Vượt qua những khó khăn khi khởi nghiệp, sau 8 tháng hoạt động, công ty của chàng sinh viên 23 tuổi đã thu về 78 tỉ đồng, tỉ suất lợi nhuận đạt 36%.

Đang là sinh viên năm thứ 3 Đại học Ngoại thương, nhưng Huỳnh Ngọc Tân không chịu dừng ở việc học tập với những bài lí thuyết trên giảng đường. Với sự năng động của lứa tuổi 9x, Tân lao ra ngoài đời để vừa học vừa “hành” ngay trong thực tế. Chính nhờ việc môi giới bất động sản khi thị trường này đang vật vã trong “cơn sốt” nóng, cậu sinh viên đã thu được những thành công đầu đời và mua được căn hộ trị giá 1 tỉ đồng bằng tiền tự kiếm được. Công việc vẫn thuận lợi, nhưng Tân bất ngờ chuyển hướng.

Bước rẽ ngoạn mục

Tháng 11/2012, Tân quyết định thành lập Công ty Hynota, chuyên kinh doanh loại thiệp nổi Kirigami của Nhật Bản với tâm nguyện: hy vọng + nỗ lực = tài sản. Công ty chuyên thiết kế và sản xuất các loại thiệp giáng sinh, thiệp cưới, thiệp sinh nhật, thiệp 3D… Tân cũng giải thích lí do lập công ty riêng là muốn được thực hành những kiến thức quản trị kinh doanh được học tại trường đại học, thực hiện ước mơ tạo dựng và điều hành một doanh nghiệp của riêng mình. Mặc dù vẫn là sinh viên, nhưng công ty do Tân thành lập vẫn có đầy đủ cơ cấu tổ chức chặt chẽ với 31 thành viên, chia thành nhiều bộ phận chuyên môn: Ban giám đốc, phòng quản trị thương hiệu, thiết kế, kinh doanh, tài chính kế toán, sản xuất. Khác hoàn toàn với việc môi giới bất động sản, kinh doanh thiệp đòi hỏi nhiều vốn và sáng tạo chứ không chỉ những lời tư vấn. Tân phải đầu tư hàng trăm triệu đồng cho việc thử nghiệm và tạo ra các mẫu sản phẩm; cho nhân viên thiết kế và học vận hành máy móc; tìm mua nguyên vật liệu và thiết bị... Ngoài nguồn vốn tích lũy được từ thời làm bất động sản, vay của bạn bè, tạm ứng trước từ khách hàng... Tân còn nhận được hỗ trợ nhiệt tình từ cha mẹ. Tuy nhiên, thời đầu khởi nghiệp cùng sự bận rộn là những khó khăn, thử thách. Những lô sản phẩm đầu tiên của Hynota hầu hết bị từ chối do sản phẩm tuy lạ, đẹp, nhưng giá quá đắt. Vốn hết, thậm chí công ty rơi vào cảnh nợ nần. Không nản chí, Tân cùng các nhân viên của công ty động viên nhau chăm chỉ đi chào hàng tại các công viên, hội chợ, nhà sách, bán hàng online… Nhờ những nỗ lực không mệt mỏi đó, sản phẩm của Hynota dần dần được thị trường chấp nhận, có nguồn thu và bắt đầu có lãi. Chỉ bốn tháng sau khi ra đời, Hynota đã thu hồi được vốn đầu tư. Từ chỗ tưởng như thất bại đến hết quý 2/2013, sau 8 tháng hoạt động, Hynota đã thu về 78 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận đạt 36%.

Tiếp chặng đường chinh phục

Mục tiêu của Hynota là mở rộng xuất khẩu chiếm tỉ trọng 85% và tiêu thụ nội địa 15%

Nếu so sánh giá sản phẩm của Hynota với thiệp in màu có thể cao hơn từ 5 đến 10 lần; so với thiệp thủ công (hoa khô, vải, gỗ dán) cao hơn gấp rưỡi đến gấp đôi. Chân ướt chân ráo gia nhập thị trường trong khi sản phẩm có giá cao, nhưng Tân vẫn rất tự tin. Cậu cho rằng, mình đang cạnh tranh trong một thị trường không có đối thủ, hoàn toàn không lo bị “đụng hàng”. Tân khẳng định: “Các công ty kinh doanh thiệp tung ra thị trường sản phẩm “mẫu thiệp để viết chữ lên đó”, còn Hynota thật sự bán “một tác phẩm nghệ thuật”. Do giá thành cao, Tân chọn mục tiêu xuất khẩu là chủ yếu, so với kinh doanh nội địa, tỉ trọng là 85% - 15%. Là sinh viên Đại học Ngoại thương, Tân hiểu rằng, ưu thế về các nghiệp vụ xuất nhập khẩu, việc gửi thư chào hàng trang trọng hay mở các tín dụng thư (L/C) cho các đối tác nước ngoài thuận lợi hơn nhiều vì có công nghệ thông tin so với việc đi chào hàng nội địa, nơi quá khó khăn để thuyết phục người mua hàng với giá cao như vậy. Bằng cách làm này, hiện nay sản phẩm của Công ty Hynota đã có mặt tại 6 nước: Mỹ, Canada, Pháp, Úc, Nga và Đức.

Kinh doanh khá thành công, nhưng với bản tính thích chinh phục thử thách, dự định sắp tới của Tân không chỉ dừng lại ở thiệp. Tân bật mí, trong một năm tới, Công ty sẽ phát triển các dòng thiệp có tạo mẫu theo các kỳ quan, công trình nổi tiếng thế giới như: kim tự tháp, tượng nữ thần tự do, Angkor Wat… để xuất khẩu, mở rộng kênh phân phối ra toàn cầu. Xa hơn nữa, trong vòng 5 năm tới, Tân mong muốn công ty sẽ trở thành đơn vị thu mua hàng mỹ nghệ trên toàn cầu và xuất khẩu sang các nước thông qua các kênh tiêu thụ đã có sẵn. Còn nữa! Tân nghĩ đến tầm chiến lược 10 năm, nhờ sở hữu đội ngũ kỹ sư giỏi về đồ họa lập thể, đặc biệt là các chi tiết tinh xảo khi thiết kế thiệp, Công ty Hynota sẽ trở thành một tập đoàn chuyên về thiết kế và thi công các chi tiết “vi cơ khí”.

Chàng trai 9X không ngừng mơ ước và đặt mục tiêu cho chính cuộc đời mình: “Trong bối cảnh Intel đã mở nhà máy tại Việt Nam, Samsung, Nokia cùng các hãng khác cũng vậy, nhưng trong nước, ngành công nghiệp phụ trợ vẫn chưa phát triển, Hynota sẽ học tập kinh nghiệm, tích trữ vốn để trở thành nhà cung cấp các chi tiết kỹ thuật cao, đáp ứng nhu cầu của các tập đoàn công nghiệp lớn, góp phần xây dựng nền kinh tế nước nhà”.

Mai Khanh (Doanh nhân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.