Cập nhật 23/02/2016 9:39 AM
Giá bán xe đạp tre cao hơn xe đạp thông thường, với giá bắt đầu từ hơn 6 triệu cho đến 40 triệu đồng mỗi chiếc.
Xe đạp đang dần trở thành một phương tiện luyện tập thể thao và giải trí phổ biến. Song phần lớn những loại xe này vẫn là khung sắt, nhôm hoặc cao cấp hơn là carbon, chứ làm bằng tre thì còn khá xa lạ. Có lẽ vì vậy mà tại cuộc triển lãm xe 2 bánh ở Việt Nam hồi cuối năm ngoái, gian hàng trưng bày xe đạp tre của anh Phạm Minh Trí, Giám đốc Công ty Xe đạp tre Việt, đã nhận được nhiều sự chú ý. Sau cuộc triển lãm này, anh đã bán được gần 150 chiếc xe và khung xe đủ loại.
Thực ra, xe đạp tre khá phổ biến trên thế giới, nhưng nhiều người Việt vẫn tin rằng xe đạp tre mang đậm nét thủ công mỹ nghệ hơn là một chiếc xe đạp bình thường. Anh Trí đang muốn thay đổi điều này. “Tôi làm xe đạp, chứ không phải làm xe thủ công mỹ nghệ”, anh nói.
Tre và xe đạp đến với anh Trí một cách tình cờ. Năm 2009, anh đã đọc được thông tin về xe đạp tre ở bên Đức (khi đó loại xe này vẫn chưa phổ biến trên thế giới). Đến năm 2012, anh bắt đầu chọn tre để nghiên cứu và làm chỉ vì nó... tốn ít tiền vật tư hơn là các loại phụ tùng gắn ngoài của ôtô, công việc anh định làm trước đây. Nhưng như anh Trí chia sẻ: “Ai cũng có thể làm được xe đạp tre, nhưng để thương mại hóa lại là chuyện khác”. Xe đạp có những tiêu chuẩn nhất định, dù làm bằng tre hay nhôm.
Cái khó làm nhất của xe đạp chính là khớp nối giữa các ống của khung xe, vì đó là những chỗ chịu lực trong quá trình hoạt động của xe. Trên thực tế, xe đạp tre xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2011, nhưng khi đó mới chỉ là các ống khung bằng tre, còn những khớp nối làm bằng sắt. Khớp nối của xe đạp tre được quấn bằng sợi gai và dán bằng loại keo đặc biệt, phải đúng tính chất vật lý và cả hóa học.
Cách giải quyết của anh Trí là đưa vào những phương trình toán học. Hồi còn học ở Đức và làm việc ở bộ phận thiết kế vật liệu của một hãng ôtô ở Stuttgart (Đức), anh Trí có điều kiện tiếp xúc với các loại mẫu và vật liệu chế tạo. Anh vẽ ra sườn xe, đưa vào chương trình thiết kế mô phỏng tính toán các chỗ chịu lực, rồi thay vật liệu và lặp lại quá trình như thế.
“Làm mô phỏng mới biết được chỗ nào sử dụng vật liệu gì và tối ưu hóa như thế nào”, anh Trí nói. Sau này, khi về Việt Nam, không còn chương trình mô phỏng để chạy nữa (vì không còn bản quyền), anh vẫn ráp các thông số vào phương trình và tự tính tay.
Những công thức của anh có vẻ đúng, khi khung xe tre đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn khung xe đạp của SGS, một công ty giám định độc lập toàn cầu chuyên thẩm định chất lượng các sản phẩm. Dù vậy, cũng phải qua 20 cái khung thử nghiệm trong 8 tháng, anh mới cho ra được sản phẩm ưng ý đầu tiên. Xưởng nghiên cứu, nơi anh thử nghiệm làm khung xe, là một căn nhà cấp 4 nhỏ, nằm trong một con hẻm ở Tô Hiến Thành, TP.HCM, được anh thuê từ năm 2013.
Sau khi trình làng thêm nhiều sản phẩm và có những tín hiệu vui từ cuộc triển lãm vừa qua, anh quyết định mở rộng để chinh phục thị trường Việt. Nhưng hành trình chinh phục sẽ không dễ dàng, bởi thực tế là các hãng xe đạp trong nước đang cạnh tranh khốc liệt với hàng nhập khẩu bắt mắt, đa dạng, trong khi chất lượng và giá cả khá tốt.
Liệu xe đạp bằng khung tre có đấu lại các loại xe khung kim loại? Đặc tính của tre là có khả năng hấp thụ chấn động tốt hơn. Vì vậy, khung bằng tre thì xe ít bị “tưng” hơn. Song không phải ai cũng có thể cảm nhận được, nhất là khi chạy đường bằng phẳng thì không có gì khác, anh cho biết.
Xét về mô hình kinh doanh, xe đạp tre vẫn chỉ là thị trường ngách, dành cho những ai yêu thích môn thể thao đạp xe và thích hàng “độc lạ”.
Anh Trí cũng không phải là người đầu tiên hay duy nhất làm xe đạp tre ở Việt Nam. Nếu kể đến những tổ chức làm loại xe này thì có Xuân Lai ở phía Bắc hay Mekong Creator ở phía Nam. Tuy nhiên, xe đạp không phải là thế mạnh chủ yếu của họ. Xuân Lai là cơ sở chuyên sản xuất đồ nội thất bằng tre, trong khi Mekong Creator là đơn vị đặt hàng cho nông dân làm xe đạp tre để bán theo kiểu thủ công mỹ nghệ.
Cũng có không ít cá nhân làm xe đạp tre. “Mỗi tuần có một người làm xe đạp tre trên thế giới xuất hiện”, anh nói. Còn ở Việt Nam, có một số người làm xe đạp tre ở các địa phương như Hội An, Cần Thơ. Cũng có người Mỹ qua Việt Nam làm xe đạp tre và xuất trở lại Mỹ.
Điểm chung của những nhà sản xuất xe đạp tre ở Việt Nam hiện nay đều là làm thủ công, kể cả công ty của anh Trí và bán theo kiểu hàng thủ công mỹ nghệ. Hệ quả chung là chi phí cao, giá bán cao và xe đạp tre khó mà xây dựng được thị phần ở những quốc gia có mức thu nhập khá thấp như Việt Nam. Trên thực tế cho đến nay, không chỉ công ty của anh Trí, các tổ chức làm xe đạp tre khác chủ yếu để xuất khẩu.
Dẫu vậy, anh Trí tin rằng sự kết hợp giữa tre và xe đạp sẽ có chỗ đứng riêng của nó. Để bán được hàng nhiều hơn tại Việt Nam, anh Trí tìm cách giảm chi phí sản xuất. Năm nay, anh dự tính đầu tư nhiều hơn vào hạ tầng. Làm theo quy mô lớn sẽ mang lại lợi thế về chi phí, song điều này cũng sẽ làm giảm tỉ suất lợi nhuận.
Tỉ suất lợi nhuận của ngành xe đạp truyền thống là khoảng 15-20%. Trong khi đó, xe đạp tre mang “mác” thủ công mỹ nghệ có tỉ suất sinh lợi lớn hơn nhiều. “Người ta không nghĩ là mình mua xe đạp, mà là hàng thủ công mỹ nghệ có thể di chuyển nên bán giá cao hơn”, anh Trí nói. Anh cho biết xe đạp tre được bán với giá từ hơn 6 triệu đồng cho đến 40 triệu đồng mỗi chiếc.
Hiện tại, xưởng anh có 3 thợ chính và sắp tới sẽ đẩy mạnh việc bán hàng và tiếp thị. Ngoài chuyện tham gia triển lãm, cuối năm 2015, anh cũng thuê thêm căn hộ bên cạnh xưởng nghiên cứu để mở cửa hàng trưng bày giới thiệu. Để thâm nhập thị trường trong nước, anh còn dự tính kết hợp với các khu resort sinh thái và mở những phòng trưng bày xung quanh đó.
Làm xe đạp tre khó mà xây dựng thương hiệu cũng khó, bởi không thể đăng ký bản quyền. Xe đạp cũng dễ bị bắt chước, kiểu dáng và mẫu mã. Nhưng anh Trí tỏ ra tự tin vào khả năng nghiên cứu của mình.
Nếu trước đây xe đạp tre chỉ có khung xe làm bằng tre thì nay anh đã bổ sung thêm rất nhiều chi tiết khác như ghi-đông, vè xe, phuộc xe đều làm bằng tre và nhuộm màu cho các khớp nối. Sắp tới anh còn nghiên cứu cả vật liệu gỗ. “Đây mới chỉ là bước đầu tiên của xe đạp tre, đi sâu hơn thì có rất nhiều mẫu mã, biến thể khác nhau và có nhiều cách làm khác nhau”, anh Trí nói.
Sau cuộc triển lãm vừa qua, anh đã bán được gần 150 chiếc xe và khung xe đủ loại, bằng với mức kỳ vọng cho cả năm nay, anh Trí cho biết. Dù vậy, mô hình xe đạp tre này hiện vẫn chưa đủ bù đắp chi phí trong nhiều năm qua. Hiện tại, anh vẫn làm một công việc khác để nuôi dưỡng ước mơ khởi nghiệp này.
Khởi nghiệp sâu hơn với xe đạp tre sẽ lấy đi nhiều công sức, tiền của và thời gian hơn. Đồng minh trong cuộc chơi khởi nghiệp xe đạp tre của anh Trí là vợ anh, hiện đang quản lý tài chính cho một công ty nước ngoài tại Việt Nam. Anh cũng có ý định gọi thêm vốn để tăng năng lực đầu tư vào cơ sở sản xuất, từ đó đẩy sức mạnh lợi thế theo quy mô. Tuy nhiên, đó là trong tương lai, câu chuyện hiện tại là anh đang cố gắng đẩy doanh thu lên cao trong vòng 2 năm tới.
Thiên Phong (NCĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Làm giàu từ xe đạp tre

    Làm giàu từ xe đạp tre

    18/10/2016 3:26 PM

    Hàng nghìn năm nay ở châu Á, tre đã được sử dụng để phục vụ kiến trúc và xây dựng nhưng ý tưởng về một chiếc xe đạp làm từ tre dường như khá táo bạo và kỳ lạ.

  • Chàng kỹ sư và ý tưởng khởi nghiệp với xe đạp tre

    Chàng kỹ sư và ý tưởng khởi nghiệp với xe đạp tre

    23/02/2016 9:39 AM

    Giá bán xe đạp tre cao hơn xe đạp thông thường, với giá bắt đầu từ hơn 6 triệu cho đến 40 triệu đồng mỗi chiếc.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.