo của người nghệ sỹ. Với hơn 40 năm thổi hồn vào hoa và lá khô, gia tài lớn nhất của ông Mưu là những bức tranh lá khô mang đậm hồn cốt Việt như: Cổng làng, cầu Thê húc, phố cổ Hà Nội… hay những bức chân dung được khách nước ngoài đến tận nhà đặt.

Ông kể cho tôi nghe về một kỷ niệm thú vị trong đời làm nghệ thuật của mình. Đó là ông đã từng nhận bà Fardani - vợ Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Marốc tại Việt Nam làm… học trò. Theo ông Mưu: Đầu năm 2012, khi ông đang làm việc tại nhà cùng các học trò thì có một "bà Tây" tới hỏi thăm địa chỉ của ông để làm hoa khô và tranh lá. Hỏi ra mới biết, đó là phu nhân của ngài El Houcine Fardani, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Marốc tại Việt Nam. Trong một lần ra hàng mua tranh, bà phu nhân ngài Đại sứ đã cảm thấy rất thích thú với những sản phẩm được làm từ hoa cỏ tự nhiên, nên tìm đến với nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu để học làm tranh. Sau 3 tháng được hướng dẫn, phu nhân ngài Đại sứ đã biết tự tay làm cho mình một bình hoa khô để làm quà cho khách tới thăm nhà. Đây cũng là một kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời của nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu.

Những bình hoa khô trong bộ sưu tập của nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu

Đưa loại tranh "độc" ra nước ngoài từ... rác

Nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu cho biết, nhiều người gọi ông là "cha đẻ" của dòng tranh hoa, lá khô Việt Nam và ông cũng là một trong 14 nghệ nhân Hà Nội được công nhận nghệ nhân ưu tú năm 2010. Tuy nhiên, với ông, làm nghề, gắn bó với nghề bằng niềm đam mê, thì mọi danh hiệu không quan trọng. Cái chính là ông làm ra sản phẩm, được nhiều người đón nhận và cùng cảm nhận cái hồn từ bức tranh để có sự đồng cảm với người làm ra nó - đấy là phần thưởng ý nghĩa nhất với ông.

Ông cho biết thêm, tranh ghép hoa lá khô có một giá trị đẹp, bởi chúng được làm từ chất liệu thiên nhiên, bắt ánh sáng, do vậy nhìn vào tranh lá có sự êm dịu, gần gũi. Đồng thời ông cũng mang một thông điệp nhỏ đến cho mọi người: "Yêu thiên nhiên, thân thiện với môi trường là việc con người nên làm".

Mùa nào hoa nấy, với sự phong phú của hoa, cỏ thiên nhiên Việt Nam, nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu đã làm cho những sắc màu của hoa, cỏ có một vị trí rất riêng. Với sự tìm tòi sáng tạo của mình, ông đã nghĩ ra cách chế ngự hoa và lá bằng hóa chất để chúng không bị mất nước đột ngột và khi làm ra bức tranh vẫn giữ được màu sắc tự nhiên mà không phải nhuộm màu. Nhiều khách hàng ngoài nước đã tìm đến ông để đặt hàng như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Ý…

Vào năm 2010, ông đã đi cùng đoàn của Tổng cục Du lịch Việt Nam sang Nhật Bản để giới thiệu nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam và ông dạy cho khách tham quan tại các triển lãm tại nhiều nước. Ông bảo, có đi mới thấy được, với nghề thủ công thì Việt Nam luôn là một trong những nước được bạn bè yêu mến nhất. Hiện nay, nghệ nhân Mưu có rất nhiều học trò đến học với những ước muốn rất giản dị là "Có niềm đam mê và kiên trì sẽ biến rác thành đô la".

Thành quả được ghi nhận

Gần nửa đời người gắn bó với dòng tranh đặc biệt này, những sáng tạo tranh ghép hoa, lá khô của nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu đạt đến trình độ hoàn hảo. Học trò của ông đã lên tới hàng trăm người và nhiều họa sĩ đã từng du học ở nước ngoài cũng về để học cách làm tranh lá rất Việt Nam từ ông. Nhiều khách hàng, sau khi xem tranh từ lá khô đều thốt lên rằng: "Nhìn bức tranh có hồn mà màu sắc rất thật". Đây cũng là nguồn động viên để nghệ nhân đam mê trọn đời với hoa lá, cỏ, cây
Theo Lạc Thành (NĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.