Đại hội đồng cổ đông diễn ra vào cuối tháng này của Masan Resources - công ty con của tập đoàn Masan, dự kiến sẽ thông qua việc từ nhiệm thành viên HĐQT của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang. Cách đây không lâu, tỷ phú Nguyễn Đăng Quang cũng đã rời ghế Tổng Giám đốc tại tập đoàn Masan sau nhiều năm kiêm nhiệm.

CTCP Tài nguyên Masan (Masan Resources, UPCoM: MSR) - Công ty con của tập đoàn Masan hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản, vừa công bố tài liệu đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2020.

Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang tiếp tục rút khỏi HĐQT Masan Resources

Tại ĐHĐCĐ lần này, HĐQT công ty trình cổ đông thông qua việc từ nhiệm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2016 – 2021 của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang.

Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang

Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang

Được biết, tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đã có đơn xin rút khỏi ban lãnh đạo Masan Resources từ cuối năm 2019. Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang hiện là Chủ tịch tập đoàn Masan.

Như vậy, sau khi tỷ phú Nguyễn Đăng Quang thôi chức, HĐQT Masan Resources sẽ còn lại 4 thành viên. Chủ tịch công ty là ông Danny Le, sinh năm 1984, người vừa được bổ nhiệm làm tổng giám đốc tập đoàn Masan ngày 19/6.

Mục tiêu doanh thu lên tới 9.000 tỷ

Về kết quả kinh doanh, năm 2019, Masan Resources ghi nhận sự sụt giảm mạnh cả về doanh thu lẫn lợi nhuận. Cụ thể, doanh thu giảm 31% còn khoảng 4.700 tỷ đồng và lợi nhuận giảm 47% xuống 352 tỷ đồng. Với kết quả đó, công ty dự kiến sẽ không chia cổ tức cho năm 2019.

Theo đánh giá của ban lãnh đạo Masan Resources, môi trường kinh doanh năm qua gặp nhiều khó khăn. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu sụt giảm, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất cùng với ảnh hưởng lớn của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến giá các sản phẩm vonfam, florit, đồng và bismut đi xuống.

Doanh thu công ty cũng bị ảnh hưởng bởi sản lượng bán tinh quặng đồng giảm trong năm 2019 do nhu cầu trong nước hạn chế đối với tinh quặng và do các nhà máy luyện đồng ở Việt Nam bị đóng cửa vì vấn đề môi trường. Ngoài ra, việc xin giấy phép xuất khẩu tinh quặng đồng kéo dài. Công ty mới chỉ nhận được giấy phép xuất khẩu từ Bộ Công Thương vào tháng 5 năm nay.

Để bù đắp một phần tác động của việc giá thành và sản lượng sụt giảm, Masan Resources đã tập trung vào việc kiểm soát chi phí. Đặc biệt, Masan Resources đã dàn xếp xong vụ kiện kéo dài với Jacobs E&C Australia trong năm qua và đã nhận được khoản tiền bồi thường 130 triệu USD.

Dựa trên tình hình hoạt động kinh doanh, tình hình tài chính hiện tại của công ty và đà phục hồi hình chữ V của các thị trường toàn cầu trong nửa cuối 2020, ban điều hành Masan Resources đặt mục tiêu doanh thu 8.000-9.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông công ty 200-500 tỷ đồng.

Cũng theo tài liệu này, Masan Resources dự kiến sẽ phát hành thêm tối đa 9,99% cổ phần đang lưu hành cho các nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước để tăng vốn. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ công ty sẽ tăng thêm 899 tỷ lên 9.892 tỷ đồng

Xem thêm bài viết về: Nguyễn Đăng Quang
Huyền Anh (Dân Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.