Bài học lớn nhất Sonny Vũ học được từ Scully chính là cách đối nhân xử thế.

Việc Vũ Xuân Sơn (Sonny Vũ), tác giả của sản phẩm cảm biến đo đường huyết tích hợp trên nền iPhone.

Việc Vũ Xuân Sơn (Sonny Vũ) tiếp cận được nhiều nhà đầu tư tiếng tăm để phát triển công ty không phải chỉ là may mắn.

Vừa qua, Công ty Misfit Wearables đã quyết định thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) chuyên sáng chế các sản phẩm y tế tích hợp trên nền iPhone tại Việt Nam. Người đưa ra quyết định này là cựu nghiên cứu sinh gốc Việt của Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) Sonny Vũ.

Cơ duyên với John Sculley

Sonny Vũ là tác giả của sản phẩm cảm biến đo đường huyết tích hợp trên nền iPhone đã được Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ cấp phép lưu hành hồi tháng 5 vừa qua với tên gọi iBGStar, hiện có giá bán lẻ khoảng 65 USD.

Sonny Vũ cho rằng, thị trường công nghệ đã có những thay đổi lớn từ mô hình máy tính cá nhân, đến các thiết bị di động và mới nhất là máy tính bảng, điện toán đám mây. Như vậy, suy cho cùng, vấn đề cốt lõi của công nghệ là làm sao các công cụ này có thể đem lại tiện ích tối đa để phục vụ con người.

Sonny Vũ đã may mắn tiếp cận được một số nhà đầu tư cùng chia sẻ tầm nhìn đó. Sau lần gọi vốn đầu tiên, hơn 8,5 triệu USD đã được đóng góp từ các nhân vật có tiếng tăm như John Sculley (cựu Tổng Giám đốc của Pepsi và Apple), Vinod Khosla (nhà sáng lập Sun Microsystems), Peter Thiel (nhà sáng lập Paypal), Brian Singerman (nhà sáng lập iGoogle) và quỹ đầu tư mạo hiểm Founders Fund.

Sonny Vũ cho rằng anh khá may mắn vì nhận được nhiều hỗ trợ về kiến thức lẫn kinh nghiệm từ những người nói trên.

Trong số này, với hơn 40 năm kinh nghiệm, Sculley là nhân vật đã tạo ảnh hưởng sâu sắc nhất đối với anh về năng lực quản trị doanh nghiệp, đầu tư, dẫn dắt và truyền cảm hứng cho các doanh nhân khởi nghiệp. “Sculley là người có thể kể câu chuyện hay nhất về cách giải quyết các vấn đề y tế dựa vào sáng tạo kỹ thuật, cùng cách tạo thương hiệu cho các dịch vụ y tế”, Sonny Vũ nhận xét.

Bài học lớn nhất Sonny Vũ học được từ Scully chính là cách đối nhân xử thế. “Cần có sự đồng cảm và tôn trọng lẫn nhau. Quan trọng hơn, mọi người phải đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân”, Sculley tâm sự với Sonny Vũ như vậy.

Từ bài học này, trong hơn 2 thập niên qua, Sculley đã trở thành một trong những doanh nhân dẫn đầu trong việc đầu tư và dẫn dắt thế hệ trẻ muốn tạo lập các Công ty mang tính đột phá. Danh sách đầu tư của Sculley được kéo dài với hàng loại tên tuổi như NetObjects, Professional Sportscare, NFO Research, HotWire.com, Intralinks, MetroPCS, CreditTrade, Buy.com, PeoplePC, CardioNet, Pinnacar…và mới nhất là Misfit.

Cần nhắc lại, trước đó 10 năm, chính Sonny Vũ cũng là sáng lập viên của Công ty AgaMatrix chuyên sáng chế các sản phẩm máy đo và que đo đường huyết truyền thống. Hiện sản phẩm của AgaMatrix được phân phối tại 20 nước với sản lượng tiêu thụ hàng năm hơn 4 triệu sản phẩm, bao gồm cả iBGStar thông qua hợp đồng phân phối toàn cầu với Sanofi Aventis và các kênh khác như Wal-Mart, chuỗi nhà thuốc Wal-Greens, CVS tại Mỹ cùng hệ thống đại lý tại châu Âu.

“AgaMatrix đã có lãi. Tiềm năng của Misfit cũng vậy vì ngành này dự kiến có doanh số lên tới 9 tỉ USD vào năm 2016”, Sonny Vũ nói.

Sau khi thành lập Misfit, Sonny Vũ đã tập trung cho công ty mới này và nhường quyền điều hành AgaMatrix cho các đồng sự của mình ở Mỹ.

Đi ngược chiều

Mô hình thường thấy của các công ty công nghệ Mỹ là xây dựng trung tâm R&D tại Mỹ và đưa công đoạn đơn giản hơn về Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam để gia công. Nhưng Misfit đã làm điều ngược lại, mà theo lời Sonny Vũ là “đi ngược với thế giới”.

Lý do là Sonny Vũ và các nhà đầu tư đã nhìn thấy tiềm năng của Việt Nam với nguồn nhân lực công nghệ trẻ. Hiện trung tâm R&D tại TP.HCM có hơn 20 thành viên gồm một số bạn trẻ từng đoạt giải Olympic quốc tế về Toán, Tin học và một số tốt nghiệp lớp cử nhân tài năng của trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Nhóm này sẽ chuyên nghiên cứu những thuật toán cảm ứng cao cấp, phát triển và thiết kế phần mềm cho sản phẩm. Trong khi đó, phần thiết kế công nghiệp và phát triển phần cứng được thực hiện tại Mỹ.

“R&D là công việc rất mới ở Việt Nam và chỉ thích hợp với các bạn không những có nền tảng kỹ thuật vững chắc mà còn phải sáng tạo, bản lĩnh và có khả năng giải quyết được những vấn đề trên thế giới vẫn chưa có câu trả lời. Tôi tin nhóm R&D tại đây sẽ làm được”, Sonny Vũ khẳng định. Tháng 6 vừa qua, Misfit đã đưa nhóm 7 kỹ sư và thiết kế phần mềm sang Silicon Valley để đào tạo và tham dự Hội nghị Các nhà phát triển công nghệ toàn cầu để kết nối và tương tác với môi trường sáng tạo công nghệ Mỹ.

Ngày trở về

Rời Việt Nam khi mới lên 5 tuổi và về nước lần đầu năm 24 tuổi để tham gia khóa ngôn ngữ học trong 3 tháng tại Hà Nội, Sonny Vũ dần tìm lại được sự gắn bó với cội nguồn. Hai năm sau, anh về Huế sống trong 3 tháng để tìm hiểu về nơi mình sinh ra. Sau đó, anh trở về Việt Nam mỗi năm để cập nhật thông tin về ngành công nghệ trong nước trước khi quyết định mở trung tâm R&D của Misfit tại Việt Nam hồi tháng 4 năm nay.

Sonny Vũ cho rằng gia đình Việt Nam luôn đề cao việc học và xu hướng chú trọng vào các môn khoa học tự nhiên giúp các bạn trẻ có lợi thế về khả năng tư duy công nghệ.

“Đã đến lúc chúng ta phải tự sáng tạo, thiết kế và sản xuất các sản phẩm công nghệ cho riêng mình vì có ngày chúng có thể sẽ làm thay đổi cả thế giới”, anh nói.

Theo Nhịp cầu Đầu tư
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Nhip cầu Crowdfunding

    Nhip cầu Crowdfunding

    08/04/2013 10:11 AM

    Sonny Vũ có thể đã không thành công nếu không tiếp cận được nguồn vốn theo mô hình crowdfunding.

  • Vũ Xuân Sơn thích đi ngược

    Vũ Xuân Sơn thích đi ngược

    13/09/2012 11:04 AM

    Bài học lớn nhất Sonny Vũ học được từ Scully chính là cách đối nhân xử thế.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.