Dưới đây là kinh nghiệm khởi nghiệp được anh Lê Quốc Kiên 30 tuổi (TP HCM) chia sẻ với độc giả.
Trước khi mở ra mô hình phục vụ ăn vặt, tôi làm tư vấn chiến lược về truyền thông với mức lương trên 20 triệu đồng mỗi tháng, còn vợ tôi làm kế toán tổng hợp. Từ năm 2013 vợ chồng tôi đầu tư được 16 phòng trọ cho thuê với thu nhập trên 30 triệu. Một nửa trong khoản đầu tư này được vay mượn từ gia đình 2 bên, bạn bè và ngân hàng, sẽ hoàn vốn sau 6 năm.
Lương khá, cơ hội thăng tiến trong công việc được xem là tốt, ngoài công việc tư vấn ở các công ty nước ngoài, tôi còn được tiếp xúc với nhiều đối tác giỏi, thậm chí là với CEO của các công ty, tập đoàn. Ngoài ra, tôi còn được đích thân giám đốc công ty dạy dỗ, dìu dắt và đào tạo trong tất cả các dự án lớn nhỏ do mình phụ trách. Thậm chí, mỗi lần anh đi tư vấn ở đâu cũng đưa tôi theo để quan sát học hỏi và trực tiếp truyền dạy những kiến thức, kinh nghiệm. Nếu vẫn duy trì công việc cũ, tôi tin là sau 2-3 năm tôi hoàn toàn có thể hoàn thiện các kỹ năng để đủ sức phát triển thành cấp quản lý, giám đốc với mức lương không dưới 2.500USDNhưng mọi thứ hoàn toàn xoay chuyển, bắt đầu từ ý tưởng của vợ tôi. Trong quá trình làm ở văn phòng, cứ tầm khoảng 14h-17h cô ấy và các đồng nghiệp lại hay "buồn miệng" thèm ăn linh tinh, nhưng lại ko biết phải mua ở đâu, vì nếu mua ở các quán vỉa hè, xe đẩy thì cũng rất bất an về vệ sinh, chưa kể đi lại khó khăn... Từ đây, vợ tôi nảy ra ý định nghỉ làm để ở nhà bán đồ ăn vặt online cho dân văn phòng.
Khi vợ chia sẻ với tôi điều này, tôi thấy cũng rất đúng với văn phòng làm việc của mình. Và tôi còn nhận ra một nhu cầu mới là vừa ăn nhẹ vừa "tám chuyện" 5-10 phút của dân văn phòng vào giờ chiều để xả stress. Do đó, tôi nhanh chóng ủng hộ và xác định chỉ bán trong thời gian ngắn từ 13h đến 17h mỗi ngày để phục vụ bữa xế cho dân văn phòng, đồng thời chỉ giao hàng online chứ không bán tại chỗ để đỡ bận rộn và vợ sẽ có nhiều thời gian cho gia đình.
Khi vợ đã nghỉ việc ở nhà để chuẩn bị triển khai kế hoạch thì tôi cũng tự tiến hành khảo sát về "nhu cầu ăn vặt của dân văn phòng trong khoảng thời gian 13h - 17h" và kết quả nhận được vượt ngoài mong đợi, đó là nhu cầu rất lớn mà chưa ai làm, hoặc có làm thì cũng chưa tới nơi tới chốn và đã thất bại.
Từ phát hiện trên, tôi quyết định đây không còn là dự án kinh doanh nhỏ của vợ nữa mà chúng tôi sẽ cùng nhau dốc toàn lực để thực hiện ý tưởng này với kỳ vọng sẽ là người tiên phong thành công trong việc cung cấp các bữa ăn vặt, các bữa ăn team building cho dân văn phòng vào khoảng thời gian xế. Do đó, tôi cũng nộp đơn xin nghỉ việc. Cả 2 vợ chồng cùng bắt đầu thực hiện ý tưởng này, lấy thương hiệu là Teabreak Express.
Lần làm lại thứ ba này vẫn chưa thành công như mong muốn, nhưng vợ chồng Lê Quốc Kiên vẫn không dừng lại.
Tuy nhiên, khi bắt tay vào triển khai dự án, cả hai vợ chồng đối mặt không ít khó khăn. Chúng tôi không được gia đình, bạn bè... ủng hộ. Mọi người nghĩ cả hai bị điên khi bỏ công việc đang rất tốt ở môi trường chuyên nghiệp để đi làm công việc tẹp nhẹp lượm bạc cắc. Ngay cả giám đốc công ty, người mà tôi coi như thầy, rất hiểu tôi cũng đặt câu hỏi vì sao không biết gì về ẩm thực mà lại dám làm quán ăn? Mà bản thân tôi cũng nhận thấy điều này. Tôi không sành ăn, thậm chí không ăn được nhiều món ăn vặt, dẫn đến không biết công thức món ăn nào.
Nhưng khi đó tôi cũng có lý lẽ riêng cho mình. Chúng ta có thể làm thuê cả đời, trong khi cơ hội làm kinh doanh riêng không dễ "thấy". Và khi đã "thấy" cơ hội rồi không phải ai cũng "dám nghĩ", "nghĩ" tới rồi không phải ai cũng "dám làm", mà đã "dám làm" rồi không phải ai cũng "dám thất bại" để đi tới cùng. Tôi còn trẻ, tôi cần phải làm những gì tôi thích để sau này không phải hối tiếc. Nếu thất bại, tôi sẽ đi làm thuê lại để tích lũy thêm kinh nghiệm và chờ thời tiếp.
Xuất phát điểm môi trường kinh doanh của tôi bình dân, nhưng tham vọng của tôi là phát triển thành một chuỗi quán ăn vặt với mô hình quản lý chuyên nghiệp. Nếu chỉ làm một quán ăn thì không đáng để tôi phải đánh đổi nhiều như vậy.
Vì mới kinh doanh lần đầu, nên tôi triển khai khá cẩn trọng. Từ tháng 6/2014 đến tháng 9/2014, tôi chỉ làm nhỏ tại nhà nhằm thử nghiệm các công thức món ăn; cách vận hành doanh nghiệp, chế biến, giao hàng. Chúng tôi dự tính, bước đầu mỗi ngày nhận được 10-15 đơn hàng, doanh thu trung bình 1,5 triệu đồng.
Nhưng kết quả mà hai vợ chồng thu được quá thất vọng, doanh thu trung bình chỉ được 500.000 đồng cho 4-5 đơn hàng, trong khi tiền thuê 6 nhân viên (3 nấu bếp, 3 giao hàng) làm từ 13h đến 17h cũng đã 11 triệu đồng. Thức ăn ế bị hủy liên tục làm đội chi phí lên cao. Đáng buồn là 90% khách hàng một ăn không trở lại, trong khi nhân viên thay đổi liên tục, hiệu quả làm việc cực kỳ kém. Đã vậy, gia đình tôi càng gây áp lực, nhưng quan trọng hơn là thiệt hại về tinh thần vì mọi thứ diễn ra trong thực tế khác xa dự tính ban đầu.
Ngồi lại phân tích nguyên nhân, hai vợ chồng mới thấy rằng mình đã phân tích sai nhu cầu và thói quen của khách hàng mục tiêu, cộng với món ăn quá dở, hay bị lỗi như quá mặn, quá ngọt, bảo quản kém,..., thêm nữa là thực đơn ít món, giao hàng lâu...
Rút kinh nghiệm và quyết tâm làm lại, chúng tôi quyết định ra ngoài làm để tránh bị gia đình tác động về tinh thần bằng việc thuê một mặt bằng ở quận 1, tuyển 4 bếp, 4 giao hàng và một quản lý. Tổng tiền lương là 22 triệu đồng mỗi tháng.
Mục tiêu lần này của tiệm là tiếp cận tất cả khách hàng mục tiêu bán kính xung quanh quán 1km, phải có được đặt hàng từ 1.000 công ty, giữ được 75% lượng khách hàng có được và bắt đầu có lợi nhuận, hoặc chí ít doanh thu đảm bảo hòa vốn.
Sau một thời gian, sơ kết lại, hoạt động kinh doanh lần này có tốt hơn, doanh thu trung bình mỗi ngày 2,5 triệu đồng cho 15-20 đơn hàng, giảm 70% tỷ lệ thức ăn hủy so với giai đoạn một. Đáng mừng là 70% đơn hàng được giao trong 30 phút, 20% trong 30-45 phút, 10% giao trên 45 phút và có được đặt hàng từ 700 công ty... Tuy nhiên gia đình tôi lại ngày càng gây áp lực vì kết quả vẫn là lỗ (thiệt hại 45 triệu trên tổng số 120 triệu đồng đầu tư), và thời gian dành cho quán nhiều, từ 8h đến 19h mỗi ngày.
Lần này chúng tôi thật sự bắt đầu nghi ngờ bản thân vì mọi thứ tính toán vẫn còn cách quá xa so với thực tế. Tiếp tục ngồi lại mổ xẻ, hai vợ chồng mới thấy đồ ăn vẫn chưa ngon, chưa có gì đặc sắc, thực đơn không đủ phong phú, chưa tối đa hóa được năng suất của nhân viên nên 30% số lượng đơn hàng vẫn giao trễ hơn 30 phút... Ngoài ra, tôi còn phát hiện một số lý do khách quan từ việc đặt hàng theo nhóm. Ví dụ, 10 người ăn, chỉ một người không hài lòng là cả nhóm bị ảnh hưởng theo và người đại diện đứng ra gọi đặt món sẽ không gọi lại nữa.
Từ đây, tôi tiếp tục rút ra kinh nghiệm rằng dân văn phòng cực kỳ khó tính trong vấn đề ăn uống, nên món ăn phải thật ngon và thực đơn phải đa dạng để họ đổi món. Bên cạnh đó phải chú ý tới từng chi tiết để hạn chế những lỗi rủi ro thường gặp phải khi giao. Cần tập trung vào các món ăn ít bị ảnh hưởng do thời gian ăn và khoảng cách giao hàng. Cải thiện cách bảo quản món ăn khi giao hàng nhằm hạn chế việc giảm chất lượng hàng...
Bên cạnh giao hàng, cần tăng năng suất sử dụng mặt bằng để tận dụng khách hàng tại chỗ, đồng thời phát triển thêm chi nhánh mới nhằm rút ngắn khoảng cách giao hàng và có không gian bếp tốt hơn...
Quyết bung hết sức cho lần làm lại thứ ba này, bắt đầu từ tháng 1/2015 tôi mở thêm chi nhánh lớn hơn ở quận 3, phát triển nhân sự lên thành 22 người, trong đó tập trung nhiều hơn cho đội ngũ bếp. Riêng tiền thuê mặt bằng và trả lương nhân viên mỗi tháng lên tới 93 triệu đồng.
Tôi tiếp tục đặt ra mục tiêu phải rút ngắn khoảng cách đến tất cả văn phòng ở quận 1, quận 3 trong phạm vi tối đa 1,5km. Có được đặt hàng từ 1.500 đến 2.000 công ty. Tôi cũng chủ động tiếp cận thêm đối tượng khách hàng mới là sinh viên để phát triển thêm mảng bán tại chỗ, trong đó tận dụng lợi thế mặt bằng đối diện trường học để có lượng khách hàng sẵn có.
Với đầu tư bài bản như thế này, tôi tự tin hướng tới mục tiêu có doanh thu 10 triệu đồng mỗi ngày, trong đó 4 triệu là giao hàng, 6 triệu bán tại chỗ.
Rất may, sau 4 tháng hoạt động, đến nay doanh thu trung bình một ngày của tôi đã đạt mức 6-6,5 triệu đồng, tiệm cận mức hòa vốn mà tôi tính toán là 7-8 triệu đồng. Nhưng từ đây cũng phát sinh thêm một số vấn đề là khó quản trị tốt cùng lúc 2 điểm kinh doanh. Sau khi cân nhắc, tôi quyết định đóng cửa tiệm ở quận 1. Bên cạnh đó, tôi thấy việc bán tại chỗ khác quá xa với giao hàng; khách hàng sinh viên cũng khác với khách văn phòng, dẫn đến khủng hoảng việc quản trị để phục vụ được cả 2 nhóm khách hàng và chạy song song 2 hình thức bán hàng. Ngoài ra, thực đơn quá dàn trải nên phát sinh nhiều lỗi mới, trong khi lỗi cũ chưa xử lý kịp...
Tổng kết lại, hai vợ chồng vẫn thiệt hại 150 triệu trên tổng số 300 triệu đồng đầu tư lần này. Từ đây, chúng tôi bắt đầu đuối vốn do cả 2 vợ chồng đã thất nghiệp hơn 10 tháng mà vẫn phải vay nợ bù lỗ để đầu tư ban đầu và duy trì quán. Chưa kể áp lực vì lượng công việc tăng đột ngột gấp 3-4 lần khiến chúng tôi phải ra khỏi nhà làm việc từ 5h đến 23h mỗi ngày. Lúc này vợ tôi đang mang bầu 7 tháng vẫn không được nghỉ ngơi, ngay cả việc khám thai cũng phải đặt lịch 22h đêm mới đi được...
Giờ đây, tôi mới thấy mình cần có đối tác cùng làm để san sẻ công việc, tài chính và ủng hộ tinh thần. Ngoài đội ngũ bếp, phục vụ, giao hàng, cần phát triển thêmbộ phận văn phòng để quản trị tốt hệ thống và có thời gian đầu tư cho truyền thông và phát triển chiến lược.
Nhưng trước khó khăn đè nặng này, tôi thấy tinh thần và bản lĩnh của mình ngày càng cao, dần vượt qua được các áp lực, thử thách. Hơn nữa, phân tích kỹ, tôi thấy tốc độ phát triển, phản hồi của khách hàng và chất lượng của công ty mình so với đối thủ cạnh tranh trên thị trường dần tích cực. Điều này làm tăng thêm ý chí và niềm tin "Đích của con đường đang đi có vẻ đúng. Vấn đề là cách vượt qua ổ gà, xe cộ và các vật cản khác để đến đích".
Lê Quốc Kiên
-
Một thập kỷ sau khi qua đời, Steve Jobs vẫn để lại những bài học quý giá cho các tỷ phú như Bill Gates và Elon Musk
13/10/2021 12:30 AMCafeLand - Mười năm trước, Steve Jobs qua đời ở tuổi 56 sau một năm dài chiến đấu với căn bệnh ung thư - một cái chết không đúng lúc đối với một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất của ngành công nghệ cho đến ngày nay.
-
5 bài học từ thất bại tới thành công của Walt Disney
01/09/2021 8:08 AMWalt Disney được thế giới biết đến như "cha đẻ" của hãng phim hoạt hình nổi tiếng, nhưng ít ai biết ông cũng từng gặp nhiều khó khăn, thất bại.
-
3 bài học chuyển đổi số từ Amazon dành cho các công ty tài chính và kế toán
19/08/2021 8:47 AMCác công ty dịch vụ tài chính và kế toán có thể học hỏi từ các chiến lược chuyển đổi số đã giúp Amazon đạt được tốc độ phát triển thần tốc trong 20 năm qua.
-
Những bài học của tỷ phú Leonard Lauder
13/07/2021 8:55 AMTrong cuốn hồi ký 'Công ty tôi gìn giữ', Leonard Lauder kể về hành trình dẫn dắt công ty Esteé Lauder vượt nhiều thử thách, đi tới thành công.
-
Bài học từ 15 sai lầm lớn nhất về tiền bạc của tỷ phú Warren Buffett
26/04/2021 9:44 AMWarren Buffett có thể được xem là nhà đầu tư vĩ đại nhất mọi thời đại. Suốt nhiều thập kỷ qua, vị CEO của Berkshire Hathaway đã cho cả thế giới thấy được khả năng đọc vị Phố Wall của mình.
-
Bài học cho kinh tế toàn cầu từ vụ tàu mắc kẹt ở kênh Suez
30/03/2021 7:43 AMSự cố Ever Given phơi bày điểm yếu của hệ thống thương mại toàn cầu, khi vận tải biển quá phụ thuộc vào kênh đào nhỏ hẹp.