David Dương là một người Mỹ gốc Việt với tên tiếng Việt là Dương Tử Trung. Cha ông là Dương Tài Thu, ông chủ của hãng giấy nổi tiếng Sài Gòn một thời, Cogido.

Khởi nghiệp từ con số 15 triệu đồng, gia đình ông David Dương đã tạo dựng được vị thế ngang hàng cùng các đại gia trong ngành thu gom rác thải ở Mỹ qua những gói thầu hàng trăm triệu USD.

"Đế chế rác" tại Mỹ

Ở Việt Nam, trong những năm 1970, gia đình ông là chủ sở hữu hãng giấy Cogido nổi tiếng ở Sài Gòn. Ông David Dương sang định cư ở San Francisco (Mỹ) vào cuối những năm 80.

“Đến Mỹ, nơi hoàn toàn xa lạ, lạc lõng, không vốn ngoại ngữ, hoàn toàn không có quan hệ gì với những người xung quanh, tôi cùng với mấy anh em trong gia đình đã đi tìm kiếm, thu gom các giấy bìa carton và giấy vụn để đi bán kiếm sống. Riết rồi quen!”. David Duong chia sẻ.

Theo lời dặn dò của cha mình vốn “đi đâu cũng thấy máu kinh doanh”, hàng ngày mấy anh em của David Duong đều mua vé đón tuyến xe buýt số 16 đi khắp thành phố San Francisco, ngồi sát cửa sổ để phóng mắt quan sát xem những nơi nào đang tập kết, thu gom rác, hầu mong có cơ hội tiếp cận và làm quen với “dân làm ve chai”.

David Dương – người được báo chí gọi là “Vua rác” hay “tỷ phú rác”.

Rồi một ngày nọ, với 700 USD gom góp được của các thành viên trong gia đình, cụ thân sinh họ Dương quyết định đi mua trả góp một chiếc xe tải cũ kỹ có giá hơn 2.000 USD, để thu gom phế liệu khắp thành phố, về phân loại và bán lại kiếm sống. Chiếc xe thứ 2, thứ 3, rồi thứ 4,... dần dần đã trở thành phương tiện kiếm sống của nhà họ Dương, khi cơ ngơi bắt đầu khấm khá lên.

Cho đến năm 1981, ông quyết định qua Đài Loan để tìm lại đối tác cũ ngày xưa của cha mình; rồi trở về Mỹ mua máy đóng kiện để gửi hàng phế liệu xuất khẩu sang Đài Loan. Hai năm sau đó, công ty quản lý và tái chế Cogido (Cogido Paper Corp.) ra đời, tiền thân của CWS do David Duong làm giám đốc.

Nhưng công ty của nhà ông Dương mở ra được vài năm thì tới đầu những năm 1990, công ty nợ hơn 1 triệu USD. Gia đình ông bán công ty đó lại cho Norcal Waste Systems, một trong những công ty rác lớn nhất nước Mỹ lúc bấy giờ.

Năm 1991, gia đình David thành lập một công ty tái chế rác mang tên California Waste Solutions (CWS), gần như độc chiếm trong quá trình bỏ thầu để thu thập rác tái chế ở Oakland và San Jose.

Năm 1992, ngay sau khi CWS ra đời, gia đình ông Dương gặp cơ hội lớn khi thành phố Oakland thúc đẩy chiến dịch tái chế rác mới. Khi đó, tái chế rác ở gia đình vẫn còn quá mới nên khi thành phố mời thầu, chỉ có ba công ty nộp thầu, trong đó có công ty nhà ông Dương là CWS.

CWS đã trúng được gói thầu đầu tiên về thu gom rác phế liệu cho một nửa thành phố trị giá vài chục triệu USD.

Không từ bỏ khát vọng phát triển kinh doanh, CWS của ông David Dương đã trúng gói thầu thứ 2, trị giá vài trăm triệu USD, đánh bại đối thủ đứng hàng thứ từ của Mỹ trong ngành môi trường là Công ty Norcal Waste Systems năm 2006.

Cuối năm 2014, CWS của David Dương lại nổi lên trên các phương tiện truyền thông ở Mỹ và Việt Nam trong một vụ đấu thầu thu gom, xử lý rác thải mới cho thành phố Oakland.

Giữa năm 2015, CWS đã chính thức vận hành gói thầu xử lý rác trị giá hơn tỷ USD cùng với đối thủ là công ty về thu gom và xử lý rác lớn nhất nước Mỹ - Waste Management (WM) cho thành phố Oakland.

Trong gói thầu này, CWS sẽ đảm nhận gói tái chế. Ông David Dương cho biết gói chôn lấp và cây xanh mà WM thực hiện chỉ có niên hạn 10 năm, nhưng gói thu gom và tái chế niên hạn 20 năm, nên với việc trúng gói thầu này, CWS không chỉ tạo thêm công ăn việc làm cho nhân viên mà có khả năng lợi nhuận cao và bền vững hơn.

Tại San Jose, năm 2019 là năm đáo hạn hợp đồng thu gom rác của CWS với thành phố San Jose. CWS đã yêu cầu thành phố này tăng giá gần 60% cho dịch vụ xử lý rác.

Chia sẻ trên báo chí, ông Dương cho rằng việc tăng giá là điều bình thường và đó cũng là mức giá cạnh tranh trên thị trường. Chính quyền thành phố không chấp nhận mức phí đó, đồng thời đưa ra nhiều lý do khác nhau để không tiếp tục tái ký hợp đồng thu gom rác với CWS.

Một cuộc điều trần giữa CWS với Sở Tài nguyên - Môi trường (ESD) tại San Jose có mặt đông đảo người Mỹ gốc Việt đã diễn ra.

Cuối cùng, chính quyền San Jose buộc phải đồng ý cho CWS tiếp tục hợp đồng thu gom và xử lý rác cho 166.000 ngôi nhà tại thành phố này trong vòng 1 năm. Sau 1 năm, chính quyền sẽ cân nhắc tiếp để tiến tới ký hợp đồng 15 năm với công ty.

Việc được gia hạn hợp đồng 1 năm cũng được xem là một thắng lợi bước đầu của CWS trong “cuộc chiến” giành quyền thu gom rác cho thành phố San Jose. “Với thắng lợi bước đầu này chúng tôi rất tự tin sẽ làm tốt để giành được hợp đồng 15 năm cho công ty”, ông David Dương chia sẻ.

Nhìn lại hành trình đấu tranh vừa qua, ông David Dương cho biết đó thực sự là một “cuộc chiến” cân não, song với lợi thế về công nghệ và kinh nghiệm trên thị trường, CWS đã vượt qua được khó khăn một cách ngoạn mục.

Sự nghiệp kinh doanh rác tại Việt Nam

“Khoảng thời gian 1993-1994, song thân tôi lần đầu tiên về nước thăm bà con. Cùng thời điểm này, có người thân của gia đình tôi ở Việt Nam bị mắc bệnh hiểm nghèo và vĩnh viễn ra đi, mà các bác sĩ ở bệnh viện cho rằng, do bị ảnh hưởng và tác động trực tiếp từ môi trường bị ô nhiễm nặng xung quanh. Sự mất mát ấy, cùng sự động viên của song thân chính là động cơ thôi thúc tôi nhiều lần nghĩ đến ngày trở về Việt Nam. Tôi đã vượt qua nhiều khó khăn để hiện thực hóa tâm nguyện của mẹ cha, cũng là để chia sẻ trách nhiệm với quê hương mình”, ông David Dương kể.

Ông David Dương giới thiệu Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước với ông Lê Thành Ân, thời điểm đó là Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM. Ảnh: VWS.

Năm 2003, theo lời mời của đoàn lãnh đạo Tp.HCM sang Hoa Kỳ tìm nhà đầu tư về lĩnh vực xử lý rác và môi trường, David Duong bắt đầu về Việt Nam tìm hiểu môi trường kinh doanh. Ông quyết định chọn lĩnh vực môi trường, tuy chưa có doanh nghiệp nước ngoài nào đầu tư; nhưng rất cần thiết và là lĩnh vực CWS có kinh nghiệm và thế mạnh.

Đến năm 2005, Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) 100% vốn nước ngoài do David làm Chủ tịch đã được thành lập và đi vào hoạt động tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, Tp.HCM trên diện tích 128 ha.

Sau Đa Phước, Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) xúc tiến đầu tư dự án khu công nghệ môi trường xanh tại Long An với diện tích 1.760ha, công suất xử ý 40.000 tấn mỗi ngày, vốn đầu tư giai đoạn I khoảng 450 triệu USD.

Tuy nhiên, VWS chịu không ít tai tiếng về việc vận hành bãi xử lý rác có thể tích 3 triệu m3 này. Dự án này được cho là nguyên nhân chính khiến những người dân tại “khu nhà giàu” Phú Mỹ Hưng, Quận 7, TP HCM không dám về nhà do mùi khó chịu.

Cuối năm 2016, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra VWS theo đơn tố cáo của các công dân.

Một lý do khiến Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước bị phản ánh là do liên tục bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến đời sống của dân cư khu vực xung quanh.

Kết quả kiểm tra tình trạng ô nhiễm môi trường bãi rác Đa Phước của Thanh tra Chính phủ chỉ ra rằng, Dự án áp dụng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh truyền thống và sản xuất compost, không phải là dự án có công nghệ xử lý rác tiên tiến, hiện đại so với các nước phát triển, nhưng phù hợp với điều kiện, đặc điểm của thành phố 10 năm trước. Quá trình triển khai thực hiện công nghệ này đã bộc lộ những hạn chế như phát tán mùi hôi, gây ô nhiễm môi trường.

Qua kiểm tra, Thanh tra Chính phủ nhận thấy từ năm 2007 đến nay, dù Công ty VWS đã có những biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường… nhưng trong từng thời điểm vẫn còn để xảy ra phát tán mùi hôi, ảnh hưởng đến một số hộ dân sinh sống ở xung quanh. Một số chỉ tiêu về môi trường còn vượt mức cho phép.

Về nội dung tố cáo dự án bao gồm công nghệ làm phân compost, tái chế nhưng thời gian hơn 8 năm qua đều đem rác để chôn, Thanh tra Chính phủ khẳng định tố cáo này “là đúng”. Nguyên nhân là do khi thương thảo hợp đồng, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM không lường trước được sự khó khăn trong việc phân loại rác tại nguồn của thành phố.

khi không thực hiện được nội dung này, trong một thời gian dài Sở Tài nguyên và Môi trường vẫn không đề nghị thương thảo, rà soát lại hợp đồng đã ký kết. Công ty VWS đã xây dựng xong các hạng mục nhà xưởng để phân loại rác và sản xuất phân compost nhưng do thành phố không phân loại được rác tại nguồn nên không thể vận hành được nhà máy phân loại, tái chế.

Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước từng bị phản ánh là do liên tục bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến đời sống của dân cư khu vực xung quanh.

Về tình hình kinh doanh, bãi rác Đa Phước mang về cho VWS hàng trăm tỷ lợi nhuận mỗi năm. Trong ba năm từ 2014 – 2016, doanh thu của VWS tăng từ 491 lên 822 tỷ đồng với lợi nhuận tăng hơn gấp đôi lên 281 tỷ.

Doanh thu của đơn vị này sẽ phụ thuộc vào lượng rác thải tiếp nhận và đơn giá xử lý tính trên mỗi tấn rác. Là đơn vị quản lý khu chôn lấp rác lớn nhất TP HCM, VWS cũng có ưu thế đáng kể trong việc đàm phán đơn giá xử lý. Mỗi ngày, bãi rác Đa Phước do VWS quản lý tiếp nhận khoảng 5.800 tấn rác, chiếm 66% tổng lượng rác tại TP HCM.

Trong kết luận của Thanh tra TP HCM đầu năm 2016, giá xử lý rác tại Đa Phước cũng cao hơn tất cả các đơn vị khác. Trong đó, cùng là công nghệ chôn lấp nhưng thành phố áp dụng giá xử lý một tấn rác với VWS cao hơn 67.384 đồng (tương đương 3 USD) so với Công ty TNHH Môi trường đô thị thành phố.

Cũng theo kết luận của đơn vị thanh tra, với đơn giá này, chỉ tính riêng việc chuyển 2.000 tấn rác mỗi ngày từ khu xử lý rác Phước Hiệp (đã được UBND TP HCM quyết định đóng cửa) về Đa Phước, mỗi năm ngân sách thành phố phải chi thêm khoảng 48 tỷ đồng.

Còn đối với dự án tại Long An, dự án buộc phải thay đổi công nghệ theo yêu cầu của chính quyền nên tiến độ bị chậm và khiến nhà đầu tư gian nan. Trong bối cảnh đó, VWS vẫn quyết liệt khánh thành hai cây cầu dẫn vào dự án vào ngày 27/3/2019, như thể hiện quyết tâm theo đuổi dự án đến cùng.

Theo DĐDN
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.